Vụ ZTE phải nhận lệnh cấm kéo dài 7 năm khiến hãng gần như "hết đường sống" tại Mỹ đang là chủ đề được dư luận đặc biệt quan tâm trong thời gian gần đây. Điều đáng nói là từ chỗ chỉ là lệnh cấm đối với một công ty sản xuất smartphone, vụ ZTE có thể sẽ là tiền lệ đối với rất nhiều thương hiệu Trung Quốc khác như Huawei, Xiaomi,... hiện đang nắm giữ các vai trò quan trọng tại thị trường di động ở Mỹ.
Vụ việc bỗng nhiên trở nên vô cùng căng thẳng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ đưa ra dòng tweet trên mạng xã hội Twitter, cho rằng ông đang nỗ lực đưa ZTE trở lại kinh doanh, vì có quá nhiều việc làm sẽ bị mất tại Trung Quốc.
"Chủ tịch Trung Quốc - ông Tập Cận Bình, và tôi đang cùng nhau nỗ lực để đưa thương hiệu smartphone nổi tiếng tại Trung Quốc, ZTE trở lại kinh doanh, một cách nhanh chóng", ông Trump nói. "Quá nhiều việc làm tại Trung Quốc đã bị mất. Và Bộ Thương Mại sẽ là đơn vị trực tiếp giải quyết chuyện này".
Tuy nhiên, quyết định của ông Trump ngay lập tức vấp phải sự phản đối và chỉ trích kịch liệt từ giới lập pháp và các cơ quan thực thi pháp luật tại Mỹ - những người từ trước tới nay vẫn luôn ủng hộ một biện pháp đối phó hợp lý đối với hàng loạt mối đe dọa an ninh từ các thiết bị gián điệp xuất phát từ Trung Quốc.
Giám đốc FBI đặc biệt quan ngại tới "những công ty như ZTE"
Christopher Wray, Giáo đốc FBI trả lời trước hội đồng Thượng viện vào hôm 16/5 rằng cơ quan thực thi pháp luật dành "mối quan ngai sâu sắc" đối với bất kỳ công ty nào giống như ZTE, nhằm ám chỉ các nhà cung cấp smartphone Trung Quốc khác như Huawei, Xiaomi, OnePlus,... tại thị trường viễn thông Mỹ.
Wray cũng cho biết Tổng thống Donald Trump vẫn chưa tham vấn FBI về quan điểm của mình trước khi đăng tải trên mạng xã hội Twitter vào hôm trước đó, trong lời hứa sẽ giúp ZTE khôi phục mảng kinh doanh và việc làm sau lệnh trừng phạt từ Bộ Thương Mại Mỹ.
"Chúng tôi, FBI vẫn đặc biệt quan ngại trước những công ty nước ngoài không chia sẻ giá trị, mà chỉ muốn củng cố vị trí quyền lực của mình trong mạng lưới viễn thông tại Mỹ", ông Wray cho biết. "Điều đó mang lại cho họ khả năng sửa đổi hoặc lấy cắp thông tin, cũng như tiến hành các hoạt động gián điệp mà khó bị phát hiện".
Nhiều nhà lập pháp tại Mỹ bác bỏ kế hoạch của Tổng thống Trump
"Tôi hy vọng rằng người đứng đầu Nhà Trắng sẽ không tiếp tục những thỏa thuận với ZTE cũng như đàm phán với Trung Quốc về vấn đề này", Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio cho biết trong bối cảnh các cuộc đàm phán song phương giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn đang tiếp tục diễn ra tại Washington trong tuần này.
Chính quyền của ông Trump theo đó, đang xem xét một thỏa thuận nhằm giảm bớt lệnh cấm đã ban hành trước đó liên quan tới việc ZTE không được hợp tác kinh doanh với bất kỳ công ty nào ở Mỹ trong vòng 7 năm. Ông Trump cũng đã tiết lộ điều này thông qua một bài viết trên mạng Twitter.
"Về cơ bản, họ (ZTE) đang tiến hành một cuộc tấn công toàn diện nhằm đánh cắp những thành tựu mà chúng tôi đã phát triển và sử dụng nó để phát triển cho chính đất nước của họ. Từ đó, Trung Quốc có thể vượt qua Mỹ để trở thành người dẫn đầu về công nghệ trong thế kỷ 21", ông Rubio phát biểu.
Được biết vào ngày 15/5 vừa qua, 32 thượng nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ đã cùng ký một lá thư cáo buộc ông Trump đặt lợi ích của Trung Quốc lên trên Mỹ và quan trọng hơn là vấn đề an ninh quốc gia.
Đại diện của đảng Cộng hòa, Mac Thornberry, Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Nhà Trắng cũng lên tiếng ủng hộ, cho rằng: "Thú nhận là tôi không thể hiểu được tại sao chính quyền thực hiện điều đó vào thời điểm này. Đây không phải là một câu hỏi về kinh tế, mà là về vấn đề an ninh".
Trước đó, vào tháng 4, Bộ Thương Mại Mỹ đã phát hiện thấy ZTE vi phạm một thỏa thuận được ký vào năm 2017. Động thái này diễn ra sau khi ZTE đã nhận tội tại Tòa án liên bang ở Texas về hành vi âm mưu vi phạm các chế tài của Mỹ với việc chuyển bất hợp pháp hàng hóa và công nghệ của Mỹ sang Iran.
Với việc thừa nhận vi phạm trên, ZTE đã chấp nhận trả 890 triệu USD tiền phạt và có thể phải trả thêm 300 triệu USD nữa. Lệnh cấm được dự báo có thể ảnh hưởng nặng tới ZTE vì các công ty của Mỹ cung cấp khoảng 25 đến 30% linh kiện trong các sản phẩm của ZTE.
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn