Khó có thể nói hết niềm vui của người dân Đồng Mậm bao đời vất vả vì giao thông cách trở, không trạm, không điện nay đã có con đường mơ ước, xóa thế ốc đảo. Để có con đường mơ ước dài hơn 20km này phải kể tới ý tưởng và đóng góp to lớn của các nhà báo – người có công đầu làm nên con đường huyền thoại.
Khi hay tin con đường Đoàn Kết khánh thành, tôi cũng như nhiều nhà báo đã đến Đồng Mậm đều trào dâng một niềm vui khôn tả. Người dân Đồng Mậm đã thỏa niềm khao khát bao đời nay là có con đường để xóa thế ốc đảo, được tiếp cận nhịp sống hiện đại.
Nhà báo Phạm Thanh Hà (người đi đầu) cùng các đồng nghiệp trên con đường Đoàn Kết khi đang xây dựng. |
Đồng Mậm cách Hà Nội hơn 100km, thế nhưng chúng tôi phải mất nửa ngày mới đến được nơi đây. Đồng Mậm là ốc đảo biệt lập với thế giới bên ngoài, cuộc sống của người dân chủ yếu là tự cung, tự cấp. Đường vào duy nhất là đi thuyền trên lòng hồ Cấm Sơn. Trẻ con đi học phải chòng chành trên những chiếc thuyền nan 2 giờ mới tới trường.
Giáo viên ở Trường Tiểu học Tân Hải được đưa vào điểm trường Đồng Mậm dạy học một tuần mới ra ngoài một lần vì không có phương tiện…Cuộc sống chông chênh thiếu ánh sáng của đèn điện, tù mù, tăm tối cứ thế nối tiếp đời này qua đời khác.
Ông Giáp Văn Phụ, Trưởng thôn Đồng Mậm kể: “Những hôm dông gió mà trong thôn có ai bị ốm phải đi cấp cứu thì quả thực gian nan. Sự sống và cái chết rất mong manh, nghèo đói thì bủa vây”.
Người dân ở Đồng Mậm không thể ngờ rằng, có một ngày cuộc sống của họ hoàn toàn thay đổi nhờ vào một phóng sự được phát trên tivi. Người có ý tưởng làm đường nối ốc đảo với đất liền và cũng là người “đứng mũi chịu sào” là nhà báo Phạm Thanh Hà (bút danh Hà Phạm - Báo Nhân dân).
Trẻ em ở Đồng Mậm không phải đi học bằng thuyền nữa khi đã có đường nối với đất liền. |
Tâm sự với chúng tôi, nhà báo Phạm Thanh Hà kể: “Cuối năm 2013, khi xem phóng sự của nhà báo Hải Đăng (VTC16) về trẻ em nghèo Đồng Mậm hàng ngày phải chèo đò mấy giờ trên hồ nước sâu 80m đến trường, tôi thấy rất xúc động. Đăng có nói thế này, Báo trả cho em nhuận bút 1 triệu đồng, em để dành cho Đồng Mậm, chỗ đó được 2 giờ máy xúc.
Tôi ngạc nhiên hỏi: “Sao lại giờ máy xúc”, Đăng giải thích rằng dân khao khát có con đường quá đã thuê xe ủi san núi, nhưng hoàn toàn vay nợ, đợi đến mùa lúa, mùa vải có tiền thì trả, nhưng qua hai vụ lúa mất trắng, dân không có tiền, nên tôi đã nảy ra ý định quyên góp tiền giúp dân. Cuộc quyên góp này trở thành việc chung của tôi với nhà báo Đoàn Ngọc Thu”.
Nhà báo Phạm Thanh Hà nói rằng, lúc đầu quyên góp các chị cũng rất băn khoăn, vì con đường không có dự toán kinh phí, không có thiết kế, cứ quyên góp được bao nhiêu lại gửi lên cho xã làm đường.
Đợt một, chị Hà ủng hộ 100 giờ máy xúc. Sau đó, nhờ sự sẻ chia của các nhà báo, nhiều tấm lòng đã ủng hộ xây đường. Chị đi vận động xin tiền, không chỉ các anh chị nhà báo mà nhiều nhà hảo tâm bên ngoài khi thấy tâm huyết của chị cũng đã ủng hộ.
Tết năm 2015, họa sĩ Bùi Hoài Mai là bạn của chị nói rằng cho Hà một bức tranh và mấy thùng đồ gốm, bán đi mà làm đường.
Nhà báo, nhà văn Đoàn Ngọc Thu ra mắt tập thơ “Vé một lượt”, các chị đã biến buổi ra mắt thành buổi bán đấu giá, bạn bè quyên góp thêm nhiều thứ nữa, thu về gần 200 triệu, riêng tranh của anh Mai bán được 5.000USD. Rồi lại được Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam VIDIFI hỗ trợ 100 triệu qua Báo Thời nay.
Nhà báo Hồng Trâm đã huy động cả nhà, bạn bè được gần 100 triệu. Cuối năm 2014, con đường đã mở sơ khai được khoảng 16km, chị Hà nhận được thư cô Nguyễn Thị Thạo, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Hải khẩn thiết nói nguyện vọng của nhân dân muốn mở thêm gần 2km đường xuống bến sông để học sinh đi học sẽ đi một đoạn trên hồ khoảng 100m bằng thuyền có dây cáp để kéo. Việc này sẽ giúp các em không phải chèo thuyền hơn 1 giờ tới điểm trường nữa…
Các nhà báo lại tiếp tục kêu gọi và được một vài doanh nghiệp ủng hộ gần 300 triệu nữa để mang lên Đồng Mậm. Với 800 triệu đồng quyên góp được để làm đường, cùng với sự hỗ trợ của địa phương, tháng 5-2016, con đường Đoàn Kết đã được bàn giao cho chính quyền và nhân dân nơi đây để tiếp tục hoàn thiện.
Trong suốt hành trình hơn 2 năm quyên góp tiền làm đường, chị Hà và các nhà báo đã vô số lần đến Đồng Mậm. Người liên lạc trao đổi với chị trong nhiều năm qua là cô giáo Nguyễn Thị Thạo.
Cô Thạo cũng là người luôn đau đáu với tâm nguyện khao khát có một con đường bộ cho nhân dân và học sinh đi lại bớt nguy hiểm. Cô đã trình bày nguyện vọng và ý tưởng, không ngờ được nhà báo Phạm Thanh Hà, nhà báo Hải Đăng cùng anh chị nhà báo ở Thông tấn xã Việt Nam nhiệt tình chia sẻ, kêu gọi sự giúp đỡ.
Bằng sự nỗ lực của chính quyền xã Sơn Hải vận động, quyên góp từ nhiều nguồn kinh phí đã tiếp tục hoàn thiện con đường và đưa vào khánh thành tháng 6-2017.
Ông Giáp Hồng Đăng, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Hải vui mừng cho biết: “Có đường thì Điện lực Bắc Giang mới đưa điện đến được Đồng Mậm. Cuộc sống của người dân bắt đầu thay da đổi thịt, trẻ em không còn phải chèo thuyền đi học”.
Đến Đồng Mậm, chúng tôi nhận được vô vàn sự cảm tạ của người dân cho những nhà báo tâm huyết khi họ đã làm hết sức mình đi đầu quyên góp xây đường.
Nhà báo Phạm Thanh Hà tâm sự rằng, công sức nhỏ bé của các chị đã hoàn thành, tháng 7 này các chị lại đem thiết bị học tập, sách vở… vào quyên góp cho học sinh Đồng Mậm.
Gắn bó một phần sâu đậm trong cuộc đời làm báo cho nhân dân Đồng Mậm, các anh chị đã viết nên bài ca, niềm tự hào cho lớp thế hệ nhà báo trẻ trên chặng đường làm nghề.
Tác giả: Trần Hằng
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn