Tại buổi tạo đàm “Xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội vì một môi trường mạng lành mạnh tại Việt Nam” diễn ra vào sáng nay 18/5 ở Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho rằng với những phát triển vượt bậc của công nghệ, Internet nói chung, mạng xã hội nói riêng đã đem lại cho đời sống kinh tế - xã hội những thành quả tích cực không thể phủ nhận. Thông qua các trang mạng xã hội, người sử dụng có thể dễ dàng tiếp cận và chia sẻ thông tin một cách hiệu quả, với tốc độ nhanh chóng, nội dung phong phú, đa dạng.
Tuy nhiên, bên cạnh các tác động tích cực, Bộ trưởng nói rằng, môi trường mạng đã trở thành một không gian truyền bá những thông tin xấu độc, xuyên tạc chính sách Đảng và Nhà nước, đả kích chế độ, gây chia rẽ, thù hằn dân tộc, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của cá nhân, ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi hợp pháp của tổ chức.
Đáng chú ý, hiện tượng để lọt, lộ thông tin bí mật của Nhà nước ngày càng gia tăng nhanh chóng, ảnh hưởng tiêu cực đến quốc phòng, an ninh, gây mất trật tự xã hội và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Bộ trưởng cũng nói rằng, mặc dù đã tích cực phối hợp với nhiều cơ quan, tổ chức, các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội để xử lý, ngăn chặn, loại bỏ những thông tin xấu, độc trên mạng xã hội. Tuy nhiên, việc đấu tranh với những thông tin xấu, độc là một quá trình với nhiều khó khăn, thách thức.
Nói rõ hơn, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, thời gian qua, Bộ TT&TT đã liên tục xây dựng, hoàn thiện các quy định, chính sách phát luật trong quản lý phát triển mạng xã hội, đã tích cực phối hợp với nhiều cơ quan, tổ chức, các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội để xử lý, ngăn chặn, loại bỏ những thông tin xấu, độc trên mạng xã hội. Việc ban hành các văn bản pháp lý, các quy định về quản lý nhà nước, cho dù có nghiêm ngặt đến đâu, cũng không thể loại trừ hoàn toàn những thông tin xấu, độc trên mạng xã hội. Mặt trái của mạng xã hội luôn tồn tại và không thể xoá bỏ mà chỉ có thể hạn chế nó.
Vì vậy, bên cạnh những quy định của pháp luật, Bộ trưởng cho rằng cần phải có một khuôn khổ thể chế “mềm”, để bổ sung cho các khung pháp lý chính thức của Nhà nước. "Đó có thể là những chuẩn mực về đạo đức, về ứng xử, để khuyến khích, thúc đẩy những giá trị tốt đẹp của con người nói chung và trong cộng đồng mạng nói riêng. Đó có thể là những hướng dẫn để mọi cá nhân, tổ chức tham gia mạng xã hội ứng xử một cách tôn trọng nhau hơn. Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế tại nhiều quốc gia, kể cả ở cấp Nhà nước hay ở phạm vi nội bộ trong một tổ chức, chúng ta có thể nhận thấy, việc ban hành một Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, với nội dung cốt lõi là những chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội là rất cần thiết với tình hình hiện nay". Bộ trưởng nêu rõ.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng cho biết việc nghiên cứu, xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử phải dựa trên quan điểm tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận hành và sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam, nhằm đem lại lợi ích lớn nhất và hạn chế tối đa tác động tiêu cực tới xã hội, tổ chức và cá nhân. Bộ Quy tắc không đi ngược lại với các cam kết của Nhà nước Việt Nam trong đảm bảo quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Bộ Quy tắc được xây dựng theo các chuẩn mực và thông lệ quốc tế về xây dựng bộ quy tắc ứng xử nói chung, bộ quy tắc ứng xử trên truyền thông nói riêng, không phân biệt đối xử nhà cung cấp dịch vụ, người sử dụng trong và ngoài nước.
Đây cũng là nội dung đã được yêu cầu tại Nghị quyết thông qua kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, trong đó đã nêu rõ “ Tiếp tục hoàn thiện các quy định về quản lý hoạt động thông tin trên mạng, đặc biệt là các dịch vụ cung cấp xuyên biên giới, bảo đảm môi trường pháp lý bình đẳng, minh bạch, phù hợp với thực tiễn phát triển của xã hội; xây dựng và triển khai bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại Việt Nam".
Theo Bộ trưởng, đây là lần đầu tiên tổ chức buổi tọa đàm về vấn đề này và cần tiếp tục tổ chức nhiều cuộc họp, cuộc hội thảo nữa trong thời gian tới để lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội. Việc thống nhất một quy tắc chung khi tham gia tương tác trên mạng xã hội để tạo một môi trường lành mạnh, văn hóa, nhân văn và đạo đức trên mạng xã hội; lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực chứ xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội không phải hạn chế người sử dụng mà xây dựng Bộ quy tắc với nhận thức để phát triển, mở rộng mạng xã hội hoạt động hướng tới nền văn hóa nhân văn, đạo đức. Từ việc xây dựng khế ước chung - quy tắc chung này tùy từng đối tượng, cơ quan đơn vị căn cứ tình hình, đặc điểm riêng để xây dựng quy tắc riêng cho phù hợp. Trên cơ sở bộ quy tắc chung đó, khuyến khích những việc cần làm, hạn chế tối đa những việc không nên làm.
"Mục tiêu chính của việc nghiên cứu, xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội nhằm phát triển mạng xã hội lành mạnh, an toàn, có ích cho người sử dụng. Thúc đẩy tác động tích cực của mạng xã hội cho xã hội, tổ chức và cá nhân. Hạn chế tối đa tác động tiêu cực của mạng xã hội, ngăn ngừa có hiệu quả sự lan truyền và mặt trái của mạng xã hội, trong đó có các thông tin xấu, độc". Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định.
Tác giả: Gia Linh
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn