Bước tiến đáp ứng xu thế công nghệ
Wi-Fi, hay được biết đến nhiều nhất với chuẩn giao thức 802.11, được phát minh năm 1992, ra mắt lần đầu vào năm 1997 và được thương mại hóa chính thức từ năm 1999. Cho đến nay, kết nối Wi-Fi đã được sử dụng bởi hơn 50.000 loại thiết bị khác nhau.
Wi-Fi đã trở thành một kết nối không thể thiếu trong hệ sinh thái đa dạng Internet of Things (IoT) từ thiết bị cá nhân, hệ thống quản lý doanh nghiệp cho đến đồ gia dụng. Theo một báo cáo phát hành tháng 06/2019 của IDC, ước tính đến năm 2025 sẽ có hơn 41 tỷ thiết bị IoT và lượng data tạo ra dự kiến lên đến 79 zettabyte (ZB).
Công nghệ Wi-Fi đã trải qua hơn hai thập kỷ phát triển với mỗi mốc thời gian được nâng cấp là từ 4-5 năm. Và năm 2019, 5 năm sau khi Wi-Fi 5 (802.11ac) “trình làng", Wi-Fi 5, Liên minh Wi-Fi toàn cầu (Wi-Fi Alliance) đã công bố giao thức 802.11ax như một bước tiến lớn về công nghệ không dây với tên gọi Wi-Fi 6.
So với Wi-Fi 5, ưu điểm dễ thấy nhất của Wi-Fi 6 chính là tốc độ kết nối cao gấp 4 lần, cùng khả năng tương thích với nhiều băng tần khác nhau và các chuẩn Wi-Fi thế hệ trước đây. Như vậy người dùng không cần phải thay đổi modem cũ.
Ngay từ khi ra mắt, chuẩn Wi-Fi 6 đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều nhà sản xuất thiết bị công nghệ hàng đầu, có mặt trong nhiều sản phẩm thông minh mới như điện thoại iPhone 11, Samsung Galaxy Note 10, hay các dòng máy tính xách tay mới... Bên cạnh đó, Wi-Fi 6 cũng bắt đầu phổ biến ở các thiết bị mạng của các nhà cung cấp lớn trên thị trường, điển hình như các dòng sản phẩm Aruba 500, 510, 530, 550 series của HP Enterprise.
Những lợi thế của Wi-Fi 6?
Về lý thuyết, mỗi access point có thể chấp nhận kết nối từ hàng trăm, hàng nghìn thiết bị. Tuy nhiên, nhược điểm chung của các tiêu chuẩn Wi-Fi cũ là tốc độ kết nối chậm đi đáng kể nếu có nhiều thiết bị truy cập cùng lúc và còn tệ hơn nếu có những thiết bị “chiếm” nhiều tài nguyên mạng (ví dụ: thiết bị kính thực tế ảo AR/VR hoặc video call), có thể khiến cả hệ thống gặp các vấn đề nghẽn mạng, giảm hiệu suất và tăng độ trễ trên diện rộng. Điều này đặc biệt hay xảy ra ở các địa điểm công cộng như trung tâm mua sắm, trung tâm hội nghị, trung tâm giao thông vận tải…
Như đã đề cập ở trên, Wi-Fi 6 đem lại tốc độ kết nối cao hơn 4 lần so với Wi-Fi 5, cùng khả năng tương thích với nhiều băng tần. Không dừng lại ở đó, một ưu điểm căn bản khác của Wi-Fi 6 là tăng cường hiệu quả xử lý các thiết bị truy cập đồng thời của các access point. Đó không còn là chuyện so sánh về tốc độ Wi-Fi mà thiên về khả năng cung cấp thông lượng tối ưu cho từng người dùng, đảm bảo hoạt động trơn tru trong môi trường có mật độ thiết bị cao.
Để khắc phục điểm này, Wi-Fi 6 có trên các sản phẩm mới như của Aruba series 500, 510, 530 và 550, tích hợp một số công nghệ mới như OFDMA (Orthogonal Frequency Division Multiple Access): Truy cập nhiều lớp phân chia theo tần số trực giao, cùng thiết kế anten MU-MIMO mới. Đối với các thiết bị mạng ứng dụng Wi-Fi 6, các mẫu series 500 của Aruba cũng tích hợp giải pháp như Air Slice hay SD-WAN, giúp hệ thống mạng vừa có thể hỗ trợ hàng ngàn thiết bị cùng lúc, đồng thời giảm đáng kể tắc nghẽn mạng. Điều này giúp đảm bảo rằng người dùng ở khu vực đông người, hoặc những nơi sử dụng AR/VR và video 4K cùng thoại, vẫn nhận được trải nghiệm tối ưu.
Gia tăng bảo mật
Chúng ta thường nghe đến nhiều báo cáo về tình trạng bị đánh cắp dữ liệu, thông tin nhạy cảm khi truy cập vào các mạng Wi-Fi công cộng, Wi-Fi mở tại các quán cà phê, thư viện và sân bay... Đặc thù của những mạng WLAN mở thường rất kém về bảo mật, hay đúng hơn là gần như “mở toang” để “mời gọi” những kẻ có ý đồ xấu.
Cho đến hiện tại, các khuyến nghị để chống lại vấn đề này thường chỉ dừng lại ở mức sử dụng VPN hoặc đơn giản là bỏ qua hoàn toàn các kết nối WLAN mở. Mặc dù chuẩn 802.11ax không yêu cầu bất kỳ cải tiến bảo mật mới nào, nhưng các access point chuẩn 802.11ax của Aruba vẫn được trang bị WPA3 và Enhanced Open, giúp các mạng công cộng an toàn hơn khi khách vãng lai truy cập và mật khẩu chia sẻ được sử dụng.
Chứng chỉ Enhanced Open trên sản phẩm của Aruba được xem là bước tiến lớn sau gần hai thập kỷ kể từ khi giới thiệu các mạng mở. Việc sử dụng Enhanced Open để giúp dữ liệu truy cập của người dùng được mã hóa trên mỗi lần truy cập. Hiểu nôm na rằng, dữ liệu của người dùng khi truy cập vào mạng sẽ được mã hóa trên mỗi phiên và trên thiết bị người dùng mà không cần phải làm thêm thao tác bảo mật nào như trước đây.
Bên cạnh đó, các sản phẩm này cũng hỗ trợ chuẩn bảo mật WPA3, thay cho WPA2 và tăng cường bảo mật cho các kết nối trong nội bộ tổ chức bằng các thuật toán tiên tiến hơn và cấu hình đơn giản hơn. Nhờ vậy, các mạng công cộng an toàn hơn khi khách vãng lai truy cập và sử dụng mật khẩu được chia sẻ. Có thể thấy 2 giải pháp tích hợp này rất quan trọng nâng tầm bảo mật cho hệ thống mạng của doanh nghiệp và gia đình.
Kết hợp lý tưởng với kết nối di động 5G
Vấn đề muôn thuở với sóng di động trong các tòa nhà là tình trạng “mất sóng” do kết cấu nhiều chướng ngại vật làm suy giảm tín hiệu sóng di động, khiến người dùng di động khó có thể kết nối tới mạng dữ liệu, đặc biệt là khi người dùng đi vào khu vực giữa các tầng hoặc gần cửa sổ đến hành lang.
Wi-Fi 6 là công nghệ mạng không dây đầu tiên được thiết kế để kết hợp tốt với kết nối 5G trên mạng di động nhằm đem đến khả năng kết nối thông suốt, loại bỏ vấn đề mất sóng. Với công nghệ CSP (Communication Service Provider), bằng cách sử dụng các access point chuẩn Wi-Fi 6 và ứng dụng Passpoint (một giải pháp điều phối truy cập mạng trong các access point Wi-Fi), các tổ chức hay người dùng có thể dễ dàng chuyển đổi tòa nhà thành mạng truy cập vô tuyến (RAN) để cung cấp hiệu suất kết nối mạng di động như mạng 5G, bằng chính mạng Wi-Fi của họ. Người dùng có thể duy trì liên tục một cuộc gọi hoặc xem video ở bất kỳ nơi đâu trong tòa nhà mà không bị gián đoạn. Điều này giúp các nhà mạng tiết giảm chi phí triển khai thiết bị trạm di động nhỏ, DAS hoặc CBRS, đồng thời cung cấp quyền truy cập vào các tài nguyên mạng cụ thể.
Cầu nối hiệu quả trong chuyển đổi số
IoT đang dần được ứng dụng nhiều hơn trong các doanh nghiệp, cơ quan và là một phần quan trọng trong quá trình chuyển đổi số. Trong đó, mạng WLAN sẽ là trung tâm duy nhất kết nối các thiết bị IoT.
Ở những doanh nghiệp mà tất cả qui trình kinh doanh đều kết nối hệ thống và đòi hỏi sự giám sát, đáng giá theo thời gian thực, bộ phận CNTT cần thực hiện chuyển đổi số mà không làm gián đoạn hoạt động kinh doanh. Việc chuyển sang các dịch vụ trên nền tảng cloud - bao gồm video, giọng nói và đặc biệt là các thiết bị IoT - đang khiến các ứng dụng tạo ra lượng dữ liệu lớn hơn bằng cách sử dụng tài nguyên mạng khan hiếm. Điều này dẫn đến hiệu suất dưới mức tối ưu, độ trễ cao hơn và chi phí ngày càng tăng mà cơ sở hạ tầng hiện tại không thể đáp ứng.
Chuẩn Wi-Fi 6 với sự vượt trội về tốc độ và khả năng phân phối dữ liệu theo lớp giúp các thiết bị kết nối luôn hoạt động trơn tru chỉ với một access point trung tâm, giúp giảm bớt sự cồng kềnh so với việc sử dụng các hệ sinh thái IoT nhỏ lẻ “đắp” vào một hệ IoT lớn hơn như trước đây. Tính năng Target Wake Time (TWT) có thể nhận biết khi nào thiết bị đến lượt truyền tải dữ liệu để tự động chuyển từ trạng thái ngủ đông sang hoạt động. Cơ chế này giúp tiết kiệm điện năng tiêu thụ của doanh nghiệp.
Như vậy, dễ dàng nhận thấy Wi-Fi 6 giúp cho các doanh nghiệp nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, kiểm soát để giảm chi phí và tối ưu hóa tài nguyên. Do đó việc triển khai mạng Wi-Fi 6 sẽ là một vấn đề cần được chú trọng trong việc chuyển đổi số, giúp doanh nghiệp tạo ra lợi thế cạnh tranh cũng như phát triển bền vững.
Trường Thịnh
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn