Kể từ khi bị Bộ Thương mại Mỹ liệt vào danh sách đen tháng 5/2019, Huawei vẫn luôn cố gắng phát triển, sử dụng các linh kiện không phải của Mỹ, đồng thời xây dựng kho ứng dụng AppStore và hệ điều hành HarmonyOS nhằm thay thế Google.
Tuy nhiên cũng giống như rất nhiều các ông lớn khác đã từng thử và thất bại, Huawei đã lên tiếng thừa nhận điều này.
"Huawei cần hơn 300 năm để vượt qua Android và iOS"
"Doanh số các thiết bị chạy Android và iPhone trên thế giới là quá lớn, và Huawei đã bị chậm trễ. Sẽ là rất khó để người dùng chấp nhận các hệ điều hành mới. Do đó, Huawei OS sẽ mất nhiều thời gian để cạnh tranh, có lẽ khoảng 300 năm nữa", Nhậm Chính Phi - nhà sáng lập Huawei cho biết trong một phỏng vấn với Dragon Magazine.
Phát biểu pha trộn một chút hài hước lẫn sự cay đắng này đã khiến các nhân viên của Huawei lẫn người dùng sản phẩm của công ty cảm thấy đôi chút thất vọng, đặc biệt là khi nó xuất phát từ người đứng đầu một tập đoàn. Tuy nhiên từ tận sâu trong đáy lòng, có lẽ ai cũng hiểu rằng cạnh tranh sòng phẳng với Google hay Apple là điều hoàn toàn "bất khả thi".
Theo chia sẻ của Richard Yu, CEO mảng kinh doanh của Huawei thì mảng dịch vụ mobile của công ty (viết tắt là HMS) hiện đã có mặt trên 170 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cùng với đó, dịch vụ này có trên 1,3 triệu nhà phát triển cùng đối tác, 400 triệu người dùng kích hoạt hàng tháng, đứng thứ 3 chỉ sau Google Android và Apple iOS.
Tuy nhiên nếu làm một phép so sánh đơn giản giữa cửa hàng Google Play với hơn 2,1 triệu ứng dụng và AppGallery của Huawei với chỉ 55.000 ứng dụng, chúng ta sẽ thấy rõ sự khác biệt. Đó là chưa kể tới những app độc quyền của Google như Gmail, YouTube, Chrome,... sẽ không được phép xuất hiện trên nền tảng của Huawei.
Huawei vẫn sẽ tiếp tục dùng linh kiện của Mỹ
Sau một thời gian thử nghiệm với nhiều biện pháp khác nhau, nhà sáng lập Nhậm Chính Phi dường như nhận thấy Huawei không thể tách rời các doanh nghiệp Mỹ, mặc dù đây là điều đi ngược lại với lệnh cấm.
Qua đó, ông Nhậm khẳng định Huawei sẽ tiếp tục sử dụng linh kiện của Mỹ. Thực tế, mẫu smartphone cao cấp P40 Pro mới ra mắt đầu tháng 4/2020 của Huawei vẫn bao gồm nhiều linh kiện của các công ty Mỹ, điển hình như bộ giải mã tần số vô tuyến đầu cuối được sản xuất bởi Qualcomm, Skyworks và Qorvo.
"Huawei tiêu thụ 18,7 tỷ USD linh kiện Mỹ vào năm ngoái, tăng mạnh so với 11 tỷ USD vào năm 2018. Chúng tôi chưa hề nghĩ đến việc lựa chọn nhà cung ứng khác. Mỹ luôn là người bạn tốt của chúng tôi", ông Nhậm tuyên bố. "Chúng tôi không sử dụng linh kiện, nền tảng từ Mỹ cũng chẳng sao, nhưng khi đó người dùng sẽ từ chối sử dụng sản phẩm của chúng tôi".
Ông Nhậm cũng cho rằng sẽ là một sai lầm khi các quốc gia tìm cách đưa chuỗi cung ứng, sản xuất linh kiện về nước nhà - trái ngược với quan điểm của Tổng thống Donald Trump từng đưa ra trước đó. "Năng lực cạnh tranh để phát triển là một phần của toàn cầu hóa", ông nói.
Nhà sáng lập Huawei đánh giá mảng sản xuất thiết bị tầm trung và giá rẻ hiện đang được chuyển giao từ Trung Quốc sang một số quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan. Trong khi đó, ngành công nghiệp công nghệ cao của Mỹ vẫn còn đứng trên Trung Quốc.
Nguyễn Nguyễn
Theo GizChina, Abacus
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn