Cách đây ít lâu, "ghế nóng" của Uber đã chính thức đón một thành viên với cái tên còn khá xa lạ trong giới công nghệ, đó là Dara Khosrowshahi, nay đã là cựu CEO của Expedia.
'Công việc mới' tại một nơi tồn tại nhiều vấn đề vẫn chưa có hướng giải quyết triệt để khiến nhiều ánh mắt lo ngại hướng về phía Khosrowshahi, nhưng đối với nhà lãnh đạo 48 tuổi, đây chỉ là một thử thách mới trong cuộc đời đầy rẫy những điều phi thường - "đắng cay có, ngọt bùi có" của ông.
Dara Khosrowshahi sinh năm 1969 tại Iran, và giờ đây là một công dân Mỹ.
Ông sinh ra trong một gia đình giàu có và nổi tiếng. Ông và cha của Dara là những người sáng lập trong một tập đoàn lớn của Iran liên quan đến dược phẩm, hóa chất và phân phối thực phẩm. Trong cuộc Cách mạng Hồi Giáo diễn ra tại Iran năm 1979, công ty bị chính phủ mới bắt giữ và quốc hữu hóa, khiến gia đình ông phải trốn thoát khỏi đất nước.
Tuy nhiên, đây lại đóng vai trò là 'cơ duyên', giúp Khosrowshahi cập bến nước Mỹ khi mới 9 tuổi dưới dạng tị nạn. Gia đình ông sau đó thậm chí chuyển đến khu cao cấp của thành phố New York do quen biết với một người chú sinh sống tại đây.
Khosrowshahi và anh họ của ông được học tại trường dạy nấu ăn tư thục ở thành phố Tarrytown, có tên là Hackley School. Đây là ngôi trường từng đào tạo ra nhiều con người kiệt xuất, điển hình như nam diễn viên George Hamilton hay tỉ phú dầu mỏ Fred Koch.
Sau khi tốt nghiệp khoa kỹ thuật điện tử tại trường Đại học Brown, Dara Khosrowshahi bắt đầu sự nghiệp trong lĩnh vực tài chính, làm việc tại Allen & Co trong những năm 90.
Sau đó, Dara Khosrowshahi chuyển sang đảm nhiệm vai trò điều hành tại công ty USA Networks và đây là một trong những cột mốc đáng nhớ trong cuộc đời ông. Chia sẻ về kinh nghiệm, Dara cho biết: "Tôi đã thất bại hoàn toàn. Chi phí để phát sóng truyền hình trực tuyến cao hơn bất kỳ ngành quảng cáo nào mà bạn có thể kiếm được. Bạn càng làm tốt, bạn càng mất nhiều."
Bỏ qua tuyên bố khiêm tốn ấy, Dara Khosrowshahi vẫn được coi là biểu tượng của sự thành công trong lĩnh vực truyền thông. Ít lâu sau, USA Networks đổi tên thành InterActiveCorp (IAC) vào tháng 7 năm 2001, và ông quyết định mua Expedia từ Microsoft với giá xấp xỉ 1,3 tỷ USD tại thời điểm bấy giờ.
Khosrowshahi đã dành một vài năm đảm nhiệm vai trò giám đốc tài chính kiêm giám đốc chiến lược tại IAC tới năm 2005, và được bổ nhiệm làm CEO kiêm chủ tịch công ty. Ông giữ chức vụ này trong suốt 12 năm tới nay, biến Expedia trở thành dịch vụ hỗ trợ du lịch trực tuyến lớn nhất nước Mỹ. Doanh thu công ty tăng từ 2,1 tỷ USD vào năm 2005, thành 8,7 tỷ USD vào năm 2016.
Một trong những người chú của Dara chính là tỷ phú Hassan Khosrowshahi - người đã di cư tới Canada khi gia đình chạy trốn khỏi Iran. Hassan thành lập một công ty điện tử mang tên Future Shop (và sau này đã bán cho Best Buy), sau đó thành lập một công ty cổ phần về dược phẩm và âm nhạc.
Anh trai của ông - Kaveh Khosrowshahi là giám đốc điều hành của Allen & Co., ngân hàng đầu tư nổi tiếng tại Mỹ. Một vài anh em họ của Dara thậm chí nằm trong ban quản lý của Google. Người anh họ Amir Khosrowshahi của ông thì sáng lập ra công ty cổ phần nghiên cứu về AI Nervada, và nay được Intel mua lại với giá 400 triệu USD.
Hai người anh em song sinh của Dara, Ali và Hadi Partovi thì bán lại startup cho MySpace vào năm 2009 với giá 20 triệu USD, trở thành những nhà đầu tư thiên thần cho Airbnb, Dropbox, Uber và Facebook.
Tất cả điều này đồng nghĩa với việc gia đình Khosrowshahi sở hữu trong tay một mạng lưới các thành viên đều là 'ông lớn' trong lĩnh vực kinh doanh và công nghệ.
Trong khi các người con, người cháu của mình đều gặt hái được thành công tại nước ngoài, thì cha của Dara Khosrowshahi buộc phải trở lại Iran để chăm sóc ông nội. Iran thậm chí cấm ông rời đất nước trong thời gian quá 6 năm kể từ cuộc Cách mạng Hồi Giáo.
Các chuyên gia nhận định một người có lối sống sung túc và ổn định như Khosrowshahi sẽ không chuyển tới Uber trừ khi được trả lương hậu hĩnh. Trên thực tế, Uber cũng từng giúp cho nhiều nhà đầu tư thành tỷ phú, và nếu làm tốt vai trò của mình, Khosrowshahi hoàn toàn có thể góp mặt trong danh sách này.
Bên cạnh những thành tựu trong cuộc sống, Khosrowshahi đáng bất ngờ được nhiều người biết đến như một "geek" (tiếng lóng ám chỉ những kẻ "khùng" hoặc "khác thường", nay dùng để chỉ những chuyên gia hay những người đam mê công nghệ thông tin và máy tính). Ông cũng rất mê chơi trò chơi điện tử.
Năm 2012, Dara Khosrowshahi kết hôn với Sydney Shapiro. Cặp đôi này tự gọi họ là những kẻ khác người trong lĩnh vực khoa học, công nghệ. Tính đến nay, họ đã có cho mình 4 con nhỏ.