Bí ẩn máy bay tấn công không người lái "Thợ săn" Okhotnik-B của Nga

Thứ năm - 13/06/2019 01:58
Tổ hợp máy bay tấn công - trinh sát không người lái Okhotnik-B của Nga đang là tâm điểm của những phỏng đoán từ truyền thông và các chuyên gia quân sự.

Okhotnik-B - từ thiết kế “hầm hố” …

Trong khuôn khổ triển lãm “Army-2019” diễn ra từ 25 đến 30/6/2019, tại Kubinka - ngoại ô Moscow, Nga sẽ trình làng tổ hợp máy bay tấn công - trinh sát không người lái Sukhoi Okhotnik (“Thợ săn”, còn gọi Okhotnik-B, Sukhoi S-70). Việc bảo mật thông tin cũng như sự úp mở của giới chức Nga gây nên sự tò mò và mối quan tâm về chiếc máy bay chiến đấu không người lái (UCAV) tối tân này, cũng là lý do để các giới đưa ra những suy đoán và phỏng đoán về chức năng và các thông số kỹ thuật của nó.

Bí ẩn máy bay tấn công không người lái

Thiết kế (giả thuyết) của S-70. Nguồn: russiadefence.net

Okhotnik-B là sản phẩm dự án tổ hợp máy bay tấn công - trinh sát không người lái với các tên gọi khác nhau, do Công ty Sukhoi phát triển theo đặt hàng của Bộ Quốc phòng Nga từ năm 2012, với kinh phí 1,6 tỷ rúp, dự kiến năm 2020 sẽ được biên chế cho lực lượng Không quân Vũ trụ Nga. S-70 sử dụng các công nghệ để giảm tín hiệu phản xạ radar của máy bay thế hệ thứ 5, và được xem là tiền đề để Nga phát triển tiêm kích tàng hình thế hệ 6 trong tương lai nhằm đuổi kịp chương trình PCA của Mỹ.

Theo báo chí nước ngoài, S-70 là máy bay lớn nhất trong số các máy bay cùng loại, được chế tạo theo sơ đồ “cánh bay”, có sải cánh 19m, dài 14m, trọng lượng cất cánh 25 tấn (trong đó có 2,8 tấn vũ khí), tốc độ bay 1.000 - 1.400 km/h, tầm hoạt động 5.000km, có ba càng hạ cánh bánh hơi (kích thước tương tự máy bay không người lái Tian Ying của Trung Quốc, RQ-170 Sentinel của Không quân và X-47B UAV của Hải quân Mỹ). “Thợ săn” được thiết kế theo kiểu modul, giúp nó có thể thay đổi trọng tải tùy thuộc vào loại nhiệm vụ chiến đấu.

Đầu năm 2019, nguyên mẫu thứ ba của Su-57 được sử dụng làm phòng thí nghiệm bay để thử nghiệm một số hệ thống liên quan đến S-70, như không lưu, thông tin liên lạc, hoạt động nhóm của phương tiện không người lái… Ngày 24/5/2019, Okhotnik đã cất cánh lần đầu tiên, tăng tốc và bay lên khỏi đường băng thử nghiệm vài mét, sau đó hạ cánh.

… đến những phỏng đoán…

Hình ảnh vệ tinh cho thấy, S-70 có kích thước lớn hơn cả tiêm kích bom Su-34 và điều làm nên uy lực của nó là khả năng tích hợp hầu hết các loại bom, tên lửa hiện có và cả những vũ khí Nga đang phát triển. Đặc biệt, vũ khí chứa bên trong thân làm giảm sức cản và tăng tính tàng hình, giúp S-70 tung ra cú đánh bất ngờ khiến đối phương không kịp trở tay. S-70 được cho là có khả năng tự động tiến hành các chuyến bay, thực hiện nhiệm vụ và quay trở lại căn cứ - tính năng chưa UCAV nào có được.

Bí ẩn máy bay tấn công không người lái

Hình minh họa S-70. Nguồn: investforesight.com

Theo thiết kế, S-70 được tối ưu hóa để tấn công các hệ thống phòng không, sở chỉ huy và trung tâm truyền thông đối phương - những mục tiêu thường được bảo vệ bởi hệ thống phòng không đa tầng, dầy đặc. Okhotnik còn được đồng bộ hóa, có thể phối hợp thực hiện nhiệm vụ với tàng hình cơ thế hệ 5 Su-57; được điều khiển từ mặt đất, hoặc bởi Su-57 bay cạnh - một trong các chức năng cơ bản của tiêm kích thế hệ 6.

Một biên đội Su-57 sẽ kiểm soát một số UCAV nhất định, chúng có thể bay phía trước như trinh sát tiền duyên, bay ngang hoặc phía sau nhằm thực hiện các nhiệm vụ theo mệnh lệnh của phi công Su-57. Đây có thể là phiên bản thử nghiệm của máy bay thế hệ thứ 6, tiêm kích tàng hình có và không có người lái được trang bị trí tuệ nhân tạo. Nhiều khả năng, trên S-70 sẽ ứng dụng kết quả nghiên cứu từng được áp dụng cho Su-57, đặc biệt là về “tàng hình” và bố trí vũ khí bên trong thân.

Bí ẩn máy bay tấn công không người lái

Hình ảnh hiếm hoi S-70 trong một buổi thử nghiệm. Nguồn: topwar.ru

So với X-47B của Mỹ, theo chuyên gia Rogoway, cánh của S-70 vát về sau nhiều hơn, giúp nó đạt tốc độ tối đa và hiệu suất cao hơn, cũng như duy trì khả năng cơ động rất tốt ở tốc độ lớn - những yếu tố quan trọng giúp S-70 theo kịp những chiếc Su-57 khi thực hiện nhiệm vụ. Cũng theo vị chuyên gia người Mỹ, khả năng phản xạ radar và bộc lộ hồng ngoại của S-70 rất khiêm tốn so với UCAV tàng hình của Mỹ; động cơ phản lực với chế độ đốt tăng lực cho phép Okhotnik đạt tốc độ siêu âm - điều mà X-47B không thể làm được.

Chưa rõ sứ mệnh tương lai do tính năng kỹ-chiến thuật vẫn được giữ kín, nhưng “Thợ săn” đã được cho là sở hữu nhiều khả năng đáng gờm. Nó đã nhanh chóng được gọi là “sát thủ diệt các máy bay tiêm kích” F-22 Raptor và F-35 Lightning II của Mỹ. Tuy vậy, theo một số chuyên gia, nếu S-70 là UAV tấn công tiên tiến và hoàn thiện nhất về mặt kỹ thuật, thì nó vẫn không thể “đánh đu” được với các tiêm kích trong hình dáng như hiện nay.

Mọi UAV đều được điều khiển từ mặt đất và kể cả có “bộ não”, hệ thống điện tử siêu khủng, thì “Thợ săn” vẫn không đủ lực tham gia không chiến, bởi vì ở đây không thể thiếu “yếu tố con người”. Thiết kế có hình “cánh bay”, thiếu cánh đuôi thẳng đứng khiến cho khả năng cơ động của nó bị giảm đáng kể.

Có phỏng đoán rằng S-70 được xem như một phương án của máy bay cường kích tương lai. Tuy vậy, với trọng lượng cất cánh và tầm bay thực tế, S-70 không thể được coi như một chiếc máy bay ném bom chiến lược. Nhiều khả năng, “Thợ săn” có thể sẽ được sử dụng với vai trò nền tảng cho dòng tiêm kích thế hệ thứ 6 với khả năng thực hiện cả nhiệm vụ không đối đất, lẫn không đối không.

Theo một số nhà phân tích, “Thợ săn” không phải tiêm kích, cũng chẳng phải oanh tạc cơ, căn cứ vào những thông số kỹ-chiến thuật và công nghệ thiết kế. Đó chính là chiếc UAV truyền thống, dù được trang bị thiết bị điện tử vô tuyến, bao gồm các hệ thống điều khiển tự động, kiểm soát và đánh giá thiết bị điện tử, định vị vệ tinh và quán tính, …

Hiện tại, S-70 được trang bị một động cơ turbine phản lực, nhiều khả năng là bản nâng cấp của dòng AL-31F, cho phép đạt được tốc độ siêu thanh ở chế độ không lái. Xét về phương diện khí động, một trong những yêu cầu của của UAV là khả năng tàng hình. Nếu S-70 dùng động cơ của Su-57, sẽ không đáp ứng được yêu cầu của máy bay thế hệ thứ 5 và đặc biệt là thế hệ thứ 6. Không loại trừ S-70 không gặp phải vấn đề đó, hoặc chúng sẽ được giả quyết trong những năm tới.

Để phá hủy các đài radar, S-70 có thể trưng dụng tên lửa không đối đất siêu âm Kh-58 (tầm bắn 260 km) của Su-57, đồng thời, có thể mang bốn tên lửa siêu thanh Kh-74M2 đã được nâng cấp và tám quả bom dẫn đường KAB-250. Một trong những sản phẩm nước ngoài tương đồng nhất với S-70 có lẽ là dự án Northrop Grumman X-47B của Mỹ. Từ góc độ này, S-70 sẽ máy bay tấn công chứ không phải là trinh sát.

Giới quan sát đang nghi ngờ rằng, từ nay đến cuối năm 2019 chỉ còn mấy tháng, mà Nga tuyên bố sẽ hoàn thiện Okhontnik trong khi nó chưa thực hiện một chuyến bay đúng nghĩa nào (chiếc Su-57 đã thực hiện rất nhiều cuộc kiểm tra với 11 mẫu thử mà vẫn chưa sẵn sàng). Phát biểu mới nhất của quan chức Bộ Quốc phòng Nga có vẻ như đang cố gắng thúc ép chiếc Okhotnik phải "đốt cháy giai đoạn" để không bị tụt hậu quá xa so với X-47B của Mỹ - chiếc đã cất hạ cánh thành công nhiều lần từ tàu sân bay và chuẩn bị chính thức trực chiến.

Theo CTV Lê Ngọc

VOV

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây