Người Cựu chiến binh hai lần được gặp Bác Hồ

Thứ sáu - 31/08/2018 23:22
Đối với mỗi người dân Việt Nam, việc được gặp Bác Hồ, được nghe Bác chỉ dạy là niềm vinh dự, tự hào lớn lao.

Đối với mỗi người dân Việt Nam, việc được gặp Bác Hồ, được nghe Bác chỉ dạy là niềm vinh dự, tự hào lớn lao. Với ông Nguyễn Quân – Cựu chiến binh ở tổ 10, phường Phùng Chí Kiên, thành phố Bắc Kạn, niềm vinh dự, tự hào đó còn được nhân lên gấp đôi khi ông hai lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là kỉ niệm sâu sắc mà ông không thể nào quên.

Tìm gặp người Cựu chiến binh năm xưa, chúng tôi khá ngạc nhiên vì dù đã 87 tuổi (ông Nguyễn Quân sinh năm 1931) nhưng trông ông vẫn còn khỏe mạnh và nhanh nhẹn. Đặc biệt, trí nhớ của ông còn rất tốt, những câu chuyện về năm tháng chiến đấu dường như vẫn còn in đậm trong tâm trí của ông, vừa nhâm nhi chén trà ông vừa say sưa kể: Khi 16 tuổi học xong lớp 6 tiểu học, tôi xung phong đi quân đội. Ngày đó tuyển quân đơn giản lắm ai xung phong đi chỉ cần có sức khỏe là được. Địa phương nào có thanh niên thích đi bộ đội thì đến đăng ký. Chỉ huy đặt vài câu hỏi như: có thích vào thật không, có chịu được khổ không, có sợ chết không. Khi trả lời xong mấy câu hỏi đó thì về nhà lấy 2 bộ quần áo đi theo bộ đội thế là trở thành anh lính cụ Hồ.

Ông tham gia trung đoàn 72 từ những ngày đầu thành lập. Vào quân, ông là một trong số ít những người có trình độ văn hóa, lại viết chữ đẹp nên cấp trên tuyển ngay vào ban quân nhu, chuyên ghi chép sổ sách. Thế là từ đó ông gắn liền với công tác hậu cần ở tất cả các chiến dịch ông tham gia như: Giải phóng thị xã Bắc Kạn, Chiến dịch Điện Biên Phủ, chiến dịch Khe Sanh... năm 1979 ông về công tác tại Tổng cục hậu cần 9 năm, đến năm 1987 ông về hưu với quân hàm Thượng tá.

Người Cựu chiến binh hai lần được gặp Bác Hồ
Người Cựu chiến binh Nguyễn Quân.

Ngoài những ngày mưa bom bão đạn đã từng được trải qua, hồi ức mà ông luôn tự hào mỗi khi nhắc đến chính là vinh dự hai lần được gặp Bác Hồ. Năm 1950, khi ấy Nguyễn Quân còn là một anh lính trẻ đang thực hiện nhiệm vụ tại quê hương. Có một lần anh vô tình gặp một cụ già đang ngồi bên đường nói truyện với mấy anh bộ đội tại nơi đóng quân, lúc này Nguyễn Quân chỉ ấn tượng với ông cụ có đôi mắt sáng, vóc người nhỏ và nếu quan sát kỹ hơn sẽ thấy cụ cố tình lấy quai nón (được làm từ chiếc khăn) che đi bộ râu. Nhưng phải đi khi ông cụ đã đi bộ khuất bóng thì anh mới được biết đấy chính là Bác Hồ kính yêu. “Tôi nhớ rằng lúc ấy tôi sung sướng và hạnh phúc lắm vì mình đã được gặp Bác, dù rằng chỉ đứng nhìn từ xa. Từ ấy tôi cố gắng nhớ mãi hình ảnh về người, cứ sợ rằng mình sẽ quên mất.” Người Cựu chiến binh tóc đã bạc trắng cười vui chia sẻ với chúng tôi về lần đầu gặp Bác.
Thế nhưng không ngờ rằng, 10 năm sau (năm 1960), ông lại có vinh dự được gặp Bác Hồ, mà lần này còn được lắng nghe Người nói chuyện và dặn dò rất lâu. Đó là vào một buổi chiều muộn vào tầm cuối tháng 7 dương lịch. Lúc ấy ông đang học tại trường Sĩ quan Lục Quân và đang tham gia tập luyện duyệt binh cho Ngày Quốc khánh 2/9/1960 – Kỷ niệm 15 năm thành lập Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bất ngờ khi cùng đồng đội đang tập luyện thì nghe tin Bác đến thăm, toàn đội háo hức tập trung lại lắng nghe Người nói chuyện. Bác Hồ hỏi: Các chú tập luyện có mệt không?, mọi người trả lời: Thưa Bác, không ạ!. Trong khi trò chuyện, Bác thấy gương mặt ai cũng đỏ au, đen sạm và có một vệt trắng do chiếc quai mũ in lên, Bác hiểu ngay đấy là do tập luyện thường xuyên dưới nắng nóng mùa hè. Chính vì vậy, Bác đã đề nghị đồng chí chỉ huy chỉ cho tập từ sớm đến hơn 8h sáng và chiều tập từ 16h trở đi. Bác còn dặn dò mọi người ăn uống, nghỉ ngơi cho tốt, không những thế Người còn nói vui: Quốc khánh lần này nước ta mời rất nhiều khách nước ngoài đến dự, thế nên các chú phải có sự chuẩn bị thật kỹ, Bác muốn họ biết rằng bộ đội Việt Nam không chỉ anh dũng mà còn đẹp trai nữa.

Buổi gặp mặt kết thúc, ai cũng tiếc nuối, mọi người mấy ngày sau vẫn nhắc về Bác với tất cả lòng kính yêu. Dù bận trăm công nghìn việc, nhưng người vẫn để tâm, chú ý đến sức khỏe, giờ tập luyện và dặn dò cả bữa ăn, giấc ngủ cho những người lính.

“Lần gặp thứ hai này, Bác đã già đi nhiều, gương mặt có nhiều nếp nhăn, râu dài hơn, nhưng mắt vẫn sáng và nhanh nhẹn. Hai lần vinh dự được gặp Bác Hồ là điều mà tôi vô cùng tự hào, nó cũng trở thành động lực để tôi phấn đấu và cống hiến nhiều hơn trong mọi công việc. Đến năm 1969, khi ấy tôi đang làm cán bộ tuyên huấn thì nghe tin Bác mất. Lúc ấy nghe qua đài phát thanh, tất cả những người có mặt đều khóc nức nở, chúng tôi vừa khóc vừa thay nhau chép lại di chúc của Người để đưa đến cho bộ đội ở chiến trận, đó cũng là những ngày mà tôi không thể quên…” ông Nguyễn Quân bùi ngùi nhớ lại.

Đến nay, khi đã bước sang tuổi 87, những câu chuyện về Bác Hồ và năm tháng kháng chiến vẫn luôn được Người Cựu chiến binh Nguyễn Quân kể lại với thế hệ con cháu và là nguồn động lực lớn lao giúp ông sống lạc quan, yêu đời khi cái tuổi đã xế chiều.


 

Tác giả: Ghi chép của Bích Phượng

Nguồn tin: http://baobackan.org.vn

 Từ khóa: vinh dự, tự hào

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây