Sau khi Twitter đổi tên thành X, cựu giám đốc Esther Crawford quyết định tiết lộ về nội bộ công ty và ông chủ cũ Elon Musk.
Esther Crawford từng giữ chức giám đốc quản lý sản phẩm tại Twitter. Sau khi Musk tiếp quản, bà nằm trong nhóm điều hành dịch vụ thu phí Twitter Blue. Bà nổi tiếng với tấm ảnh ngủ dưới sàn phòng họp và được mạng xã hội gọi là "nhân viên chăm nhất Twitter", nhưng cũng bị mỉa mai là kẻ nịnh bợ.
Dù ủng hộ văn hóa "làm cật lực" do tỷ phú Mỹ đặt ra, Crawford vẫn thuộc nhóm 200 nhân viên cấp cao bị sa thải. Ngày 27/7, bà đã đăng bài về công ty cũ và thu hút hàng nghìn lượt chia sẻ chỉ sau vài tiếng.
Theo bà, ông chủ Twitter có sự táo bạo, niềm đam mê và cách kể chuyện truyền cảm. Bà học được nhiều điều khi quan sát ông. Tuy nhiên, Musk thiếu sự cảm thông và không có quy trình rõ ràng khi làm việc. Trong dự án đầu tiên, bà được yêu cầu hoàn thành công việc với giới hạn thời gian eo hẹp. Đây cũng là lý do dẫn tới bức ảnh "túi ngủ" được lan truyền rộng rãi.
"Với tư cách trưởng nhóm sản phẩm, tôi phải làm suốt ngày đêm cùng những nhân viên sống ở nhiều khu vực, trải rộng trên nhiều múi giờ. Cuối cùng, chúng tôi đã theo kịp tiến độ", bà nói.
Esther Crawford ngủ trên sàn phòng họp. Ảnh: @evanstnlyjones
Bà đánh giá Musk có tính cách kỳ quặc, được giấu sau sự hài hước và quyến rũ. Cảm xúc và cách cư xử của ông có thể biến đổi nhanh chóng từ hào hứng sang tức giận. Không ai đoán được ông sẽ thế nào, nên nhân viên thường thấy sợ hãi nếu bị triệu tập vào phòng họp hoặc phải thông báo cho ông tin tức tiêu cực.
Bao quanh Musk là một vòng tròn "các nhân sự nhiệt tình, cuồng tín và ủng hộ mọi ý kiến của ông". Một vài người trong đó từng khuyên Crawford thận trọng trong lời nói nhưng bà khước từ. "Hoặc ông ấy trân trọng tôi vì thành thật, hoặc ông ấy sa thải tôi. Cả hai phương án đều ổn. Tôi không thích thú gì với việc tạo thêm không khí sợ hãi cho công ty", bà cho hay.
Bà cũng chỉ trích tỷ phú Mỹ vì không lắng nghe ý kiến chuyên gia. Ông thường đưa ra quyết định về sản phẩm và ý tưởng kinh doanh theo bản năng, không dựa trên kết quả phân tích, thu thập dữ liệu hoặc kiến thức chuyên môn. Dù có đội ngũ cố vấn, Musk vẫn thăm dò ý kiến trên Twitter, hỏi bạn thân hay thậm chí hỏi người viết tiểu sử riêng của ông. Ông tin tưởng phản hồi ngẫu nhiên hơn chuyên gia - những người dành cả đời để tìm cách giải quyết vấn đề chuyên môn.
Elon Musk. Ảnh: AP
Crawford đánh giá Musk có tài năng đặc biệt để giải quyết vấn đề khó. Trong trường hợp thất bại với X, ông có thể dùng tiền để sửa sai.
"Ông ấy thông minh và đủ tiền để có thể mắc nhiều sai lầm", bà nói.
Thực tế, trước khi Musk xuất hiện, Twitter là nơi buồn tẻ, trì trệ, quan liêu theo nhận xét của Crawford. Nội bộ "có những cuộc đấu đá quyền lực ngớ ngẩn kèm việc tái tổ chức nhằm phục vụ lợi ích một số cá nhân". Các buổi nói chuyện trực tiếp với khách có thể trở thành cuộc chiến và gây bế tắc giữa các phòng ban.
"Đồng nghiệp của tôi từng mất một tháng để xin giấy phép tiếp cận một số ứng viên sáng tạo nội dung. Anh ấy phải thông qua ba tầng quản lý và sáu bộ phận khác nhau. Cuối cùng, có đến bốn vị giám đốc cùng tham gia phê duyệt. Thật điên rồ", bà kể.
Crawford lạc quan một cách thận trọng về tương lai của X. "Twitter từng phát triển ì ạch vì bộ máy quan liêu nhưng X đang được điều hành bởi lãnh đạo mới, người chấp nhận những thay đổi dù kỳ lạ", Crawford nói.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn