Theo tờ báo The New York Times, một vụ trộm đồ tại siêu thị ở thành phố Detroit (bang Michigan, Mỹ) đã được camera giám sát ghi lại được. Đoạn video này sau đó đã được cung cấp cho cảnh sát và nhờ vào công nghệ nhận diện gương mặt, cảnh sát đã xác định thủ phạm của vụ trộm là Robert Julian-Borchek Williams.
Việc nhận dạng này đã giúp cảnh sát bắt giữ Williams trong khi ông đang trên đường lái xe về nhà. Williams sau đó đã tạm giam và thẩm vấn trong 30 tiếng liên tục. Tuy nhiên, trong một buổi thẩm vấn với cảnh sát, khi so sánh hình ảnh chụp gương mặt của thủ phạm vụ trộm do camera giám sát ghi lại được và gương mặt thật của Williams, các thám tử đã nhận ra rằng hệ thống nhận diện gương mặt đã có sai sót.
Mặc dù cáo buộc nhằm vào Williams đã được bãi bỏ sau 2 tuần, tuy nhiên, mẫu ADN, ảnh chụp, dấu vân tay của Williams vẫn bị phía cảnh sát thành phố Detroit lưu trữ trong hồ sơ tội phạm.
Mới đây, Liên đoàn Tự do Dân sự Hoa Kỳ (ACLU) đã đệ đơn khiếu nại nhằm vào cảnh sát thành phố Detroit vì đã bắt oan Williams do sự nhầm lẫn của hệ thống nhận diện gương mặt. ACLU đã kêu gọi bãi bỏ hoàn toàn mọi liên hệ giữa Williams và vụ án, đồng thời xóa bỏ các thông tin của Williams ra khỏi cơ sở dữ liệu tội phạm của cảnh sát Detroit.
Đơn khiếu nại của ACLU sau đó đã được chấp thuận và hồ sơ của Williams đã được xóa bỏ khỏi cơ sở dữ liệu của cảnh sát. Đại diện sở cảnh sát Detroit sau đó cho biết sẽ chỉ sử dụng công nghệ nhận diện gương mặt trong những vụ án đặc biệt nghiêm trọng.
Công nghệ nhận diện gương mặt đã bị chỉ trích khá nhiều trong những năm qua khi các nhà nghiên cứu đã cho thấy công nghệ này đã có sự phân biệt về sắc tộc và màu da, khi công nghệ này thường xuyên nhận diện sai và nhầm lẫn gương mặt của những người da đen, cho thấy rằng dường như công nghệ đã không thể phân biệt được gương mặt của những người da màu.
Việc các cơ quan thực thi pháp luật sử dụng công nghệ nhận diện gương mặt đã gây ra nhiều tranh cãi trong những tuần gần đây, đặc biệt sau cái chết của người đàn ông da màu George Floyd trong một vụ bắt giữ của cảnh sát, đã gây nên một làn sóng phẫn nộ và biểu tình, bạo động trên khắp nước Mỹ để chống phân biệt chủng tộc và đòi lại quyền bình đẳng cho người da đen.
Trước những chỉ trích nhằm vào công nghệ nhận diện gương mặt, hàng loạt “ông lớn” công nghệ như IBM, Microsoft và Amazon đã đồng loạt thông báo sẽ tạm ngừng hoặc dùng cung cấp công nghệ nhận diện gương mặt cho lực lượng cảnh sát.
“Chúng tôi tin rằng đây là thời điểm để bắt đầu một cuộc đối thoại quốc gia về cách thức và có nên cung cấp công nghệ nhận diện gương mặt cho các cơ quan thực thi pháp luật hay không?”, Arvind Krishna, CEO IBM cho biết.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia về công nghệ nhận diện gương mặt cho rằng cần phải có một lệnh cấm đối với việc sử dụng công nghệ này, thay vì chỉ tạm ngưng. Các chuyên gia cho rằng các hãng công nghệ đang chờ đợi cho tình hình trở nên dịu xuống để tiếp tục bán công nghệ nhận diện gương mặt cho cảnh sát, thay vì muốn ngừng phát triển công nghệ này. Tuy nhiên, nếu công nghệ nhận diện gương mặt xảy ra sai sót, như trường hợp của Williams kể trên, có thể làm ảnh hưởng đến cả cuộc đời của những người bị nhận diện sai.
T.Thủy
Theo The Verge/NYT
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn