Trong khuôn khổ Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam diễn ra vào sáng nay 9/5, Phó chủ tịch Vingroup, bà Lê Thị Thu Thủy đã có bài phát biểu và chia sẻ một số kinh nghiệm của tập đoàn trong việc tham gia vào lĩnh vực công nghệ.
Bà Thủy cho biết, bài chia sẻ của bà với mong muốn cùng các doanh nghiệp khác góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nước, tạo ra sự đột phá cho nền kinh tế Việt Nam.
Theo phó chủ tịch tập đoàn này, hơn 10 năm trước đây, trong số 10 công ty lớn nhất thế giới chỉ có 1 công ty duy nhất chuyên về công nghệ là Microsoft, nhưng hiện tại có tới 9/10 công ty Top đầu thế giới là công ty công nghệ. Điều đó cho thấy, công nghệ là con đường nhanh nhất, hiệu quả nhất và thậm chí là duy nhất tạo nên sự phát triển đột phá cho bất kì nền kinh tế nào.
Do đó, từ tháng 8 năm 2018, Vingroup đã chính thức công bố chuyển đổi mô hình phát triển với 3 trụ cột chính là Công nghệ, Công nghiệp và Thương mại dịch vụ, tiến tới trở thành một Tập đoàn Công nghệ hàng đầu khu vực trong vòng 10 năm tới.
"Xác định đây vừa là tương lai của doanh nghiệp, vừa là trách nhiệm góp phần vào sự hưng thịnh của đất nước", bà Thủy nói.
Vị phó chủ tịch tập đoàn này cũng thừa nhận, việc bắt tay vào lĩnh vực này là khá muôn so với các tập đoàn khác nhưng bà tin rằng nếu làm đúng thì không ngại xuất phát muộn. Bằng chứng, chỉ sau 8 tháng công bố chuyển đổi, Vingroup đã có một số bước tiến đáng kể trong việc phát triển công nghệ và ứng dụng công nghệ trong hầu hết các mảng hoạt động của Tập đoàn.
Cụ thể, đó là việc khởi công nhà máy sản xuất ô tô, xe máy điện Vinfast, tập đoàn đã đưa 3 mẫu ô tô cũng như 2 mẫu xe máy điện ra thị trường. Từ giờ đến cuối năm 2020 Vinfast sẽ tiếp tục đưa ra thị trường hơn 10 mẫu xe ô tô và xe máy (cả điện và xăng) nữa, tất cả đều là do đội ngũ kỹ sư của Vinfast tự dẫn dắt thiết kế.
Vinsmart cũng chỉ sau chưa đầy nửa năm vừa thiết kế sản phẩm, vừa xây dựng nhà máy mà đến cuối 2018 đã đưa ra thị trường 4 mẫu điện thoại độc đáo, dự kiến năm 2019 sẽ đưa ra thị trường thêm 12 mẫu điện thoại.
Bà Thủy cũng chia sẻ thêm, Vinsmart đã chủ động thiết kế được hệ điều hành riêng. Hiện tại Vinsmart đang chuẩn bị khởi công nhà máy sản xuất điện thoại với công suất 100 triệu máy/năm và sẽ lắp đặt máy móc giai đoạn đầu cho 30 triệu máy/năm. Ngoài điện thoại thì Vinsmart còn sắp cho ra đời máy tính bảng và đang nghiên cứu sản xuất điều hoà, TV, tủ lạnh, thiết bị IoT, camera và đang hợp tác với đối tác Mỹ để sản xuất điện thoại 5G.
Ngoài ra, một lĩnh vực khác mà tập đoàn này đang triển khai và bà Thủy rất tâm đắc đó là dự án do ông Trương Quốc Hùng, giám đốc Viện VinBrain (thuộc Vintech), nguyên là lãnh đạo cao cấp của Google đang đảm nhiệm với chủ đề là “trợ lý bác sĩ”.
Bà Thủy chia sẻ: "Một thực tế đáng buồn là ngay cả ở Mỹ với thị trường chăm sóc sức khoẻ tiêu tốn đến hơn 3.000 tỷ đô la Mỹ/năm hiện nay thì việc bác sĩ chẩn đoán bệnh qua hình ảnh sai rất nhiều, dẫn đến khoảng 10% ca tử vong do chẩn đoán sai, tỷ lệ lỗi chẩn đoán X-quang cao tới 30%. Hiện tại chưa có số thống kê tương tự cho thị trường Việt Nam nhưng chúng tôi nghĩ con số chẩn đoán qua hình ảnh sai chắc cũng không ít hơn ở Mỹ".
Dự án “trợ lý bác” mà giáo sư Trương Quốc Hùng đang chủ trì ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) kết hợp cùng với công nghệ hình ảnh máy tính (computer vision) và công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP) sẽ giúp giảm thiểu sai sót trong chẩn đoán. Nếu thành công, Vingroup sẽ tặng miễn phí ứng dụng này cho tất cả các bệnh viện trong toàn quốc để áp dụng rộng rãi vì mục đích nhân đạo.
Gia Hưng
Ảnh: Toàn Vũ
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn