Tại Diễn đàn kinh tế số Việt Nam 2018 đang diễn ra ở TPHCM, các diễn giả cho biết nền kinh tế thế giới đang thay đổi một cách sâu rộng dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Với hiệu suất kinh tế vượt trội, các mô hình kinh tế mới đang tạo ra những biến đổi căn bản trong nhiều ngành công nghiệp, từ thông tin truyền thông, giải trí, giáo dục đào tạo cho đến giao thông vận tải…
Tại Việt Nam, các mô hình số hóa cũng đang tạo ra những dịch vụ có ích cho người dân và tận dụng một cách hiệu quả nguồn lực nhàn rỗi của xã hội. Tuy nhiên, họ cũng tạo ra những mâu thuẫn, thay đổi cơ bản với mô hình kinh doanh truyền thống. Các diễn giả cho rằng, thế mạnh công nghệ mới đang giúp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp giành lợi thế trên các lĩnh vực công nghiệp truyền thống. Xu thế này tạo ra những thay đổi quan trọng trong chuỗi giá trị các ngành công nghiệp cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong bối cảnh của nền kinh kế số hiện nay, đòi hỏi các tổ chức, doanh nghiệp và mô hình truyền thống phải có sự thay đổi mạnh mẽ để tiếp tục tồn tại và phát triển.
Tiến sĩ Chawapol Jariyawiroj, Giám đốc quốc gia, Amazon Web Services (AWS) Thái Lan và Việt Nam cho biết, trước đây, các công nghệ kiểu cũ thì chỉ có các công ty lớn, có rất nhiều tiềm lực kinh tế mạnh mới có thể tiếp cận được công nghệ đó. Do đó họ luôn dẫn đầu thị trường, ít nhất là một vài bước. Nhưng bây giờ, thì dù công ty nhỏ hay những startup mới đều có thể tiếp cận được công nghệ không thua kém gì các những công ty lớn.
“AWS luôn coi mình như là một cánh cửa để các doanh nghiệp trên thế giới có thể tiếp cận các công nghệ mới nhất, tiên tiến nhất. Và thời điểm hiện nay, các công ty hàng đầu trên thế giới, họ tiếp nhận được công nghệ gì thì những công ty nhỏ, startup ở Việt Nam đều có thể tiếp cận được, tương tự nhau”, ông Chawapol Jariyawiroj nói thêm.
Đánh giá về thị trường Việt, Tiến sĩ Chawapol Jariyawiroj cho biết, Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong việc chuyển đổi số với dân số 95 triệu dân, nền kinh tế lớn, nhất nhì khu vực Đông nam Á. Đặc biệt, dân số trẻ dưới 35 tuổi, tính năng động cao và có khả năng tiếp cận công nghệ cao nhanh chóng. Đây là một động lực mạnh mẽ tạo ra sụ đột phá trên thị trường. Sự đột phá tạo ra rất nhiều những thay đổi, nhiều cơ hội hơn và nguy cơ cũng không kém.
“Cơ hội cho những người biết nhận ra cơ hội đó, nó mở ra cho mình, tận dụng nó để sáng tạo, phát triển nhanh hơn để đi đến thành công. Đối với những công ty chậm, không thể dự báo thị trường, không nhận ra những cơ hội mới trên thị trường thì nguy cơ của họ sẽ không thể thành công tiếp tục”, ông nói thêm.
Đặc biệt, ông đánh giá rất cao các công ty startup tại Việt Nam, làn sóng khởi nghiệp đang bùng nổ ở nơi đây. “Tôi nghĩ rằng 1 điểm mạnh ở Việt Nam là dân số có trình độ công nghệ kỹ thuật rất cao, có khả năng đáp ứng về mặt kỹ thuật, công nghệ. Các chính sách của nhà nước đang hỗ trợ các doanh nghiệp và làn sóng khởi nghiệp, để mong muốn biến Việt Nam trở thành trung tâm công nghệ sáng tạo trong khu vực. Đây sẽ là một động lực lớn tạo ra rất nhiều cơ hội cho sự sáng tạo”, Tiến sĩ Chawapol Jariyawiroj chia sẻ.
Theo Tiến sĩ, công ty startup và các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam đang là đơn vị có nhu cầu sáng tạo và tiếp cận công nghệ mạnh mẽ nhất. Đặc biệt là startup, họ luôn luôn có nhu cầu hàng đầu về phân tích dữ liệu lớn và đang sáng tạo nhanh hơn và mạnh mẽ trong các lĩnh vực như: ứng dụng cho điện thoại di động, công nghệ tài chính và giải trí…
Bản thân các startup được sinh ra trên điện toán đám mây, họ không có một sự lo ngại, không sợ, không có một lịch sử trước đây để lo đổ vỡ thành ra họ không có lo lắng gì, nên họ nhanh chóng lao vào sự sáng tạo. Nhưng với các công ty lớn, họ cũng sẽ sợ hãi và những nghi ngờ trong việc chuyển đổi số dù biết nó rất quan trọng. Sự sợ hãi là hiển nhiên khi lịch sử phát triển lâu dài, dữ liệu khách hàng khi chuyển đổi có thực sự rủi ro không?… Trong bối cảnh này, đòi hỏi phải chọn lựa cho sự sống còn và đi lên.
"Thế giới bây giờ hoàn toàn phẳng và sân chơi hoàn toàn bình đẵng”, Tiến sĩ nhấn mạnh.
Trước của sự chuyển đổi số trong nền kinh tế, các doanh nghiệp trong nước cũng đang gặp phải những thách thức tương tự như các doanh nghiệp ở nước ngoài. Tiến sĩ Chawapol Jariyawiroj cho rằng, có 2 thách thức hiện nay đối với doanh nghiệp: là làm sao duy trì và tạo doanh thu mới cho doanh nghiệp của mình, tức là phải có sáng tạo mới, sản phẩm mới và dịch vụ mới; Đồng thời cắt giảm được chi phí vận hành trong thời đại mới, có thêm tiền để phục vụ cho hoạt động sáng tạo. Bởi khách hàng hiện nay họ có kỳ vọng cao hơn đối với dịch vụ thay vì như những năm trước đây.
Vì thế, Tiến sĩ cho rằng, các doanh nghiệp luôn luôn phải đi bằng "2 chân” tức là làm song song hai việc, tạo ra doanh thu mới và cắt giảm chi phí, đầu tư vào sáng tạo.
Với việc cắt giảm chi phí, Tiến sĩ cho biết các đội ngũ chuyên gia của chúng tôi chẳng hạn thường đến các doanh nghiệp để tìm hiểu nhu cầu cụ thể, giới thiệu cho họ các công việc khác mà các công ty trên thế giới đang làm được với việc cắt giảm chi phí bằng cách chuyển đổi công nghệ cũ, các hình thức hoạt động cũ sang hình thức mới bằng việc chuyển đổi kỹ thuật số.
Tất nhiên việc chuyển đổi như vậy sẽ tốn thời gian và mỗi một doanh nghiệp sẽ có những nền tảng cũ theo cách thức khác nhau nên cần có thời gian chuyển sang hình thức mới. Đồng thời việc cắt giảm chí phí này sẽ mất thời gian thì các công ty phải làm sao để sáng tạo nhanh hơn, kịp thời hơn phù hợp với thời đại. Chúng tôi cũng đưa các chuyên gia tới giúp cho doanh nghiệp làm sao đầu tư vào sáng tạo tốt hơn, làm sao sử dụng phân tích dữ liệu lớn và cả thiết bị di động tốt hơn, làm sao để đạt được hai mục tiêu đó cùng song song nhau.
Lấy một ví dụ, Tiến sĩ cho biết, ngày trước một công ty bảo hiểm chỉ có thể áp dụng gói bảo hiểm như nhau cho hầu hết mọi người. Nhưng khi chuyển đổi số, các công ty bảo hiểm trên thé giới đang áp dụng AI để đưa ra mức giá phù hợp dựa vào hành vi của người để bán giá bảo hiểm phù hợp. Dựa vào việc phân tích dữ liệu của người dùng, các công ty này sẽ bán gói bảo hiểm giá thấp hơn cho người có rủi ro thấp. Trong khi người có rủi ro cao hơn bán cao hơn. Từ đó, tạo ra hoạt động kinh doanh tốt hơn và bán được nhiều sản phẩm hơn.
Một thách thức khác dành cho thị trường ở Việt Nam mà theo Tiến sĩ, cũng giống như một số thị trường mới nổi khác, doanh nghiệp cần thực sự phải hiểu các khó khăn trong việc triển khai công nghệ mới và khó khăn nữa nằm ở việc thay đổi tư duy con người phù hợp với sự thay đổi, tốc độ thay đổi chuyển đổi số ngày càng mạnh mẽ. Do đó, phải có tầm nhìn xa, đi trước so với người khác, phát hiện ra vấn đề, nhu cầu, định hình xu hướng mới trên thị trường.
Tiến sĩ đưa lời khuyên, đối với các doanh nghiệp lớn, họ nên lựa chọn một vài các dự án, có thể là nhỏ, dễ làm để thực hiện trước bởi các trải nghiệm bao giờ cũng tốn kém công sức và nếu có thiệt hại thì nó sẽ nhẹ nhàng hơn. Từ đó họ có trải nghiệm thực tế trong việc vận hành công nghệ như thế nào cũng như tạo ra niềm tin cho đơn vị quản lý trong công ty và có thể triển khai các hoạt động chuyển đổi lớn hơn.
Tác giả: Gia Hưng
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn