Tháng trước Facebook đã trở thành tâm điểm của sự chỉ trích sau khi sự việc hơn 87 triệu người dùng của mạng xã hội này bị khai thác và sử dụng thông tin cá nhân một cách trái phép bị phác giác. Những sự thật được tiết lộ sau đó trong phiên điều trần của CEO Mark Zuckerberg trước Quốc hội Mỹ đã hé lộ thêm nhiều điều khiến không ít người phải giật mình về mức độ thông tin cá nhân của người dùng mà Facebook đang nắm giữ.
Tuy nhiên, Facebook vẫn còn phải xếp sau Google về mức độ thông tin cá nhân của người dùng Internet mà hãng công nghệ này đang nắm giữ. Các thông tin của người dùng Internet mà Google đang lưu trữ không chỉ đơn thuần được gói gọn trong phạm vi mạng xã hội như trên Facebook.
Tờ báo DailyMail (Anh) đã tiến hành một cuộc điều tra về “gã khổng lồ” Google và phát hiện ra rằng Google đã theo dõi hàng tỷ người dùng của mình và thu thập nhiều thông tin chi tiết của họ.
Một phóng viên của DailyMail phát hiện ra rằng “gã khổng lồ tìm kiếm” đã lưu trữ nhiều thông tin của người này trong nhiều năm qua, bao gồm lịch sử tìm kiếm, lịch sử duyệt web, thời gian mà anh này rời khỏi nhà đi làm, phương tiện di chuyển (đi bộ, xe đạp, tự lái xe hoặc đi xe buýt), những nhà hàng, quán bar đã ghé thăm... Google thậm chí còn biết rõ những bệnh viện hay nhà tang lễ mà người phóng viên đã ghé đến.
Thậm chí phóng viên của DailyMail còn nhận ra rằng lịch sử duyệt web của anh này cũng bị Google lưu trữ ngay cả khi người này sử dụng chế độ duyệt web ẩn danh trên trình duyệt web, vốn là chế độ riêng tư và không lưu lại lịch sử duyệt web trên máy tính.
Khi xem lại những thông tin cá nhân được Google lưu trữ trong vòng 12 tháng qua, phóng viên này nhận ra rằng các dữ liệu này tương đương với... 569.555 trang A4, và nếu in toàn bộ dữ liệu cá nhân được Google lưu trữ ra thì sẽ có được một chồng giấy A4 cao 57,6m.
Google thu thập thông tin cá nhân thông qua các dịch vụ do hãng cung cấp, chẳng hạn công cụ tìm kiếm của Google, trình duyệt web Chrome, thông tin về địa điểm trên hệ thống GPS của smartphone chạy Android hoặc dựa vào thông tin tìm kiếm của người dùng trên bản đồ Google Maps, các nội dung tìm kiếm hay video mà người dùng đã xem trên Youtube...
Bên cạnh đó nền tảng di động phổ biến nhất thế giới, Android, cũng là một “công cụ đắc lực” để Google thu thập các thông tin cá nhân của người dùng trong quá trình cài đặt và sử dụng các ứng dụng trên nền tảng đó.
Google sẽ sử dụng những thông tin thu được từ người dùng để xây dựng danh mục đầu tư quảng cáo về sở thích của người dùng, từ đó bán lại cho các doanh nghiệp để hiển thị những nội dung quảng cáo phù hợp với sở thích của họ. Các doanh nghiệp sẽ tìm đến Google nhiều hơn để quảng cáo hiệu quả hơn do các nội dung quảng cáo sẽ được phân phối đến đúng người quan tâm, thay vì tiêu tốn chi phí quảng cáo mà không nhắm đến đúng đối tượng.
Google liệu có chịu trách nhiệm với thông tin người dùng đang nắm giữ?
Với lượng người dùng hơn 3 tỷ người trên toàn cầu, một chuyên gia công nghệ ước tính 2,8% dung lượng lưu trữ của máy tính trên toàn cầu hiện đang được sử dùng để lưu trữ các dữ liệu người dùng của Google. Điều này cho thấy Google đang nắm giữ một lượng thông tin người dùng lớn đến mức nào.
Nhưng liệu Google có chịu trách nhiệm với các dữ liệu cá nhân của người dùng Internet mà hãng đang nắm giữ?
Dĩ nhiên với việc sử dụng các dịch vụ miễn phí do Google cung cấp, người dùng cũng cần phải chấp nhận “đánh đổi”, nghĩa là cho phép Google làm giàu từ chính thông tin cá nhân của họ. Dù vậy vấn đề đặt ra ở đây chính là sự minh bạch, người dùng cần phải biết Google đã và đang thu thập những thông tin cá nhân gì của họ và đang sử dụng những thông tin này như thế nào hoặc bán cho ai?
Sau phiên điều trần của Facebook vào tuần trước, rất có thể Quốc hội Mỹ cũng sẽ yêu cầu lãnh đạo của Google có phiên điều trần trong thời gian tới, lúc đó sẽ có thêm những sự thật được tiết lộ về việc Google thu thập thông tin cá nhân của người dùng.
Tác giả: T.Thủy
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn