Hội nghị Trung ương 8 khóa XII đã bàn thảo nhiều vấn đề quan trọng của Đảng, của đất nước. Qua theo dõi diễn biến Hội nghị, cán bộ, đảng viên và nhân dân bày tỏ sự đồng tình nhất cao với việc ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Phóng viên Báo Bắc Kạn đã ghi lại ý kiến của cán bộ, nhân dân về vấn đề này.
Đồng chí Hà Sỹ Toàn, Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn:
Quan theo dõi Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII, tôi rất tâm đắc với Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Trước đây Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có nhiều chủ trương, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên như Quy định số 101 của Ban Bí thư khoá XI về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, Quy định số 47 của Trung ương khoá XI về những điều đảng viên không được làm, Quy định 55-QĐ/TW ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị quy định về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên tại Hội nghị lần thứ 8, Trung ương sẽ xem xét, ban hành một quy định mới về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quy định này là rất quan trọng, trong đó đặc biệt nhấn mạnh những cán bộ cao cấp như: Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư và Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Đã là quy định thì mọi đảng viên đều phải chấp hành nhưng việc nhấn mạnh đến sự gương mẫu của cán bộ cao cấp từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải gương mẫu đi đầu và nghiêm khắc thực hiện là điều vô cùng cần thiết.
Để trở thành Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng là cả quá trình, phấn đấu, rèn luyện không ngừng của mỗi cán bộ đảng viên, nhưng nếu không liên tục rèn luyện để suy thoái đạo đức, lối sống, làm sai quy định của Nhà nước sẽ làm mất lòng tin của dân, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng. Chính vì vậy, cán bộ các cấp tạo niềm tin cho đảng viên, cho cán bộ cho quần chúng nhân dân bằng việc làm cụ thể của mình. Những đồng chí lãnh đạo cao cấp nhất cần phát huy vai trò đảng viên, tránh tình trạng “Nhà dột từ nóc”, nếu như nóc mà dột nhà khó sửa. Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương đặt vấn đề cán bộ cấp cao nhất là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng là những người có trách nhiệm nêu gương để cho toàn Đảng, toàn dân học tập, noi theo. Phải kiên quyết chống các biểu hiện tiêu cực trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, công tác cán bộ, tham nhũng chính sách, tham vọng quyền lực, làm quyền, lộng quyền, lợi ích nhóm, để người than lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi.
Tinh thần chỉ đạo lần này phải đi sâu, mỗi đảng viên phải rèn luyện mình, đi đầu gương mẫu “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, Đảng đi đầu, ở đâu khó phải xông pha.
Trong thời gian qua, một số cá nhân vì không gương mẫu, không thực hiện đúng trách nhiệm của mình nên đã gây mất uy tín cá nhân, làm giảm uy tín của Đảng, giảm đi sự tin cậy của nhân dân với Đảng ta.
Chính vì vậy, nâng cao ý thức trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, trước hết là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương sẽ làm tăng thêm sức mạnh của Đảng. Quan trọng hơn, vấn đề nêu gương trở thành việc làm tự giác, thường xuyên và xây dựng được văn hóa nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên. Đây là chủ trương rất đúng đắn nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, nâng cao sức chiến đấu của cán bộ, đảng viên, góp phần đẩy lùi tham ô, tham nhũng, tiêu cực, xây dựng lòng tin tuyệt đối của nhân dân với Đảng./.
Tác giả: Hồng Hạnh (Thực hiện)
Nguồn tin: http://baobackan.org.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn