Theo Nikkei Asian Review, cạnh tranh tầm ảnh hưởng giữa các nước lớn trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã chuyển dịch trọng tâm từ hỏa lực quân sự sang các dự án đầu tư và cơ sở hạ tầng. Nếu Trung Quốc có sáng kiến “Vành đai, con đường” thì Nhật Bản và Mỹ lại có chiến lược về một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương Tự do và Mở cửa.
Mỹ hiện tại vẫn là nền quân sự hàng đầu thế giới. Họ đã chi 648,8 tỷ USD ngân sách quốc phòng trong năm 2018, so với con số 250 tỷ USD của Trung Quốc, theo viện SIPRI của Hà Lan.
Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng đang nỗ lực trong việc chuyển đổi lực lượng Quân đội Giải phóng Nhân dân nước này từ một lực lượng cồng kềnh, hoạt động thiếu hiệu quả trở nên tinh gọn và hiện đại hơn. Họ đã bắt đầu thử nghiệm tàu sân bay tự đóng đầu tiên và đang chế tạo một tàu khác. Trung Quốc cũng có những tiến bộ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và an ninh mạng.
Trung Quốc đã nhận được sự chỉ trích từ cộng đồng quốc tế về các yêu sách chủ quyền của nước này trên Biển Đông cùng hoạt động bồi đắp, xây dựng quân sự trái phép tại khu vực trong thời gian qua. Nhưng theo các chuyên gia, có một khía cạnh khác cũng gây tranh cãi không kém liên quan tới chiến lược mở rộng tầm ảnh hưởng quân sự toàn cầu của Bắc Kinh. Đó là không sớm thì muộn, họ sẽ cần thêm căn cứ quân sự ở nước khác, ngoài 1 căn cứ hiện tại ở Djibouti, châu Phi.
Trên thực tế, một số dự án nằm trong sáng kiến “Vành đai, con đường” của Trung Quốc tại Myanmar, Campuchia, Pakistan hay Sri Lanka đã gây nên sự hoài nghi về việc những công trình này có thể phục vụ mục đích quân sự, theo Nikkei.
Mỹ đã nhiều lần cảnh báo rằng mọi động thái của Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự ở Đông Nam Á sẽ gây đe dọa tới sự ổn định trong khu vực, song nhiều quan chức châu Á cho rằng đó là điều khó tránh khỏi.
“Đó chỉ là vấn đề thời gian”, Bilahari Kausikan, chủ tịch Viện Trung Đông ở Singapore, nhận định. Ông Kausikan cho rằng Bắc Kinh sẽ sớm có căn cứ quân sự ở một nước Đông Nam Á nhưng ông không cảm thấy hào hứng với điều đó. Giới quan sát nhận định rằng căn cứ quân sự ở nước ngoài sẽ là mục tiêu của Trung Quốc trong kế hoạch mở rộng tầm ảnh hưởng toàn cầu.
Các nước Đông Nam Á đã trải qua một thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ trong chi tiêu quốc phòng với ít nhất 5/10 nước ASEAN đã mua hoặc chuẩn bị mua tàu ngầm, cũng như nâng cấp khả năng tác chiến.
Chính vì vậy, theo các chuyên gia, thị trường vũ khí cũng là một trong những điều mà Trung Quốc để mắt vả tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới và Mỹ có thể coi điều này là mối đe dọa tới lợi ích của họ tại khu vực.
Đức Hoàng
Theo Nikkei Asian Review
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn