Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”
“Cần tiếp tục chăm lo xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh theo đúng nghĩa của cụm từ này. CAND phải là lực lượng tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân, tuyệt đối kiên định mục tiêu, lý tưởng, con đường xã hội chủ nghĩa. Cán bộ, chiến sĩ CAND phải là những người hết lòng trung thành với Đảng, chỉ biết “còn Đảng, còn mình”...
...Chúng ta đang bước vào giai đoạn mới với khí thế mới, niềm tin mới. Tôi tin tưởng rằng, lực lượng CAND luôn phát huy truyền thống quý báu “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, nhất định sẽ hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với lòng yêu mến, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân”.
(Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 72).
Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Phải tin và dựa vào nhân dân
“CAND là lực lượng chuyên chính, bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước xã hội chủ nghĩa, bảo vệ nhân dân, bảo vệ pháp luật, vì vậy lực lượng phải trong sạch, vững mạnh thì mới hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong sạch thì đấu tranh mới có hiệu quả với tội phạm, phần tử xấu, phòng ngừa không để kẻ địch móc nối, lôi kéo, tha hóa... Lực lượng CAND cần phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng thế trận an ninh nhân dân, nền an ninh nhân dân vững chắc, phải tin và dựa vào nhân dân, tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân, đoàn kết chặt chẽ trong lực lượng, tạo thành một khối thống nhất; đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế, coi đây là mặt trận bảo vệ an ninh-trật tự từ xa”...
(Phát biểu của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 72).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền
“Năm 2017, tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tăng cường tiềm lực và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh. Củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng, an ninh, nhất là ở vùng biên giới, hải đảo. Sẵn sàng ứng phó, khắc phục kịp thời, hiệu quả các sự cố, thiên tai và cứu hộ, cứu nạn. Đẩy mạnh đối ngoại quốc phòng, an ninh, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia”...
(Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại Kỳ họp thứ 2 - Quốc hội khoá XIV).
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Kinh tế vĩ mô ổn định, an ninh quốc phòng giữ vững
“Quốc hội đã xem xét, đánh giá kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2016, kết quả cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2011-2015 và thống nhất nhận định: Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, các ngành, các cấp đã nỗ lực phấn đấu và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong việc triển khai thực hiện các kế hoạch đã đề ra. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, tăng trưởng khá, lạm phát được kiểm soát, việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt được kết quả bước đầu. Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm, an sinh xã hội được chú trọng. An ninh, quốc phòng được giữ vững”...
(Phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 2 - Quốc hội khoá XIV của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân).
Ảnh: Thiện Hoàng. |
Kết quả năm 2016 * GDP: 6,21%; lạm phát 4% * Dự trữ ngoại hối đạt trên 40 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. * 81.000 doanh nghiệp thành lập mới và trên 20.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại. * Khách quốc tế đến Việt Nam hơn 10 triệu lượt, tăng 26% so với năm 2015 * 30 đơn vị cấp huyện và khoảng 2.200 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm khoảng 25%). * Hoàn thành việc hỗ trợ về nhà ở cho gần 84.000 gia đình người có công * Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn khoảng 8,5% * Tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt 12,8 triệu, bảo hiểm thất nghiệp đạt 10,8 triệu, bảo hiểm y tế đạt khoảng 81% |
Mục tiêu 2017 * GDP 6,7%; tốc độ tăng giá tiêu dùng 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 6-7%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 3,5%; tỷ lệ bội chi NSNN so với GDP không quá 3,5%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31,5% GDP; tỷ suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP giảm 1,5%. * Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55-57%; số giường bệnh trên một vạn dân đạt 25,5 giường (không tính giường trạm y tế xã); tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 82,2%. (Nguồn: Báo cáo của Chính phủ trình Kỳ họp thứ 2 - Quốc hội khoá XIV) |
Tác giả: CAND
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn