Hai ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump và Hillary Clinton trong cuộc tranh luận trực tiếp của họ tại Đại học Washington ở St. Louis, bang Missouri, Mỹ - Ảnh: Reuters |
Theo Wall Street Journal (WSJ), trong lúc báo chí Mỹ dồn bút lực để "đánh" ông Trump tơi bời thì họ dường như đã cố ý "chôn vùi" mọi tội lỗi liên quan tới ứng cử viên Đảng Dân chủ.
Những "tì vết" của bà Clinton
WSJ cho rằng truyền thông Mỹ gần như đồng loạt phớt lờ những sự kiện ầm ĩ liên quan tới bà Hillary Clinton và chỉ chăm chú dành trang nhất của họ cho những bê bối của ông Trump. Nhưng theo họ, bà Clinton cũng dính vào rất nhiều bê bối đáng kể.
Khởi đầu là một email tháng 6-2015 do cựu luật sư Erika Rottenberg của Hãng LinkedIn gửi tới các nhân viên của bà Clinton. Trong đó bà Rottenberg nói rằng không ai trong số các luật sư thuộc nhóm bạn bè của bà "có thể hiểu vì sao việc sử dụng email cá nhân để xử lý các tài liệu mật lại có thể được xem là ổn/an toàn/phù hợp, và tại sao bà Hillary lại có thể được tự mình đánh giá và xóa bỏ các tài liệu đó".
Cũng theo luật sư này, đó là hành động vượt qua giới hạn luật pháp, có thể bị phạt hoặc sa thải. Sau khi bài báo công bố, ngày 16-10, bà Rottenberg phản hồi, nói rằng quan điểm được nêu trong email đó không phải của bà mà của những người dự kiến tham gia một sự kiện tranh cử nêu ra.
Vài tháng sau đó, trong email gửi tháng 9-2015, một người bạn gái thân thiết với bà Clinton tỏ ý lo ngại rằng bà ấy kiên quyết không chịu thừa nhận mình đã sai. Người này là bà Neera Tanden, chủ tịch của tổ chức Trung tâm vì sự tiến bộ của người Mỹ. Bà Neera Tanden viết: "Mọi người muốn bà ấy xin lỗi. Và bà ấy nên làm vậy. Những lời xin lỗi giống như gót chân Achilles của bà ấy".
Khoảng 3 tuần trước khi một kỹ thuật viên xóa bỏ các email, nhóm nhân viên của bà Clinton đã thảo luận về cách làm thế nào để né một trát đòi hầu tòa của quốc hội với bà Clinton về vụ email cá nhân. Sau đó, chiến dịch vận động tranh cử của bà đã thuê một nhóm chuyên trách để tìm cách làm thế nào tạo dư luận khiến người Mỹ nhìn nhận về bê bối email này như là một phần của cuộc điều tra về vụ việc ở Benghazi (mà thật ra chúng không liên quan gì với nhau) và xem như đó là một âm mưu của Đảng Cộng hòa.
Tuần này, một quan chức cao cấp của FBI có liên quan tới cuộc điều tra về vụ sử dụng email cá nhân của bà Clinton chia sẻ với Đài Fox News rằng phần lớn các điệp viên và công tố viên có trách nhiệm trong sự việc đều "cảm thấy bà ấy (bà Hillary Clinton) cần bị truy tố" và việc bỏ qua cho bà ấy trong việc này là "một quyết định từ trên đưa xuống".
Chính quyền Tổng thống Barack Obama đã hoạt động như một nhánh mở rộng của chiến dịch vận động tranh cử của bà Clinton. Bộ Ngoại giao đã hợp tác với các nhân viên của bà Clinton trong việc ứng phó với bê bối sử dụng email cá nhân. Trong khi đó, Bộ Tư pháp liên tục cung cấp cho đội ngũ trợ thủ của bà Hillary những thông tin diễn tiến liên quan tới sự việc.
Còn một vấn đề nữa mà các tài liệu bất lợi với bà Clinton chỉ ra là bà thường xuyên thay đổi lập trường để có thể đạt được lợi ích chính trị lớn nhất. Theo đó, tờ WSJ dẫn các tài liệu được tiết lộ cho thấy bà có hai lập trường (công và tư) về vấn đề ngân hàng, hai lập trường về sự giàu có, hai lập trường về vấn đề biên giới, hai lập trường về vấn đề năng lượng. Nhóm nhân viên làm việc cho bà đã có những cuộc tranh cãi không dứt vì việc bà nên theo lập trường nào để có thể xoa dịu những bức xúc trong nội bộ đảng...
Các cử tri có thể không biết về tất cả những điều này vì trong lúc cả hai ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ và Cộng hòa đều có nhiều vấn đề cần phải giải đáp thì báo chí Mỹ lại chỉ tập trung nói về ông Trump.
Quan hệ mật thiết với báo giới
Trang web "thổi còi" WikiLeaks tuần qua cũng đã tung ra một loạt thông tin cho thấy sự ủng hộ bí mật của truyền thông với ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ. Trong một email gửi tháng 1-2015 của nhà báo Maggie Haberman từng làm việc cho trang Politico và hiện là phóng viên của báo New York Times viết: "Chúng tôi luôn để bà ấy chuẩn bị các nội dung cho chúng tôi trước và chưa bao giờ bị thất vọng".
Trong một vụ việc khác, bà Donna Brazile, một cựu nhân viên của bà Clinton, hiện đang là người đứng đầu Ủy ban quốc gia Đảng Dân chủ, lúc đang còn là một người cộng tác với Đài CNN cũng đã gửi email cho các thành viên trong chiến dịch tranh cử của bà Clinton, mách trước cho họ biết câu hỏi sẽ đặt ra với bà trong cuộc tranh luận với ông Bernie Sanders, đối thủ cùng đảng với bà. Tất nhiên bà Brazile cũng đã bác bỏ chuyện báo trước câu hỏi này.
Ngoài ra, cũng không quá khi nói rằng bà Clinton đã "nắm trong tay" một lực lượng báo chí hùng hậu. Tài liệu của WikiLeaks tiết lộ cũng cho thấy một số cơ quan truyền thông khác đã cho chiến dịch tranh cử của bà Clinton hưởng đặc quyền có thể loại bỏ những câu trích dẫn nào họ lấy ra từ các cuộc phỏng vấn, tối ưu hóa các sự kiện báo chí của bà và gợi ý cả những lời khuyên chính trị.
Người Mỹ căng thẳng vì bầu cử tổng thống Hiệp hội Tâm lý Mỹ vừa tiết lộ một số dữ liệu điều tra ban đầu từ báo cáo thường niên "Tình trạng căng thẳng ở Mỹ" sắp công bố, theo đó mức độ căng thẳng tại Mỹ đặc biệt cao xung quanh thời điểm chuẩn bị bầu cử. Khoảng một nửa số người được hỏi (52%) cho biết cuộc bầu cử "là vấn đề phát sinh đáng kể" cho tâm lý căng thẳng trong đời sống của họ. Nếu tách riêng ra thì 59% người ủng hộ Đảng Cộng hòa và 55% người ủng hộ Đảng Dân chủ nói cuộc bầu cử này khiến họ căng thẳng. |
Thêm bằng chứng bà Clinton “đi đêm” với Phố Wall Trang WikiLeaks vừa công bố thêm ba bài diễn văn được trả tiền của bà Hillary Clinton cho Ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs. Quan hệ với các “tay chơi” lớn nhất Phố Wall có lẽ là sự chú ý không được mong đợi và khá ngượng ngùng đối với ứng viên tổng thống Đảng Dân chủ khi cuộc đua vào Nhà Trắng đang vào giai đoạn nước rút. Theo AFP, nhóm của bà Clinton không bình luận gì về những thông tin WikiLeaks vừa công bố. Đây là những tài liệu nằm trong số dữ liệu email bị đánh cắp của ông John Podesta - người đứng đầu chiến dịch tranh cử của bà Clinton. Bà Clinton thực hiện các bài diễn văn được trả thù lao trong giai đoạn sau khi rời vị trí ngoại trưởng Mỹ và bắt đầu chiến dịch vận động tranh cử. Mối thâm tình với Phố Wall đã nhiều lần khiến bà Clinton bị chỉ trích, các đối thủ cho rằng bà “không đáng tin” để quản lý các doanh nghiệp trả tiền cho bà. Theo nội dung các bài phát biểu giai đoạn 2013 - 2014 bị công bố trước đó, bà Clinton bày tỏ ủng hộ tự do thương mại và quy định độc lập cho Phố Wall - quan điểm này đối nghịch với những gì bà thể hiện ở cương vị ứng viên tổng thống.P.LONG |
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn