Họ là 100 tấm gương hiến máu tiêu biểu trên toàn quốc và 40 tấm gương đến từ 9 quốc gia tới Việt Nam tham dự sự kiện “Lễ tôn vinh 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc và Sự kiện toàn cầu kỷ niệm Ngày Quốc tế người hiến máu” diễn ra vào tối 14-6.
Người thủ lĩnh của “Ngân hàng máu sống”
Ai cũng biết “Ngân hàng máu sống” là một sáng kiến mang đậm tính nhân văn khi ngày càng nhiều những ca cấp cứu tai biến trong sản khoa, tai nạn giao thông, thiên tai… mà kho máu dự trữ trong bệnh viện đều hết. Những thành viên trong “ngân hàng máu sống” vô cùng quý giá này sẵn sàng bất cứ lúc nào, dù bất cứ ở đâu, họ cũng có thể hiến máu khi người bệnh cần.
Một trong những người thủ lĩnh tiêu biểu xuất sắc của “Ngân hàng máu sống” mà chúng tôi gặp là anh Phạm Xuân Hiền – Đội trưởng Đội “Ngân hàng máu sống” của TP Bà Rịa – Vũng Tàu. Nghe câu chuyện của anh, tôi cảm nhận sâu sắc những việc làm cao đẹp và sự cống hiến của anh cho xã hội.
Anh Hiền là nhân viên bảo vệ của Công ty CP Nhiệt điện Bà Rịa – Vũng Tàu, năm nay 53 tuổi, đã 61 lần hiến máu nhân đạo (HMNĐ). Đội “Ngân hàng máu sống” của TP Bà Rịa – Vũng Tàu thành lập năm 2008, hiện có 40 thành viên sẵn sàng hiến máu trong phạm vi tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và hỗ trợ hiến máu sống cho các tỉnh bạn.
Anh Phạm Xuân Hiền (ngoài cùng bên trái) và những người bạn nước ngoài có thành tích hiến máu đáng tự hào. |
Anh Hiền nhớ lại: “Lần đầu tiên tôi HMNĐ là năm 1990, khi đó đi theo bạn bè cho vui. Nhưng về ngẫm nghĩ lại thì thấy cuộc đời mình chẳng có gì cống hiến cho đời, chỉ có giọt máu là quý giá nhất, thế nên từ đó trở đi tôi bắt đầu hiến máu. Trung bình 1 năm tôi hiến máu 3 lần, đến giờ đã 61 lần rồi”.
Năm 2008, khi tham gia vào Đội “Ngân hàng máu sống” và sau đó làm Đội trưởng, anh Hiền không nhớ biết bao lần đang đêm trong giấc ngủ nhận được điện thoại của bệnh viện gọi đến, anh lại lục trong hồ sơ, xem thành viên nào đến hạn hiến máu là gọi điện cho họ vào viện ngay. Trong đội của anh có 5 thành viên có nhóm máu hiếm (nhóm AB), đã nhiều người bệnh nhờ những giọt máu quý giá này mà từ cõi chết trở về.
Anh Hiền nhớ nhất là 2 lần mình trực tiếp hiến máu sống cứu người. Đó là năm 2015, anh nhận được điện thoại thông báo có một ca mổ tim cho cháu bé 6 tuổi cần một lượng máu lớn. Anh gấp gáp tới bệnh viện hiến 1 đơn vị máu (350cc) và điều động thêm 3 thành viên của “Ngân hàng máu sống” đến hiến cho cháu bé với tổng cộng 4 đơn vị máu.
Trường hợp thứ hai là năm 2014, anh nhận được tin báo tại huyện Châu Đức vừa xảy ra một vụ TNGT, một nạn nhân bị xe tải cán nát cánh tay phải, mất rất nhiều máu. Nạn nhân mang nhóm máu AB, phải cần tới 8 đơn vị máu cho ca mổ cấp cứu. Cả 5 thành viên trong đội có nhóm máu AB đã được huy động tới bệnh viện và Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu điều thêm 3 thành viên của “Ngân hàng máu sống” tới truyền máu kịp thời và người bệnh đã được cứu sống.
Không chỉ hiến máu cứu người, hơn 20 năm nay, anh Hiền một mình làm công việc “đi xin áo quan cho người chết”. “Nhà ai có người chết nghèo quá không mua được áo quan, chỉ cần gọi điện cho tôi là có”- anh kể. Tôi tò mò bởi đồng lương bảo vệ ít ỏi, anh lấy đâu ra tiền để làm việc đó?
Anh vui vẻ cho biết: “Hơn 20 năm nay, tôi đi xin áo quan của Hội Chữ thập đỏ TP Hồ Chí Minh, mỗi năm xin được 30 triệu, mua được 30 chiếc áo quan cho người nghèo”. Vợ chồng anh Hiền không có con, vợ anh làm thợ may, còn anh ngoài công việc bảo vệ lại đi khắp nơi làm từ thiện với lý tưởng “còn sống ngày nào thì nên mang đến niềm vui cho gia đình, cho xã hội”.
Thông điệp Ngày Quốc tế người hiến máu 14-6 năm nay là “Hiến máu cứu người – xin hãy hiến thường xuyên”. |
Những việc làm kỳ diệu từ những con người kỳ diệu
100 tấm gương tiêu biểu hiến máu trên toàn quốc và 40 tấm gương hiến máu đến từ 9 quốc gia về dự lễ tôn vinh, họ quả thật đã làm được những điều kỳ diệu. Nhiều người trong số đó có thành tích hiến máu rất đáng tự hào. Ông Floris Langendam – đại biểu người Hà Lan, đã hiến máu gần 600 lần.
Ông bắt đầu tham gia hiến máu toàn phần vào năm 1971, sau đó là hiến huyết tương với chu kỳ 1 tháng/lần, sau đó rút xuống còn 2 tuần/lần. Lần này tới Việt Nam, ông đem theo cả vợ với niềm tự hào dù đã 66 tuổi nhưng vẫn còn làm được việc giúp ích cho đời. Nhiều đại biểu nước ngoài gây được sự chú ý là anh Ryu Jaehan – nhân viên Trung tâm truyền máu Deagu (Hàn Quốc, 29 tuổi) hiến máu 87 lần; hay ông Yudhbir Singh – Chủ tịch Hội truyền máu và miễn dịch huyết học Ấn Độ, đã tổ chức hơn 5.000 buổi hiến máu và tuyển chọn hơn 500.000 người tham gia hiến máu, được ghi tên vào sách Kỷ lục Limca (sách kỷ lục của Ấn Độ) 2 lần...
Nhớ lại 7 lần hiến máu trực tiếp cứu người, anh Phạm Nguyễn Hồng Châu, Bí thư Đoàn phường Tân Thạnh, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Ninh, chia sẻ: “Ý nghĩa nhất là 2 lần tôi hiến máu trực tiếp cho một người bị rắn cắn và một ca sinh non. Cô gái bị rắn lục cắn rất nặng, phải lọc máu liên tục, cần một lượng máu lớn. Nửa đêm nhận được điện thoại, tôi đã đến bệnh viện hiến máu ngay. Rất may mắn là cả hai ca đều được cứu sống”.
Anh Châu cho biết, năm 2005, anh bị điện giật khi đang làm công nhân ở một xưởng sản xuất tại Đà Nẵng. Gia đình anh rất nghèo, không có tiền mua máu, đúng lúc đó anh nhận được nhiều đơn vị máu của những người hiến máu tình nguyện mà mình không hề quen biết.
Anh Phạm Nguyễn Hồng Châu đã 36 lần HMNĐ. |
“Tôi đã được cứu sống từ những người cho tôi máu. Đó là điều cao đẹp đi theo tôi suốt cuộc đời. Ý thức được điều đó, tôi đã lén gia đình đi hiến máu. Đến nay, tôi đã hiến máu được 36 lần và vận động thành lập được “Ngân hàng máu sống” của phường Tân Thạnh với 30 thành viên” – anh Châu hào hứng kể.
Có biết bao tấm gương tiêu biểu, xuất sắc mà trong phạm vi bài viết nhỏ này chúng tôi không nêu hết được, như cô giáo Trường THCS II, thị trấn Củ Chi, TP Hồ Chí Minh - Lê Thị Ngọc Thắm, 50 lần HMTN; anh Trần Nguyễn Dũng (TP Hồ Chí Minh) đạp xe 51km để hiến máu 61 lần; anh Đào Trọng Hưng (Thanh Hóa) 22 tuổi nhưng đã 21 lần HMNĐ... Họ là những tấm gương bình dị nhưng vô cùng cao đẹp, họ cho đời những điều kỳ diệu mà chúng ta luôn hướng tới và trân trọng.
Trên thế giới, có khoảng 74 quốc gia có 90% số người đi hiến máu là tình nguyện. Những năm qua, có khoảng 1,6% số dân Việt Nam đi hiến máu, đạt khoảng 97% là hiến máu tự nguyện không lấy tiền. Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 sẽ có khoảng 2% dân số đi hiến máu và 100% số người tham gia hiến máu là tình nguyện, nhằm chấm dứt tình trạng bán máu lấy tiền hoặc người nhà cho máu. |
Tác giả: Trần Hằng
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn