Chuyện chưa kể về những đêm trắng của những BS ở BVĐK Lai Châu

Thứ năm - 02/03/2017 02:50
Có thể nói, những cố gắng, nỗ lực của tập thể y, bác sỹ Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu thực sự rất đáng được trân trọng sau những đêm trắng cứu chữa hàng loạt bệnh nhân trong vụ ngộ độc rượu vừa qua.
\

Bốn ngày không ngủ vì phải tiếp nhận dồn dập liên tục hơn chục bệnh nhân ngộ độc methanol nặng ngay trong đêm 13-2 là những gì mà chúng tôi ghi nhận được khi chứng kiến những bác sĩ đã làm việc quên mình trong hơn một tuần qua tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu.

Vụ ngộ độc mathanol khiến 9 người thiệt mạng đã gây chấn động dư luận cả nước, đồng thời đây cũng là lần đầu tiên Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu cấp cứu và điều trị cho số lượng bệnh nhân đông và nguy kịch đến vậy.

Làm việc trong áp lực thiếu thốn về trang thiết bị, vật tư y tế, kinh nghiệm, trải qua những phút giây “cân não”, tập thể y, bác sĩ của bệnh viện đã chủ động, sáng tạo, tích cực tìm ra nguyên nhân, đánh giá bệnh nhân từng giờ để điều chỉnh việc điều trị đúng hướng, dẫn tới thành công.

 

Vụ ngộ độc methanol khiến 9 người ở xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu thiệt mạng, gần 200 người phải vào viện cấp cứu và điều trị đã gây chấn động dư luận cả nước.

Có mặt ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu, chúng tôi được biết, ngoài điều trị cho các ca bệnh nặng do ngộ độc methanol, các bác sĩ ở đây còn phải chịu áp lực điều trị và cấp cứu cho 500 bệnh nhân khác, một khối lượng không hề nhỏ.

Câu chuyện của chúng tôi liên tục bị ngắt quãng khi các bác sĩ của Khoa Hồi sức cấp cứu bận tới mức không có thời gian tiếp chuyện cùng chúng tôi. Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu là đơn vị đầu tiên tiếp nhận, thực hiện các xét nghiệm và đưa ra các phác đồ điều trị cho hơn chục bệnh nhân bị ngộ độc methanol tối 13-2.

Cả khoa chỉ có 3 bác sỹ thì 1 bác sỹ đang đi học, 14 điều dưỡng nhưng tất cả đều vận hành hết công suất với nhiều đêm trắng cấp cứu người bệnh. Trong khoảng 3-4 ngày đầu tiên, trung bình mỗi ngày có bác sỹ chỉ được chợp mắt khoảng 1h đồng hồ.

Mặc dù sự việc đã diễn ra hơn 1 tuần nhưng khi tiếp chúng tôi, gương mặt bác sỹ chuyên khoa I Hà Trung Dũng, Phó trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu vẫn còn nguyên sự mệt mỏi, đôi mắt trũng sâu, thâm đen lại. Vừa bận rộn bên đống bệnh án của các bệnh nhân ngộ độc methanol, bác sỹ Hà Trung Dũng vẫn phải điều trị hơn 20 bệnh nhân nội trú và 2 bệnh nhân mới nhập viện.

Chuyện chưa kể về những đêm trắng của những BS ở BVĐK Lai Châu
Các bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu tận tình cứu chữa người bệnh.

Nhớ lại những ngày trắng đêm cấp cứu người bệnh bị ngộ độc methanol, anh cho biết: “Tối 13-2, đúng là ngày nghỉ, tôi không phải trực đêm. Khoảng 22h, tôi nhận được điện thoại từ bệnh viện thông báo có người cấp cứu. Đó là bệnh nhân Phu A Sử, con trai ông Phu Vần Lèng.

Kết quả xét nghiệm khí máu đã cho thấy đến 90% hướng đến việc bệnh nhân bị ngộ độ methanol”. Do bệnh nhân bị ngộ độc nặng, mặc dù có chạy thận cũng sẽ để lại các di chứng được sự đồng ý của người nhà, các bác sỹ mới cho bệnh nhân này tiến hành lọc máu.

Cùng thời điểm đó, 2 bệnh nhân khác cũng có những triệu chứng lơ mơ, tụt huyết áp, đau đầu được đưa đến, kết quả xét nghiệm máu thì đều cho kết quả toan chuyển hóa. “Chỉ đến khi thêm 10 bệnh nhân nữa lại tiếp tục được đưa đến cấp cứu và có đặc điểm chung là đều tham gia đám ma nhà ông Phu Vần Lèng và có uống rượu thì các bác sỹ mới nhận định đây là một vụ việc nghi ngờ ngộ độc methanol hàng loạt” – bác sĩ Dũng nhớ lại.

Do cả bệnh viện chỉ có 4 máy lọc máu, nếu chuyển bệnh nhân theo đúng tuyến là về Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai thì phải mất khá nhiều thời gian và dễ ảnh hưởng đến sự an toàn của bệnh nhân nên Ban Giám đốc Bệnh viện đã quyết định liên hệ với Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai để chuyển 3 bệnh nhân đến đó.

“Quyết định đúng đắn và kịp thời này đã giúp cho hầu hết các bệnh nhân vượt qua được giai đoạn nguy kịch ban đầu, giờ đã dần ổn định sức khỏe”- bác sỹ Hà Trung Dũng cho biết.

Từ khi nhận nhiệm vụ quản lý Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu, đây cũng là lần đầu tiên, bác sỹ chuyên khoa II Đỗ Văn Giang, Giám đốc tiếp nhận đông bệnh nhân bị ngộ độc methanol và liên tục đến như vậy. Chỉ tính trong đêm 13-2, bệnh viện đã tiếp nhận 14 bệnh nhân đến cấp cứu với các biểu hiện ngộ độc methanol nặng. 23h ngày 16-2, 2 ca cấp cứu khác lại tiếp tục được đưa vào bệnh viện với các biểu hiện sốc phản vệ, đồng tử giãn mạnh, lờ đờ.

Ngày 18-2, thêm trường hợp ông Chang A Hờ, 67 tuổi, bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải được đưa từ xã về bệnh viện cấp cứu. Ngoài ra, tính đến thời điểm này, hơn 100 bệnh nhân khác cũng đã được bệnh viện tổ chức lấy máu xét nghiệm toan máu, sinh hóa và độc chất trong máu. Tuy nhiên, bằng những kinh nghiệm nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm, bác sỹ Đỗ Văn Giang cùng toàn thể đội ngũ y, bác sỹ của bệnh viện đã rất chủ động, sáng tạo để điều trị cho các bệnh nhân.

Tâm sự với chúng tôi, bác sĩ Đỗ Văn Giang cho biết: “Thành công lớn nhất là đã chẩn đoán chính xác nguyên nhân ngộ độc ngay từ ban đầu nên kịp thời và nhanh chóng điều trị đúng hướng. Bệnh viện đã huy động các bác sĩ giỏi nhất từ Khoa Nội, Khoa Truyền nhiễm, Khoa Hồi sức cấp cứu… không được nghỉ phép, không đi công tác để tập trung vào cấp cứu và điều trị cho người bệnh”. Ngay trong đêm 13-2, các bác sỹ đã tiến hành tổ chức hội chẩn.

Với những biểu hiện của các bệnh nhân nhập viện, kết quả xét nghiệm khí máu thấy nghiêng về toan chuyển hóa nhiều nên các bác sỹ đã tiến hành cho các bệnh nhân lọc máu và chạy thận nhân tạo. Đồng thời nhanh chóng xin ý kiến của Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Các bước tiếp theo là tiến hành hồi sức tích cực, nâng huyết áp, khám đáy mắt và kiểm tra cho các bệnh nhân.

2 ngày sau, 20 giáo sư, bác sỹ của Bệnh viện Bạch Mai đã có mặt tại Bệnh viện đa khoa Lai Châu để tiến hành hội chẩn, thống nhất về tình trạng bệnh cũng như liên tục hỗ trợ thuốc cấp cứu.

Từ kết quả của Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai và Trung tâm Kiểm nghiệm quốc gia về chất độc trong máu của các bệnh phẩm mà những ca tử vong mổ tử thi gửi về thì đã thống nhất kết quả là nồng độ methanol trong máu của họ rất cao.

Khó khăn và căng thẳng lớn nhất với bệnh viện lúc đó là thiếu hóa chất để lọc máu. Chính vì vậy, bệnh viện đã kêu gọi tạm ứng từ các nhà cung cấp. Đồng thời cũng chuyển 3 bệnh nhân xuống Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai để chạy thận nhân tạo. Theo bác sỹ Giang thì những ngày qua, có bệnh nhân điều trị ngộ độc methanol đã tử vong là do bệnh nhân còn bị thêm các bệnh nội khoa, tai biến mạch máu não.

Với trách nhiệm cũng như phương châm “đặt bệnh nhân lên hàng đầu”, bệnh viện đã điều trị hoàn toàn miễn phí cho các bệnh nhân ngộ độc rượu, còn tổ chức người nấu cơm với những suất ăn miễn phí cho người bệnh. 

Có thể nói, những cố gắng, nỗ lực của tập thể y, bác sỹ Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu thực sự rất đáng được trân trọng và cần có sự khích lệ, động viên một cách kịp thời. Và, câu chuyện đẹp về y đức này đã giúp chúng ta thêm tin yêu vào những “lương y như từ mẫu”. 

Trần Hằng-Nguyễn Hương
 

Tác giả: Trần Hằng-Nguyễn Hương

Nguồn tin: http://cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây