Thương con, hai vợ chồng nhất định không chịu buông xuôi, họ quyết định vay lãi ngày để cùng nhau chống chọi bệnh tật. Đặc biệt hơn, mẹ ông Vinh cùng 7 anh chị em của ông đều mắc bệnh ung thư đại trực tràng khiến dư luận tại địa phương hết sức hoang mang.
Vay lãi để chữa bệnh
Con ngõ nhỏ dẫn vào nhà ông Vinh cỏ dại mọc um tùm, như thể lâu lắm chẳng có bước chân người. Quả như vậy, đến chủ nhân của nó bấy lâu nay đã coi bệnh viện là nhà. Nhìn ngôi nhà nhỏ, xiêu vẹo với mái tôn thủng lỗ chỗ khiến chúng tôi không chạnh lòng.
Bà Lê Thị Nga (hàng xóm của ông Vinh) cho hay: "Hoàn cảnh của gia đình anh Vinh quả thực vô cùng khó khăn. Trong số mấy anh em thì anh Vinh là khổ nhất. Bao năm lăn lộn xa quê nhưng cũng không kiếm được gì, giờ trở về thì cả hai vợ chồng đều bệnh tật. Thương nhất là mấy đứa nhỏ, bố mẹ nhiều lúc đi viện biền biệt cả tháng, chỉ có hai chị em trông nhau thôi".
Ông Vinh bảo, tiền bao nhiêu dồn cả vào chữa bệnh, chẳng còn đồng xu nào mà sửa chữa nhà cửa. Mà ngôi nhà này cũng chẳng phải nhà của ông, vợ chồng ông mượn của người em ruột đang đi xuất khẩu lao động.
Biết chúng tôi tìm hiểu về thông tin gia đình có tới 8 người mắc bệnh ung thư đại trực tràng, ông Vinh không khỏi ái ngại. Ông bảo, chỉ vì có nhiều người bị ung thư mà gia đình ông mặc cảm lắm. Lâu nay cũng không muốn tiếp xúc nhiều với người ngoài, gặp ai cũng chỉ muốn cúi gằm mặt mà bước.
Người tốt thì họ cảm thông, hỏi han tình hình. Người xấu thì lại mỉa mai là gia đình ăn ở thế nào nên mới bị trời hành. Thế rồi người thì bảo bệnh này lây lan sang nhau.
Anh Vinh với những vết mổ vừa liền sẹo. |
Vợ chồng ông Vinh có 4 người con, sinh được cháu thứ 2 (năm 1999) cả gia đình "khăn gói quả mướp" vào Gia Lai làm ăn sinh sống. Mãi tới năm 2005 và 2011, vợ chồng ông Vinh sinh tiếp hai cháu nữa.
Đất khách quê người, nhà lại đông con, rồi công việc làm ăn không được thuận lợi, hai vợ chồng lại đưa các con về Hải Dương từ cuối năm 2016.
"Tôi thế này đã khổ, vợ tôi lại mắc bệnh hen suyễn. Đến nay, chúng tôi vẫn còn chưa chuyển được khẩu từ Gia Lai về Hải Dương vì mắc một số thủ tục.
Cứ tưởng vào Gia Lai sẽ làm ăn khá khẩm hơn, ai ngờ vào đó cũng khó khăn lắm. Làm ăn chẳng gặp dịp, được mùa thì mất giá mà được giá lại mất mùa. Ruộng nương trong đó nhiều nhưng càng làm lại càng lỗ.
Trở về quê, nhà không có, đất thì không, may là mượn được cậu em út ngôi nhà cũ được bố mẹ xây cho từ năm 1977. May mà có nhà cậu ấy, vì hiện đang lao động xuất khẩu ở nước ngoài"- Ông Vinh buồn bã nói.
Cuối năm 2017, thấy có dấu hiệu đi ngoài ra máu liên tục nhưng ông Vinh chủ quan không đi khám, nghĩ mình chỉ bị bệnh về đường ruột. Sau thấy trong người quá khó chịu, ông mới quyết định đi khám tại Bệnh viện K (cơ sở Tân Triều, Hà Nội) và được bác sĩ chỉ định phải mổ ngay để cắt bỏ khối u ở đại trực tràng góc lách.
"Lúc nghe thông tin của bác sĩ, tôi đã nghĩ đến việc buông xuôi. Đêm nằm cứ miên man suy nghĩ, đã bị ung thư coi như mình nhận "án tử". Hơn nữa nhà mình cũng nghèo, tiền ăn còn phải xoay, lấy đâu ra tiền để chữa bệnh. Sau này các bác sĩ có nói là tôi may mắn vì đi khám sớm nên được điều trị sớm, tổn thương ung thư ở giai đoạn sớm, điều trị cũng dễ dàng hơn" - ông Vinh nói.
Hai vợ chồng càng khánh kiệt khi mà họ đều mắc bệnh hiểm nghèo, rồi lại nuôi hai con nhỏ ăn học. Để trang trải, họ đã phải vay lãi ngày lên tới 170 triệu đồng.
Chi phí chữa bệnh, ăn ở tại viện K đợt gần nhất cũng lên tới 30 triệu đồng. Ông bảo: "Vợ chồng tôi bệnh tật có ruộng vườn cũng không đủ sức mà làm, thôi thì cố gắng vay mượn mà chữa bệnh rồi nuôi con. Một cháu học lớp 7, một cháu đang học lớp 1 nên cũng khá tốn kém".
Bà Nguyễn Thị Tị, vợ ông Vinh (45 tuổi) không chỉ bị hen suyễn, mới đây còn bị tai biến nên chỉ quanh quẩn việc nhà. Nhiều lúc bà Tị nằm liệt, chân tay cứng đơ vì khó thở.
Vì thế lúc nào cũng phải có người ở nhà, nhỡ xảy ra chuyện còn đưa vào giường rồi lấy thuốc, xoa bóp chân tay. Có lúc đang đi đường, lên cơn suyễn, bà lại ngồi sụp xuống, cắn răng chờ qua cơn rồi lại nhờ người đưa về nhà.
"Tôi nhớ lần hai vợ chồng lên Hà Nội thăm khám bệnh của tôi. Chúng tôi thuê được căn phòng trọ, tôi còn chưa kịp vào viện khám thì bà ấy lên cơn suyễn, cả cơ thể lạnh toát, cứng đơ. Thế là tôi lại tự tay cấp cứu cho vợ, qua cơn nguy kịch, hai vợ chồng lại ôm nhau khóc. Tôi bảo bà ấy là đi chữa bệnh của bà trước, khỏe rồi mới chữa bệnh của tôi. Cứ nhắc đến là bà ấy mắng xơi xơi, bảo bệnh nào cần chữa trước thì phải chữa. Vợ chồng tôi đã tính kỹ rồi, dù có phải vay mượn thêm nữa cũng phải cố, phải sống để còn nuôi các con. Các cháu còn nhỏ quá!"- Ông Vinh buồn rầu kể lại.
Ngôi nhà cũ nát gia đình anh Vinh mượn lại của người em út. |
Đại gia đình "gánh án tử"
Nhắc đến những người thân trong gia đình, ông Vinh không giấu được những giọt nước mắt. Cả gia đình ông có 8 anh chị em thì có tới 7 người bị căn bệnh ung thư đại trực tràng. Mẹ ông cũng mắc căn bệnh này và đã qua đời cách đây không lâu.
Ông Vinh đưa mắt nhìn vô định, nghẹn ngào nói với chúng tôi: "Bệnh tật mà, có chừa ai đâu, cũng chẳng ai muốn mình bị mắc cả. Thôi cứ coi nó như cái số mình phải gánh. Trong 8 anh em của tôi, chỉ duy nhất chú em út là không bị ung thư và đang lao động ở nước ngoài. Còn lại ai cũng bị, mỗi anh em ở một nơi khác nhau chứ có phải chung nhà đâu mà do môi trường, do nguồn nước. Tôi nghĩ là gen di truyền, mẹ và anh cả của tôi mất rồi. Mấy anh em nhà tôi cũng không có ai khá giả cả, từ khi mắc bệnh này, mấy anh em điêu đứng, khánh kiệt. Trước đó cũng có rất nhiều lời đồn đoán về gia đình tôi. Nhiều khi tôi cũng ngại ra đường lắm, ngại phải nghe những lời dị nghị của người ta".
Hai bé Phạm Thị Lý (12 tuổi) và Phạm Yến Nhi (6 tuổi) còn nhớ như in lần đầu tiên mẹ lên cơn hen suyễn, khi đó hai bé không biết làm gì mà chỉ biết khóc rồi chạy đi cầu cứu hàng xóm.
"Chúng cháu quen với những lần mẹ lên cơn hen rồi, được mọi người chỉ dẫn cách sơ cứu nên cũng không sợ nữa. Hai chị em thường xuyên ở nhà với nhau để bố mẹ lên Hà Nội chữa bệnh. Có những đợt bố mẹ đi cả tháng mới về, dần dần thì em cháu cũng quen với việc đó, không khóc đòi mẹ nữa. Cháu cũng không biết phải làm gì ngoài việc trông em, chịu khó học hành để bố mẹ không phải lo lắng nữa" - bé Lý rưng rưng nói.
Hai chị em Lý đã quá quen với những lần mẹ lên cơn hen suyễn. |
Nói về hoàn cảnh gia đình của ông Vinh, ông Vũ Văn Vương, Chủ tịch UBND xã Văn Hội cho hay: "Hoàn cảnh gia đình anh Vinh rất éo le. Nếu tính cả người mẹ ruột và người anh cả đã mất, nhà có tới 8 người mắc bệnh ung thư đại trực tràng, chỉ còn người em út là không bị. Vợ chồng ông Vinh mới từ Gia Lai trở về quê năm 2016 đến nay, do vướng một số thủ tục chuyển khẩu mà việc công nhận hộ nghèo vẫn còn đang gặp khó khăn. Căn nhà ông Vnh ở cũng là của người em út. Sức khỏe yếu chưa lao động được. Chính quyền xã cũng đang nghiên cứu các phương án tối ưu nhất để hỗ trợ, nhất là việc có thể miễn giảm chi phí học tập với hai cháu nhỏ".
TS. Phạm Văn Bình, Trưởng khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K Trung ương cơ sở Tân Triều thì đây là trường hợp đặc biệt. Mỗi năm bệnh viện chỉ gặp 2 -3 gia đình có người nhà cùng bị ung thư.
Tuy nhiên, con số chỉ dừng lại ở 3 -4 người, còn gia đình anh Vinh có tới 7 anh em và thêm mẹ ruột cùng bị ung thư đại trực tràng thì rất hiếm. Theo bác sĩ Bình thì gia đình anh Vinh đều bị ung thư đại trực tràng hội chứng FAP. Đây là hội chứng điển hình có tính chất gia đình do đột biến gen APC.
Gen này có thể chuyển từ bố mẹ sang con đây là một loại gen có vai trò ức chế sự hình thành của khối u sinh ra ở đại trực tràng và có sự đột biến, nó chiếm 1% ung thư đại trực tràng. Với những trường hợp này chỉ có phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ đại trực tràng là điều trị hiệu quả duy nhất và giúp cải thiện đáng kể tuổi thọ.
Phẫu thuật này có thể được thực hiện trong giai đoạn trưởng thành. Tuổi tốt nhất là những người trên 50. Gia đình có người bị ung thư đại trực tràng, những người béo phì lười vận động, hút thuốc lá và uống rượu cần có kế hoạch nội soi trực tràng của mình bằng ống mềm tại các cơ sở y tế.
Song AnhNguồn tin: http://cstc.cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn