Thông tin trên vừa được TOP500, tổ chức chuyên theo dõi và giám sát các hệ thống siêu máy tính trên toàn cầu, công bố.
Fugaku là hệ thống siêu máy tính được phát triển bởi viện nghiên cứu khoa học Riken và hãng công nghệ Fujitsu, được đặt tại trung tâm khoa học máy tính Riken (thành phố Kobe, Nhật Bản).
Siêu máy tính Fugaku được trang bị tổng cộng 152.064 node tính toán, mỗi node gồm một chip A64FX có 48 lõi xử lý do Fujitsu phát triển, tạo thành một hệ thống với 7.299.0272 lõi xử lý, cho tốc độ xử lý lên đến 415 petaflop/s (một petaflop tương tương một triệu tỷ phép tính dấu chấm động).
Tốc độ của Fugaku nhanh hơn gần gấp 3 lần so với siêu máy tính mạnh nhất thế giới trước đó, là hệ thống máy tính IBM Summit của Mỹ, với tốc độ 148 petaflop/giây.
Đáng chú ý, chip A64FX được xây dựng dựa trên cấu trúc ARM và đây là lần đầu tiên có một siêu máy tính sử dụng chip ARM đoạt ngôi vị “siêu máy tính mạnh nhất thế giới”.
Đây cũng là lần đầu tiên trong 9 năm có một siêu máy tính của Nhật Bạn đạt ngôi vị siêu máy tính nhanh nhất thế giới. Trước đó, vào năm 2011, “tiền thân” của Fugaku là siêu máy tính K Computer, một sản phẩm khác cũng do Riken phát triển đã đạt lấy “ngôi vương” trên cuộc đua tốc độ siêu máy tính, trước khi bị siêu máy tính của Mỹ giành lại vào năm 2012.
Trong suốt 9 năm qua, Mỹ và Trung Quốc là hai quốc gia liên tục thay nhau sở hữu siêu máy tính mạnh nhất thế giới.
Hiện Fugaku đang được sử dụng để nghiên cứu về dịch bệnh Covid-19, bao gồm chẩn đoán, mô phỏng sự lây lan của virus SARS-CoV-2 và hiệu quả của ứng dụng truy tìm dấu vết người nhiễm bệnh tại Nhật Bản.
Quốc gia đang nào sở hữu số lượng siêu máy tính nhiều nhất thế giới?
Cũng theo danh sách mới nhất được công bố của TOP500, Trung Quốc vẫn đang là quốc gia dẫn đầu về số lượng siêu máy tính, chiếm đến 226 trên tổng số 500 siêu máy tính mạnh nhất thế giới. Mỹ xếp ở vị trí thứ 2 với 114 hệ thống trên tổng số 500 siêu máy tính mạnh nhất và Nhật Bản xếp ở vị trí thứ 3 với 29 siêu máy tính trong top 500.
Mặc dù Mỹ đã bị Trung Quốc vượt qua về số lượng siêu máy tính nhanh nhất thế giới, tuy nhiên Mỹ vẫn chiếm ưu thế trong top 10 siêu máy tính nhanh nhất, khi chiếm đến 4/10 vị trí, tiếp sau đó là Nhật Bản và Trung Quốc với 2/10 vị trí.
Danh sách 500 siêu máy tính trên toàn cầu được TOP500 lần đầu tiên công bố tại một Hội nghị diễn ra tại Đức năm 1993 và giờ đây, danh sách 500 siêu máy tính mạnh nhất thế giới được TOP500 công bố 2 lần mỗi năm và luôn được sự quan tâm của giới công nghệ, những nhà sản xuất phần cứng và các nhà khoa học. Danh sách của TOP500 thường được sử dụng để tăng cường tính cạnh tranh và chạy đua về phát triển công nghệ trên siêu máy tính.
Các hệ thống siêu máy tính được xếp hạng dựa trên hiệu suất của chúng trên tiêu chuẩn chấm điểm LINPACK Benchmark, một “thước đo hiệu suất” sử dụng một hệ thống dày đặc các phương trình tuyến tính để đánh giá khả năng xử lý của các siêu máy tính.
Danh sách 10 siêu máy tính mạnh nhất thế giới (xếp theo tốc độ xử lý)
Thứ hạng | Tên siêu máy tính | Quốc gia | Tốc độ (petaflop/giây) |
1 | Fugaku | Nhật Bản | 415,5 |
2 | Summit | Mỹ | 148,6 |
3 | Sierra | Mỹ | 94,64 |
4 | TaihuLight | Trung Quốc | 93,01 |
5 | Tianhe-2 | Trung Quốc | 61,44 |
6 | Frontera | Mỹ | 23,51 |
7 | Piz Daint | Thụy Sĩ | 21,23 |
8 | Trinity | Mỹ | 20,15 |
9 | ABCI | Nhật Bản | 19,88 |
10 | SuperMUC-NG | Đức | 19.47 |
T.Thủy
Theo Top500/The Verge
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn