Năm 2019, Việt Nam đã tuyên bố chiến lược chuyển đổi số quốc gia nhằm hướng tới một nền kinh tế số, xã hội số, đổi mới sáng tạo, diễn ra trong môi trường số. Bên cạnh đó, cũng không thể không nhắc tới vai trò của các khởi nghiệp (startup) trong quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam.
Tại diễn đàn Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam tổ chức ngày 9/5, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Việt Nam chúng ta rất cần các khởi nghiệp công nghệ”
“Đó là những khởi nghiệp với sản phẩm, giải pháp hết sức mới mẻ, tạo ra sự bất ngờ đáng kinh ngạc và cực kỳ hữu dụng. Nhiều khởi nghiệp cũng đã nhanh chóng có quy mô toàn cầu”, Bộ trưởng nói.
Khởi nghiệp công nghệ ở đây được hiểu là những công ty mà bước đầu sử dụng công nghệ của nhân loại để phát triển các giải pháp, sản phẩm hoặc cung cấp các dịch vụ công nghệ, cho phép các công ty khác ứng dụng công nghệ, để rồi bước tiếp theo sẽ là phát triển công nghệ. Chính những công ty công nghệ quy mô nhỏ này đã và đang góp phần tạo nên một cuộc cách mạng toàn dân, để phát triển và ứng dụng công nghệ một cách hiệu quả tại Việt Nam.
Thực tế cũng cho thấy Việt Nam luôn thành công khi phát động được toàn dân. Cũng chính từ hàng chục, hàng trăm ngàn những khởi nghiệp công nghệ này sẽ hình thành nên một số người khổng lồ trong lĩnh vực công nghệ ở Việt Nam, cùng chung tay để xây dựng một hệ sinh thái phát triển công nghệ bền vững.
Bên cạnh việc tạo ra điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển, tại Diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã giới thiệu về một số giải pháp vô cùng mới mẻ và bất ngờ, đó là đề xuất một số giải pháp để tạo thêm thách thức, để doanh nghiệp phát triển. “Trong không ít trường hợp, khó khăn và thách thức lại là nhân tố chính để tạo nên một doanh nghiệp hàng đầu”, Bộ trưởng giải thích.
Theo đó, Bộ trưởng hy vọng việc đặt ra những tiêu chuẩn không ngừng cao hơn cho các sản phẩm hiện nay sẽ là động lực để các doanh nghiệp buộc phải đổi mới công nghệ, cũng như các khởi nghiệp sẽ có cơ hội để bứt phát, chứng tỏ bản thân trước sức ép.
Với thông điệp “Make in Vietnam”, Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam được tổ chức tại Trung tâm hội nghị Quốc gia ngày 9/5 tập trung vào các vấn đề trọng tâm trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, trong đó đề cao sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam.
Không chỉ là lời kêu gọi, “Make in Vietnam” cũng là trách nhiệm của mỗi người dân - như một quốc gia toàn cầu và công dân trên toàn cầu. Không chỉ sử dụng, tiêu dùng công nghệ của nhân loại, Việt Nam cũng phải đóng góp cho nhân loại, đóng góp cho sự phát triển của công nghệ nhân loại.
Nguyễn Nguyễn
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn