Sau khi trải qua giai đoạn khủng hoảng vào quý 2 khiến cổ phiếu sụt giảm 24%, Facebook đang dần lấy lại thăng bằng, và Phố Wall cũng bắt đầu "thở phào" khi chứng kiến mạng xã hội lớn nhất thế giới dần trở lại quỹ đạo ổn định. Rõ ràng, Facebook và CEO Mark Zuckerberg đã trải qua một năm khó khăn nhất trong lịch sử của công ty.
Tuy nhiên, mới đây trong một cuộc họp với các cổ đông, CEO Zuckerberg đã đưa các nhà đầu tư "trở lại mặt đất", khi lên tiếng thừa nhận rằng những vấn nạn mà công ty gặp phải như tin tức giả mạo, lộ lọt dữ liệu, an ninh mạng,... có thể sẽ tiếp tục vượt ngoài tầm kiểm soát, và chi phí để đối mặt với những thách thức này cũng sẽ gia tăng.
"Khi chúng ta nói tới các vấn đề bảo mật, an toàn thông tin và nội dung, các bạn có lẽ hiểu rằng chúng không phải là những vấn đề có thể giải quyết triệt để, phải không?", CEO Mark Zuckerberg nói. "Đó là những vấn đề mà chúng ta chỉ có thể cố gắng kiểm soát theo thời gian, để giảm và ngăn chặn những hậu quả mà nó gây ra."
COO Facebook, bà Sheryl Sandberg, theo đó cũng chỉ ra mối quan tâm hàng đầu của Facebook hiện nay là tập trung thật nhiều tiền vốn để xây dựng hệ thống phòng thủ cho riêng mình.
"Nếu mọi người không tin tưởng Facebook, họ sẽ không sử dụng nó. Điều này có nghĩa là công ty phải 'ném tiền' vào việc xây dựng hệ thống phòng thủ cho riêng mình, ngay cả khi không thể ngăn chặn hoàn toàn."
"Bảo vệ quyền riêng tư của người dùng là cực kỳ quan trọng vì họ, cũng như các doanh nghiệp sẽ chỉ sử dụng dịch vụ của chúng tôi nếu họ cảm thấy Facebook có thể tin tưởng và việc chia sẻ trên nền tảng của chúng tôi là an toàn. Đó là lý do chúng tôi cần đầu tư hơn nữa để bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật tốt hơn", bà Sandberg cho biết.
Ở một góc độ khác, Michael Connor, giám đốc điều hành của Open Mic, một tổ chức chuyên trợ giúp các chiến dịch cải thiện quản trị tại một số công ty lớn tại Mỹ, lại cho biết đây có thể là dấu hiệu cho thấy Facebook đã trở nên quá lớn.
"Họ có quyền chi tiêu, nhưng câu hỏi là phải chi bao nhiêu tiền mới đủ, để nền tảng trở nên an toàn", Connor đặt câu hỏi. "Và một trong những mối quan tâm mà nhiều người lo ngại đó là Facebook liệu có quá lớn?"
"Một khi nó chi phối quá nhiều mà không có đối thủ cạnh tranh, những kết quả ngoài mong đợi có thể xảy đến như là hệ quả của sự thống trị đó."
Được biết, chi phí cho hoạt động bảo vệ dữ liệu người dùng và an ninh hệ thống của Facebook trong năm 2017 đã "ngốn" tổng cộng 20,4 tỷ USD. Con số này tiếp tục tăng mạnh vào năm 2018, khi mà tới nay dù mới kết thúc Q3, nhưng số tiền bỏ ra đã xấp xỉ 21,2 tỷ USD. Sang tới năm 2019, Facebook dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng thêm tới 50% chi phí.
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn