3 năm trời theo đuổi tâm nguyện
Với diện tích đất rộng 200 mét vuông, "Ngôi nhà yêu thương" tọa lạc ở ngay trung tâm TP Hải Phòng (ngách 54/241B, đường Lạch Tray, phường Bằng Giang). Ngôi nhà có 3 tầng. Tầng 1 gồm 2 phòng rộng, mỗi phòng kê 8 chiếc giường đơn, có điều hòa nhiệt độ, quạt, tivi và tủ đồ cá nhân.
Đây sẽ là nơi ở của những người già vô gia cư, không nơi nương tựa. Tầng 2 là nơi của những đứa trẻ mồ côi, tầng trên cùng sẽ dành cho những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Các phòng được thiết kế bếp và nhà ăn chung ở giữa.
"Ngôi nhà yêu thương" được trang bị đầy đủ tiện nghi. |
Khi chúng tôi hỏi, duyên cớ nào đã khiến chị quyết định xây dựng "Ngôi nhà yêu thương", chị Thảo cho biết: "Một lần vô tình tôi vào thăm và tặng quà tại một trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi ở Hải Phòng. Khi trao đổi với lãnh đạo trung tâm, tôi mới biết các bé ở đây chỉ được nuôi đến 18 tuổi thôi.
Sau 18 tuổi các cháu sẽ phải tự mưu sinh, lo cho cuộc sống của bản thân mình. Biết vậy tôi cứ trăn trở mãi, con mình 18 tuổi vẫn được bố mẹ chăm lo từng li từng tí, vậy mà những đứa trẻ bất hạnh kia đã phải tự bươn chải ngoài xã hội rồi. Nghĩ vậy tôi thấy xót xa lắm. Không chỉ các em, các cháu mồ côi mà cả các cụ già không nơi nương tựa nữa.
Nhiều khi mình đi công tác về trong đêm, phải tận mắt nhìn thấy cảnh những người già nằm co ro trong cái rét mùa đông. Thực sự khi ấy lòng mình quặn lại. Tâm niệm phải làm gì đó cho những người bất hạnh này cũng từ đó mà ra".
Để xây dựng được "Ngôi nhà yêu thương", chị Thảo đã phải bỏ ra rất nhiều thời gian tự mình đi tìm mua đất. Chị bảo, có những chỗ ưng ý thì diện tích lại bé quá, sợ sau này sẽ không cưu mang được nhiều người. Cũng có những chỗ vừa đẹp, vừa rộng thì số tiền lại lớn quá.
Chị cười bảo: "Lúc đó chắc duyên chưa tới nên cứ phải đi đi lại lại nhiều. Có những lúc cũng cảm thấy nản lắm nhưng rồi chỉ cần nghĩ đến những mảnh đời cơ cực là mình lại như được tiếp thêm động lực. Hơn nữa, mình không đơn độc, bên cạnh mình còn có rất nhiều anh chị em, bạn bè sẵn sàng đồng hành cùng mình trong hành trình thiện nguyện dài ấy".
Trước khi vào "Ngôi nhà yêu thương", bà Gái vẫn phải đi nhặt phế liệu để mưu sinh. |
Dù mới khánh thành ngày 17-4 nhưng đến nay, "Ngôi nhà yêu thương" đã tiếp nhận 10 người già có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa. Ban đầu, khi "Ngôi nhà yêu thương" chưa được biết đến, chị Thảo đã đích thân cử người tới những nơi mà những người vô gia cư thường trú ngụ để đưa họ về. Những ngày sau, người này đồn người kia, họ dần biết tới địa chỉ này nên có một số người đã chủ động tìm đến.
"Chúng tôi sẽ tiến hành các thủ tục như xác minh, sàng lọc để biết chắc chắn những người mà mình đưa về "Ngôi nhà yêu thương" thực sự có hoàn cảnh đáng thương. Hơn nữa, họ không mắc những căn bệnh xã hội hay có những vi phạm pháp luật.
Bởi vì hầu hết các cụ đến với trung tâm đều không có giấy tờ tùy thân nên chúng tôi phải kết hợp cùng với Công an TP Hải Phòng làm giấy chứng minh nhân dân cho các cụ. Sau khi hoàn thành công đoạn đó thì chúng tôi sẽ mua bảo hiểm toàn phần cho các cụ" - anh Phạm Hùng Cường, người quản lý "Ngôi nhà yêu thương" cho biết.
Để quản lý, vận hành "Ngôi nhà yêu thương", chị Thảo được sự giúp đỡ của một số cộng sự và các tổ chức từ thiện. Trong đó phải kể đến quán cơm từ thiện Hải Phòng. Quán cơm này sẽ hỗ trợ toàn bộ cơm trưa và cơm tối cho những người sống trong ngôi nhà này.
Thắp lên ngọn lửa yêu thương
Suốt 40 năm qua, ông Nguyễn Văn Hội, 78 tuổi (quê Hải Dương) phải sống cuộc đời lang bạt nay đây mai đó. Vì không lập gia đình nên ông đã không thể có cho mình một mái ấm. Cuộc sống không người thân khiến ông nhiều lúc muốn gục ngã.
Cụ Quang đang được một tình nguyện viên chăm sóc. |
"Nhiều lúc tôi cũng tủi thân lắm, nhìn thấy người ta có nhà mà về còn mình thì "vớ đâu là nhà, ngã đâu là giường", ốm đau cũng không ai hay. Cũng lắm khi ao ước giá mà đời mình cũng có chốn dung thân thì đỡ khổ hơn nhiều" - ông Hội ngậm ngùi chia sẻ.
Ban ngày, ông Hội đạp xích lô và sửa xe kiếm sống. Chiều đến ông lại đi làm bảo vệ cho một cửa hàng điện thoại. Đêm về, ông thường trải chiếu ở một góc ngã tư Ngô Quyền để ngủ. Nhiều đêm mùa hè mưa giông bất chợt, hôm nào khỏe thì ông đạp chiếc xích lô đến trú tại một mái hiên nào đó.
Hôm nào mệt ông Hội đành khoác lên người chiếc áo mưa mỏng và trùm ngang xe một chiếc áo mưa khác mặc cho mưa táp vào người. Khi những người của "Ngôi nhà yêu thương" tìm thấy ông và động viên ông vào đó ở, ông đã đồng ý. Tuy nhiên, dù đã có nhà để ở, có cơm để ăn nhưng ông Hội vẫn không rời bỏ công việc thường ngày của mình.
Ông bảo: "Được vào đây sống tôi toại nguyện lắm rồi. Nhưng cũng không vì thế mà ngồi chơi xơi nước. Mình còn sức thì còn phải làm".
Cũng giống như ông Hội, ông Đặng Đình Trung (63 tuổi) hằng ngày làm nghề đạp xích lô và sửa xe. Tối đến người đàn ông này lại ngủ luôn trên chiếc xích lô ở gần trạm chờ xe bus. Do gia đình có hoàn cảnh đặc biệt nên hơn 10 năm qua, ông Trung luôn coi chiếc xích lô là nhà mỗi khi màn đêm buông xuống. Nay được vào ăn và ở miễn phí trong một ngôi nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi khiến ông Trung ngỡ như một giấc mơ.
Mấy ngày trước, cụ Phạm Thị Gái (91 tuổi), không gia đình, không người thân vẫn phải lang thang khắp nơi nhặt phế liệu để có tiền ăn qua bữa. Khi lần đầu tiên các thành viên thiện nguyện đến thăm và vận động cụ vào ở tại ngôi nhà yêu thương, cụ đã chia sẻ: "Nói thật, cả đời làm lụng vất vả, tôi chỉ tiết kiệm được có 20 triệu đồng. Tôi đã mua sẵn một cỗ quan tài mất 13 triệu, còn 7 triệu nữa tôi đem gửi người quen. Tôi nhờ họ là nếu tôi xuống "lỗ" thì lo đám tang cho tôi".
Thế nhưng, khi đặt chân tới "Ngôi nhà yêu thương", cụ gái đã không tin nổi những gì đang diễn ra trước mắt mình. Cụ bảo: "Nhà đẹp quá, có khi tỉnh ngủ giữa đêm lại nhìn lên trần nhà và nghĩ, cuối cùng thì mình cũng có một nơi để trú chân. Giờ thì không còn phải lo chạy mưa, chạy bão lúc đêm nữa rồi".
Có lẽ, người may mắn nhất khi bước chân vào "Ngôi nhà yêu thương" chính là ông Nguyễn Phú Cường, 61 tuổi. Lúc vào đây, sức khỏe ông Cường rất yếu nên đã được các thành viên thiện nguyện của ngôi nhà đưa vào Bệnh viện Việt - Tiệp Hải Phòng để khám.
Các bác sĩ cho biết, ông Cường bị viêm bàng quang, sỏi thận và suy thận nặng, nếu không được điều trị kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Hiện, tiền chi phí thuốc men cho bệnh của ông Cường mất hơn 1 triệu đồng mỗi ngày.
Bữa ăn ấm áp tình người của các thành viên mới. |
Chia sẻ với chúng tôi, ông Cường nghẹn ngào nói: "Trước giờ tôi chỉ biết lăn lưng ra làm để kiếm tiền nuôi thân. Ngày làm cật lực, đêm lại vật vạ ngủ đầu đường xó chợ. Giờ được các anh, các chị đưa vào đây, chẳng những cho ăn cho ở mà còn đưa đi chữa bệnh. Thật lòng tôi không biết nói lời gì để cảm ơn họ cho xứng".
Khi các thành viên của "Ngôi nhà yêu thương" tới nơi, một cụ ông đang loay hoay bấu vào chiếc cửa sắt để đứng dậy. Trên người cụ không có gì ngoài mảnh chiếu một và chiếc khăn mặt vắt ngang vai. Cụ ông năm nay 80 tuổi, trước đó cụ hay ngủ ở Vườn hoa Kim Đồng và trước cổng Công an quận Ngô Quyền nhưng rồi sau đó cụ lại chuyển qua nằm cạnh một thùng rác trên đường Lê Thánh Tông.
Bà Hoa (người bán nước chè cạnh nơi cụ ông nằm cho biết): "Tội cụ ấy lắm, sức khỏe yếu, đi không vững, tai lại nặng nên chủ yếu cụ chỉ nằm thôi. Ai cho gì thì ăn nấy chứ cũng chẳng tự kiếm được mà ăn. Nay cụ được đưa vào "Ngôi nhà yêu thương", tôi cũng thấy mừng cho cụ".
Không phải ai cũng có được may mắn là có một mái ấm để trở về sau một ngày làm việc vất vả. Ngoài kia, còn biết bao nhiêu người vẫn phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất, không người thân, không nơi nương tựa. "Ngôi nhà yêu thương" không thể cưu mang hết những mảnh đời cơ cực ấy nhưng nó chính là ngọn lửa nhân ái, kết nối tình yêu thương giữa con người với con người. Và cũng là minh chứng để thấy cuộc đời này vẫn còn nhiều điều đẹp đẽ.
Ông Trần Thắng Lợi - Chủ tịch UND phường Đằng Giang cho biết: "Tôi đánh giá cao việc làm nhân đạo của nữ doanh nhân Đặng Thị Minh Thảo. Chính vì vậy thời gian qua phường luôn tạo mọi điều kiện để "Ngôi nhà yêu thương" được xây dựng và đi vào hoạt động cũng như việc quản lý tạm trú những người về đây ở". |
Nguồn tin: http://cstc.cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn