Phó Thủ tướng: “Việt Nam có xuất phát điểm thấp hơn nên phải đi nhanh hơn, bền vững hơn”

Thứ sáu - 16/08/2019 13:58
(Dân trí) - Phát biểu tại hội thảo AI4VN 2019, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng trí tuệ nhân tạo không còn là câu chuyện khoa học mà là vấn đề kinh tế xã hội để đưa Việt Nam phát triển. Trong đó, không có lựa chọn nào khác ngoài phải đi nhanh hơn, bền vững hơn.

Sau 2 ngày làm việc hiệu quả với nhiều chuyên đề thảo luận, Ngày hội Trí tuệ nhân tạo (AI4VN) tiếp tục diễn ra sáng nay (16/8) với phiên trọng thể có sự tham gia của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các lãnh đạo Bộ, ban ngành, chuyên gia, doanh nghiệp công nghệ trong và ngoài nước.

AI là mục tiêu mũi nhọn, Việt Nam không có sự lựa chọn nào khác là phải đi nhanh hơn, bền vững hơn 

Phó Thủ tướng: “Việt Nam có xuất phát điểm thấp hơn nên phải đi nhanh hơn, bền vững hơn”

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng trí tuệ nhân tạo không còn là câu chuyện khoa học mà là vấn đề kinh tế xã hội để đưa Việt Nam phát triển.

Phát biểu tại sự kiện, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kêu gọi những người đang làm trí tuệ nhân tạo là bạn bè và gửi lời cảm ơn đến đóng góp của cộng đồng AI trong nước, những chuyên gia và doanh nghiệp tiên phong phát triển AI. 

“Trí tuệ nhân tạo không còn là câu chuyện khoa học mà là vấn đề kinh tế xã hội để đưa Việt Nam phát triển”, Phó thủ tướng nhấn mạnh. “Thời đi học, từ robot gốc có nghĩa là nô lệ, phục vụ. Nhưng ngày nay, AI là phải vì con người, phục vụ con người, chứ không phải thay thế hay cai trị con người”. 

Nhìn nhận Việt Nam có xuất phát điểm thấp hơn so với các nước, Phó Thủ tướng khẳng định: "Việt Nam không có sự lựa chọn nào khác là phải đi nhanh hơn, bền vững hơn. Muốn vượt lên, công nghệ thông tin, khoa học, AI là công cụ mang lại thời cơ lớn, nhưng nếu không tận dụng có thể qua đi". 

Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ từ lâu đã xác định công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) là sự đột phá, mũi nhọn cần được triển khai nghiên cứu. 

Phó Thủ tướng: “Việt Nam có xuất phát điểm thấp hơn nên phải đi nhanh hơn, bền vững hơn” - Ảnh minh hoạ 2

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đánh giá AI là sự đột phá, mũi nhọn cần được triển khai nghiên cứu.

Theo đó, vào năm 2018, ngành công nghiệp này đã tăng trưởng hơn 70% năm, tương đương 200 tỷ USD so với năm 2017. “AI có khả năng trở thành công nghệ đột phá nhất trong 10 năm tới”, Bộ trưởng nhận định. 

Đồng quan điểm nêu trên, Bộ trưởng Bộ Kế hoach và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng chia sẻ thêm rằng, sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã thay đổi để trở thành nền kinh tế hội nhập, năng động, hấp dẫn đầu tư trong khu vực. 

Với môi trường kinh doanh mở và nguồn nhân lực giỏi toán học, đam mê công nghệ, thị trường 69 triệu dân liên kết với các khu vực, cùng các hiệp định kinh tế mới ký kết gần đây, Việt Nam có những thuận lợi cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và phát triển công nghệ.

“Đây là thời điểm mang tính lịch sử, cần hành động theo tinh thần bây giờ hoặc không bao giờ”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Ứng dụng AI tại Việt Nam đã bắt đầu những bậc thang đầu tiên

Trong bài tham luận nói đến việc ứng dụng AI tại Việt Nam, ông Lê Hồng Việt - Giám đốc Công nghệ Tập đoàn FPT đánh giá rất lạc quan về cơ hội của Việt Nam trong việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ này. 

Theo ông Lê Hồng Việt, Việt Nam vẫn có lợi thế ở một số lĩnh vực chuyên sâu - trong bối cảnh các đối tác quốc tế chưa thể vươn tới, điển hình như đối với mảng dịch tự động, trợ lý ảo thông minh. “Thế giới làm tốt rồi chúng ta có thể làm tốt hơn trong lĩnh vực của Việt Nam, liên quan đến Việt Nam”, ông cho hay. 

Phó Thủ tướng: “Việt Nam có xuất phát điểm thấp hơn nên phải đi nhanh hơn, bền vững hơn” - Ảnh minh hoạ 3

Ông Lê Hồng Việt - Giám đốc Công nghệ tại FPT chia sẻ trong bài tham luận của mình.

Chia sẻ thêm về định hướng của FPT, ông Việt cho biết tập đoàn hiện đang tập trung vào 3 mảng chính, gồm nền tảng ứng dụng cho các DN, tích hợp sản phẩm, và xây dựng nguồn nhân lực dồi dào. 

Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Quang Vinh, đại diện Tổng công ty giải pháp doanh nghiệp Viettel cho biết, AI đã được ứng dụng tại tập đoàn trong nhiều lĩnh vực đa dạng như y tế, giáo dục, nông nghiệp, giao thông, thương mại điện tử...  

Đáng chú ý nhất phải kể tới việc Viettel là đơn vị đầu tiên triển khai ứng dụng AI trong chẩn đoán nội soi qua hình ảnh, với thời gian chuẩn đoán nhanh gấp 5 lần so với phương pháp truyền thống, độ chính xác lên đến 90%. 

Phó Thủ tướng: “Việt Nam có xuất phát điểm thấp hơn nên phải đi nhanh hơn, bền vững hơn” - Ảnh minh hoạ 4

Đại diện của Viettel phát biểu tại sự kiện AI4VN 2019.

Bên cạnh đó, Viettel cũng đã và đang triển khai giải pháp chống tấn công từ chối dịch vụ của Viettel bằng cách ứng dụng AI, có thể giám sát 24/7, phát hiện 100% cuộc tấn công, với chi phí tiết kiệm khoảng 90%.

Từ trong môi trường giảng dạy, AI cũng đã bắt đầu có những lớp học, khoá học riêng biệt, đào tạo bài bản, giúp các em sinh viên trở thành đội ngũ có trình chuyên môn cao, dẫn đầu cho nền trí tuệ nhân tạo nước nhà. Điển hình như trường Đại học Bách Khoa trong năm 2019 đã lần đầu tiên mở ra ngành học trí tuệ nhân tạo với số điểm trên 27, tuy vẫn chỉ hạn chế số lượng học viên trong một lớp.

Tại hội thảo, ông Peter Vesterbackaa - cha đẻ của tựa game Angry Birds nêu ra mô hình 3 chữ E (Entertainment - Education và Enterpreneurship) được ứng dụng tại Phần Lan và cho thấy hiệu quả. Cụ thể, hệ thống giáo dục cần có tính sáng tạo để thúc đẩy sự phát triển. Tinh thần kinh doanh cũng cần được đẩy mạnh trong giới trẻ để bắt kịp sự vận động của thế giới. Trong đó, ông cho rằng cần đầu tư vào cái gốc là giáo dục để đi xa hơn, nhanh hơn.

Nguyễn Nguyễn

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây