Một công ty bán dẫn do chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn được cho là đã có thể làm chủ công nghệ in thạch bản - mắt xích trọng yếu trong sản xuất chip.
Bloomberg dẫn các nguồn tin cho biết công ty bán dẫn hàng đầu Trung Quốc Shanghai Micro Electronics Equipment (SMEE) vừa đạt được bước tiến quan trọng khi đã sẵn sàng cung cấp hệ thống sản xuất chip 28 nanomet đầu tiên vào cuối năm.
Đây được đánh giá là bước đột phá của ngành chip Trung Quốc sau giai đoạn bị Mỹ cấm vận. Việc sản xuất thiết bị in thạch bản được coi là mắt xích quan trọng trong tham vọng tự chủ bán dẫn của bất kỳ quốc gia nào.
Một công nhân trên dây chuyền sản xuất chip Trung Quốc ở tỉnh Giang Tô ngày 28/2. Ảnh: AFP
Theo Securities Daily, những năm qua, Bắc Kinh dành nhiều nguồn lực để thúc đẩy các công ty trong nước tập trung vào những lĩnh vực chiến lược bị Mỹ cấm vận. Thiết bị in thạch bản là một trong những phần yếu nhất trong chuỗi cung ứng bán dẫn của Trung Quốc.
Trên thế giới, lĩnh vực này do hai công ty ASML của Hà Lan và Tokyo Electron của Nhật Bản thống trị. ASML là công ty hàng đầu thế giới về máy in thạch bản và thiết bị hỗ trợ sản xuất chip 28 nanomet. Chip này được dùng trong nhiều thiết bị từ xe hơi đến tên lửa. Sau khi ban hành lệnh cấm, Mỹ cũng đã tìm nhiều cách để hạn chế Hà Lan bán thiết bị làm chip tiên tiến cho Trung Quốc.
Hiện chưa rõ SMEE có năng lực đến đâu trong việc đáp ứng số máy in thạch bản cần thiết cho các công ty chip Trung Quốc. Tuy nhiên, đây là tín hiệu cho thấy dự đoán của các chuyên gia về tác dụng ngược của lệnh cấm vận Mỹ áp lên Trung Quốc đã phần nào thành sự thật.
Hồi tháng 1, Bloomberg dẫn lời CEO ASML Peter Wennink cảnh báo chiến dịch của Mỹ có thể gây ra hậu quả khôn lường. Theo ông, biện pháp kiểm soát xuất khẩu do Mỹ khởi xướng có thể thúc đẩy Bắc Kinh phát triển được công nghệ riêng về thiết bị sản xuất chip tiên tiến.
Kỹ sư ASML bên hệ thống in thạch bản Twinscan NXE: 3400B ở Hà Lan tháng 4/2019. Ảnh: Reuters
Chế tạo bộ vi xử lý đòi hỏi những kỹ thuật tiên tiến nhất thế giới. Chip bán dẫn bắt đầu từ khối tinh thể silicon hình trụ, cắt gọn thành từng tấm wafer mỏng và tráng lớp vật liệu nhạy sáng, sau đó được phơi trước những tia sáng có tạo hình nhất định. Những phần không tiếp xúc ánh sáng được loại bỏ bằng chất hóa học để tạo ra mạch điện tử. Các wafer sau đó được cắt để tạo ra chip riêng lẻ.
Trước đây, ASML của Hà Lan gần như độc quyền công nghệ làm máy quang khắc chip bằng tia siêu cực tím. ASML từng là đơn vị duy nhất cung cấp cỗ máy quang khắc tối tân cho các công ty chế tạo chip lớn nhất thế giới. Giới chuyên gia ví ASML như điểm nghẽn cổ chai, bởi chiếm 80-85% thị phần máy quang khắc toàn cầu. Con số này thậm chí là 100% với dòng máy quang khắc DUV. Nhưng giờ đây, nhà sản xuất Trung Quốc đã tìm ra cách để dần làm chủ khâu quan trọng trong chuỗi cung ứng chip.
Trong khi đó, Mỹ vẫn đang tìm cách lôi kéo các nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới xây nhà máy ở nước này. Ngày 25/7, Reuters dẫn nghiên cứu của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn (SIA) và Oxford Economics cho thấy tham vọng tự chủ chip của Mỹ đang gặp phải rào cản lớn là nhân sự. Số người tốt nghiệp ngành bán dẫn không đáp ứng kịp tốc độ phát triển. Đến 2030, ngành công nghiệp này của Mỹ cần 460.000 lao động. Tuy nhiên, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp không đủ lấp đầy nhu cầu của thị trường.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn