Theo tờ Space, hình ảnh mới là kết quả tổng hợp từ một loạt ảnh độ sắc nét cao được chụp bằng mạng lưới camera LROC của Tàu quỹ đạo Trinh sát Mặt Trăng (LROC) của NASA và thiết bị mang tên ShadowCam của NASA gắn trên Tàu quỹ đạo Thám tử Mặt Trăng (KPLO) của Hàn Quốc.
Vùng đất cực Nam gây ám ảnh của Mặt Trăng - Ảnh: NASA/NATIONAL GEOGRAPHIC
"Bị bao phủ trong bóng tối vĩnh viễn, phần bên trong của miệng hố va chạm Shackleton gần cực Nam của Mặt Trăng được tiết lộ trong bức "tranh khảm" tuyệt đẹp này" - NASA viết.
Bản thân miệng hố được chụp bởi ShadowCam, một thiết bị được NASA thiết kế để nhìn vào phần bóng tối của bề mặt Mặt Trăng. Hình ảnh độc đáo cho thấy một miệng hố tròn hoàn hảo đến ám ảnh, trông như dấu vết của một chiếc đĩa bay từng hạ cánh rồi rời đi.
Nó không phải dấu vết của một đĩa bay thực sự, mà có thể là một tiểu hành tinh cổ đại. Nhưng sắp tới, nơi này có thể thành "sân bay" của nhiều tàu vũ trụ, bởi chính là khu vực Cực Nam của Mặt Trăng, nơi nhiều cơ quan vũ trụ khắp thế giới đang hướng đến.
Đơn cử, đó là sứ mệnh Artemis 3 dự kiến mang 3 phi hành gia lên Mặt Trăng mà NASA đang chuẩn bị, dự kiến đổ bộ vào năm 2025. Theo các nhà khoa học NASA, cực Nam có thể có các túi nước ngầm và cả những manh mối thú vị về sự hình thành của thiên thể này.
Đây cũng là khu vực nhiều cơ quan vũ trụ khắp thế giới mong muốn được khám phá, bao gồm Roscosmos của Nga và ISRO của Ấn Độ.
Tuy nhiên, sứ mệnh gần đây của Roscosmos không may đổ bộ do tàu tự hành gặp phải sự cố hạ cánh, lao thẳng xuống Mặt Trăng. Ấn Độ lại thành công với sứ mệnh Chandrayaan-3, với tàu đổ bộ Vikram và tàu tự hành Pragyan đã hoàn thành bước đầu của sứ mệnh.
Sứ mệnh Artemis 3 của Mỹ tham vọng hơn khi mang theo phi hành đoàn, sau rất nhiều năm họ quan sát, nghiên cứu khu vực này bằng LRO. Trung Quốc cũng có kế hoạch thực hiện sứ mệnh có người lái tương tự vào khoảng năm 2030 hoặc muộn hơn.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn