Vừa đi vừa sử dụng smartphone
Liệu bạn có đang gặp một trường hợp gấp gáp đến nỗi phải vừa đi, vừa chúi mắt vào màn hình smartphone để nhắn tin hay xem tin tức? Điều này không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân người đó mà còn có thể gây nguy hiểm cho những người khác khi họ quá tập trung vào việc nhắn tin có thể gây ra tai nạn hoặc va chạm với những người khác đi trên đường.
Không ít vụ tai nạn đã xảy ra chỉ bởi người dùng quá chú ý đến màn hình smartphone trong lúc đang bước đi.
Quá chú tâm đến smartphone mà quên đi người ngồi đối diện
Khung cảnh những người bạn, thậm chí những đôi tình nhân, ngồi cùng nhau trong các nhà hàng, nhưng mỗi người lại chỉ tập trung vào chiếc smartphone trên tay của mình mà dường như quên mất người bên cạnh, đã trở nên rất quen thuộc trong cuộc sống ngày nay.
Câu hỏi đặt ra là sẽ thế nào nếu có một người trong số đó bỏ quên hoặc không sở hữu smartphone? Chắc hẳn họ sẽ cảm thấy rất lạc lõng ngay giữa những người quen của mình. Tại sao không tập trung vào cuộc nói chuyện với những người thực sự xung quanh chúng ta, thay vì nói chuyện thông qua các ứng dụng nhắn tin hay mạng xã hội?
Đeo tai phone khi nói chuyện với người khác
Hãy thử tưởng tượng bạn nói chuyện với một người mà người đó luôn đeo phone trên tai, bạn sẽ phải luôn tự hỏi rằng liệu họ có đang nghe mình nói? Đeo tai phone khi nói chuyện với người khác được xem là một hành động bất lịch sự như thể rằng cuộc nói chuyện đó không thực sự quan trọng để họ phải lưu ý đến và lắng nghe.
Do vậy, nếu có thói quen này, bạn nên từ bỏ trước khi trở thành một người bất lịch sự và đáng ghét.
Chia sẻ mọi thứ, cập nhật thông tin liên tục trên mạng xã hội
Trang cá nhân trên mạng xã hội thuộc quyền sở hữu riêng tư của người dùng, nghĩa là họ có thể chia sẻ mọi thông tin trên đó. Tuy nhiên, mạng xã hội không chỉ dành riêng cho bạn, mọi thông tin bạn chia sẻ cũng sẽ xuất hiện trên bảng tin của người khác, nghĩa là chúng cũng ảnh hưởng đến những người khác trên mạng xã hội.
Không ít người có thói quen liên tục cập nhật thông tin trên trang cá nhân của họ, như vừa ăn gì, làm gì, ở đâu... đều được cập nhật và xuất hiện liên tục như thể mọi người đều quan tâm và muốn biết điều đó, tuy nhiên trên thực tế, không ít người cảm thấy phiền toái khi thông tin về một ai đó liên tục xuất hiện trên bảng tin của mình.
Theo một thống kê được thực hiện trên Facebook thì những người chia sẻ quá nhiều và liên tục thông tin trên trang cá nhân của mình dẫn đầu trong danh sách những người bị “ghét” nhất trên mạng xã hội Facebook. Và nếu bạn có thói quen này, có thể bạn sẽ trở thành một người đáng ghét đối với nhiều người.
Chơi game ở nơi công cộng mà không tắt tiếng
Chơi game trên smartphone hay máy tính bảng là điều bình thường, tuy nhiên chơi game trên các thiết bị di động ở những nơi đông người hoặc những nơi đòi hỏi sự yên lặng, với âm thanh luôn được mở lớn thì hẳn đó là một điều bất lịch sử, nhất là khi game luôn được đi kèm với những nhạc nền, âm thanh... không phải lúc nào cũng có thể “lọt tai” người khác.
Chưa kể, không ít người có thói quen vừa chơi game vừa liên tục suýt xoa hoặc thậm chí là “văng tục” thì thật khó để người khác có được cái nhìn thiện cảm với bạn.
Do vậy, để tránh làm phiền người khác, hãy đeo tai nghe hoặc tắt tiếng khi chơi game trên di động ở những chỗ đông người.
Mở loa ngoài và nói chuyện quá to nơi đông người
Chức năng loa ngoài thường được sử dụng khi có một cuộc gọi với nhiều người nghe, tuy nhiên trong trường hợp ngược lại, ở nơi đông người nhưng cuộc gọi chỉ dành riêng cho bạn, việc mở loa ngoài sẽ làm phiền những người chung quanh, chưa kể họ sẽ phải bất đắc dĩ nghe câu chuyện của bạn qua loa ngoài đang được mở.
Bên cạnh đó, nếu nói chuyện điện thoại quá to nơi đông người cũng là hành động làm phiền người khác và được xem là bất lịch sự, trừ trường hợp bạn bị... nặng tai và thường xuyên nói chuyện với âm lượng to nhất có thể.
Nghe tai phone âm lượng lớn ở chỗ đông người và chật chội (thang máy, xe buýt...)
Sử dụng tai phone nghĩa là bạn không muốn làm phiền người khác và muốn tận hưởng chất lượng âm thanh tốt nhất, tuy nhiên đôi khi âm lượng quá lớn khiến cho âm thanh vượt ra ngoài tai phone và phát ra cả bên ngoài.
Hãy thử tưởng tượng đứng ở một không gian chật hẹp và đông người như thang máy hay xe buýt, mà nhiều người sử dụng tai phone với âm lượng lớn thì chắc hẳn những người xung quanh sẽ phải nghe hàng loạt âm thanh hỗn tạp, đặc biệt trong bối cảnh môi trường xe buýt vốn đã rất lộn xộn và ồn ào.
Chia sẻ thông tin mà chưa kiểm chứng
Không quá khi nói rằng mạng xã hội là một “nồi lẩu”, nơi thông tin được chia sẻ hàng giờ, hàng phút, tuy nhiên không phải thông tin nào được chia sẻ lên mạng xã hội đều là thật.
Không ít trường hợp những thông tin giả mạo, bịa đặt... nhưng ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của cá nhân hoặc công việc kinh doanh của doanh nghiệp... được chia sẻ lên mạng xã hội. Tuy nhiên thay vì tìm hiểu hoặc xác định xem những thông tin đó có chính xác hay không, không ít người trong chúng ta đã lập tức chia sẻ lại những thông tin thất thiệt này, càng làm tăng thêm mức độ ảnh hưởng đến những cá nhân, doanh nghiệp trong câu chuyện đó.
Vì vậy, hãy chọn lọc thông tin trên mạng xã hội và hãy có trách nhiệm trước khi chia sẻ một câu chuyện nào đó để không góp phần làm phát tán những nội dung giả mạo trên mạng xã hội.
Tác giả: Phạm Thế Quang Huy
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn