Thị trường di động khó khăn
Không còn ăn nên làm ra như trước đây, nhiều cửa hàng di động kinh doanh theo hộ gia đình riêng lẻ đã và đang thông báo ngừng kinh doanh, trả mặt bằng. Tại các con đường một thời là nơi hội tụ "các anh tài" di động bán lẻ ở TPHCM xuất hiện rất nhiều bảng thông báo "Cho thuê mặt bằng", "Sang tiệm"...
Một đại diện nhà bán lẻ trên đường Lê Hồng Phong, quận 10, TPHCM cho biết, việc thông báo trả mặt bằng, thanh lý hàng không còn mới mà nó xảy ra từ những năm trước đó. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, lượng cửa hàng có tiếng, ít nhất 5 năm kinh doanh trở lên phải đóng cửa, cho thấy thị trường này đang sụt giảm rất mạnh.
Trong các dự báo trước đó đều chỉ ra rằng, thị trường di động đã bão hòa từ năm 2018 và năm nay là rõ rệt nhất tại Việt Nam. Sức mua sụt giảm liên tục thông qua các báo cáo của GFK, đặc biệt là phân khúc trên 10 triệu đồng.
Một minh chứng cũng rõ nét cho sự sụt giảm của thị trường di động đó là chuỗi bán lẻ lớn nhất hiện nay là Thế giới Di động (chiếm 50% thị phần tại Việt Nam theo số liệu GFK) cũng đã đóng cửa khá nhiều cửa hàng kinh doanh di động. Tính từ đầu năm 2018 đến hết quý I/2019, hệ thống này đã đóng cửa đến 48 cửa hàng. Ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO của Thế giới Di động mới đây cũng thừa nhận, thị trường di động đang bão hòa và tăng trưởng chậm mỗi năm.
Trong Hội nghị giao ban quản lý nhà nước quý II/2019, đại diện Văn phòng Bộ Thông tin & Truyền thông đã cho biết, trong lĩnh vực công nghiệp ICT, tính đến hết tháng 5 năm nay, doanh thu mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất là điện thoại và linh kiện điện tử, máy tính và linh kiện đều giảm. Nguyên nhân của sự sụt giảm này là do xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc bị suy giảm. Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu điện thoại, linh kiện điện tử, máy tính và linh kiện cũng giảm lần lượt 11,6% và 9,5%.
Một điểm mới của thị trường năm nay cũng đã góp phần tô đậm lên việc sụt giảm của thị trường di động trong nước đó là mô hình "bách hóa công nghệ" đang lên ngôi. Nhiều hệ thống kinh doanh di động đã bắt đầu chuyển hướng bán nhiều mặt hàng hơn thay vì di động như trước. Người dùng sẽ không còn bất ngờ khi Thế giới Di động lại đi bán đồng hồ truyền thống, mắt kính... Mặt hàng không có một chút liên quan đến công nghệ. Hay FPTShop phải đi kết hợp với một hệ thống kinh doanh điện máy và hợp tác với một đơn vị chuyên kinh doanh hàng từ Mỹ.
Một nhà bán lẻ khác như VinPro cũng bất ngờ đưa vào các nhu yếu phẩm để mở rộng tập khách hàng trước sự thay đổi quá nhanh của thị trường di động.
Thậm chí ngay cả Thế giới Di động mới đây cũng ra mắt chuỗi Điện thoại Siêu rẻ, một mô hình đi ngược lại hình ảnh của công ty này, đánh thẳng vào các chuỗi nhỏ lẻ để chiếm thị phần. Người đứng đầu công ty này thừa nhận không thể gia tăng thêm thị phần trong nhóm chuỗi lớn và mục tiêu hướng đến 20% thị phần còn lại do các cửa hàng nhỏ, hộ gia đình nắm giữ. Điều này cho thấy, lĩnh vực kinh doanh di động đang thực sự khó khăn, để có thể gia tăng doanh thu cũng như giữ được mức tăng trưởng.
Một nhà bán lẻ chia sẻ, đây là thực tế hiện nay khi sức mua giảm và các hệ thống muốn giữ mức tăng trưởng buộc phải chuyển đổi sang các mô hình kết hợp để thu hút thêm nhiều khách hàng, cải thiện doanh thu trung bình trên mỗi cửa hàng.
Thà đi làm thuê sướng hơn làm chủ!
Một chủ cửa hàng kinh doanh iPhone lâu năm ở TPHCM chia sẻ, việc buôn bán mặt hàng di động thực sự là khó khăn và nhiều cửa hàng nhỏ chẳng còn tha thiết.
"Những năm trước, một tháng trừ đi hết chi phí, một cửa hàng có thể thu về từ 50-70 triệu đồng nhưng giờ giá thuê tăng, sức mua thấp, chi phí nhân viên tăng cao, lợi nhuận thu về không bằng một nửa và thậm chí có tháng chỉ có vài triệu đồng. Cầm cự vài tháng, nhiều chủ cửa hàng nản cũng bỏ thôi", vị này chua chát nói về việc kinh doanh hiện nay.
Chủ cửa hàng này lấy một ví dụ, nếu bán các sản phẩm mới thì chắc không "đọ" được với các chuỗi nhỏ với quy mô từ 5 cửa hàng trở lên chứ chưa kể so với các chuỗi lớn. Hầu hết các cửa hàng nhỏ, kinh doanh gia đình chỉ bán điện thoạin đã qua sử dụng, iPhone cũ hay iPhone xách tay. Với mức cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, một sản phẩm cũ bán ra, lợi nhuận chỉ 300-500 ngàn đồng. Trung bình mỗi ngày bán được 5 máy (ở điều kiện thuận lợi), lợi nhuận vào khoảng 2-2.5 triệu đồng. Tính ra mỗi tháng, tổng doanh thu vào khoảng 60-70 triệu đồng, trừ chi phí thuê nhà, 2 nhân viên bán hàng, tiền thuế, tiền chạy quảng cáo Facebook... Lợi nhuận mang về chưa đến 20-30 triệu đồng.
"Đó là tính trong điều kiện thuận lợi và phải rất chịu khó trả lời, chăm sóc khách thì may ra mới sống nổi. Chưa kể vấn đề bị kiểm tra hàng hóa, bị đủ loại thuế... Vậy thôi thà đi làm thuê tháng 20 triệu đồng/tháng cho đỡ suy nghĩ hơn là việc phải tiếp tục gồng mình như hiện nay", chủ cửa hàng này nói.
Một đại diện nhà bán lẻ nhỏ cũng thừa nhận, cái kết của các cửa hàng nhỏ, hộ gia đình đã được dự báo từ rất sớm. Nếu chỉ có một tiệm kinh doanh thì khó mà trụ nổi trong thời buổi cạnh tranh quyết liệt như hiện nay. Một chuỗi khoảng 5 cửa hàng, doanh thu có thể đem về 100 triệu đồng/tháng thì mới có thể đủ trang trải các khoản phí, bù lỗ cho nhau.
Vị này cũng dự báo rằng, trong những tháng cuối năm 2019, các cửa hàng kinh doanh truyền thống của các hộ gia đình sẽ đóng cửa rất nhiều và thậm chí nhiều hệ thống kinh doanh nhỏ cũng sẽ thu hẹp quy mô hoặc mở ra nhiều sản phẩm mới khác để tồn tại trước sức ép của thị trường ngày càng khốc liệt.
Gia Hưng
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn