Theo các tờ báo tại Washington đưa tin, Tổng thống Mỹ Donald Trump thường dành buổi đêm một mình ở Nhà Trắng để nghiên cứu tài liệu, đồng thời xem thời sự trên TV. Ông thức dậy mỗi sáng, sắp xếp công việc trong ngày, lên Twitter đăng tải các dòng thông báo, dành thời gian để gặp mặt các nhà lãnh đạo.
Bấy nhiêu công việc trông thì có vẻ đơn giản, nhưng trên thực tế để gánh vác cả một quốc gia trên vai là điều không hề dễ dàng. Đừng quên rằng các chính trị gia, các nhà tài phiệt dù có tài giỏi tới đâu, vẫn là con người và có thể dễ dàng bị chi phối bởi cảm xúc.
Năm 1998, Tổng thống Mỹ thời bấy giờ là Bill Clinton cũng từng dính phải vụ bê bối tình ái liên quan đến Monica Lewinsky và "lấp lửng" với truyền thông. Sau đó ông buộc phải thú nhận sau khi có kết quả xét nghiệm ADN, nhưng lại may mắn được trắng án.
Bản thân ông Donald Trump cũng từng có những phát ngôn nặng về cảm tính trong thời gian tranh cử, đôi khi dẫn tới những hiểu nhầm không đáng có.
Như vậy, kết luận sau cùng đó là con người vẫn là một thực thể không hoàn thiện, trong đó tồn tại nhiêu điểm yếu như lòng đố kỵ, tham lam, dục vọng, gia trưởng. Với những con người có tầm ảnh hưởng lớn và cá tính mạnh, thì việc tồn tại những điểm yếu "chết người" có thể gây an nguy tới cả một đất nước, hay rộng lớn hơn là sự phát triển của nhân loại.
Một nhóm các nhà tư tưởng và nhà nghiên cứu tin rằng có một lối thoát dành cho tất cả, đó là khi công nghệ đã lên đủ tầm, họ sẽ đặt một máy tính với trí tuệ nhân tạo "siêu việt" thay cho chức vị Tổng thống. Điều này nghe thì có vẻ nực cười, nhưng trên thực tế hoàn toàn có cơ sở, bởi nên nhớ rằng máy tính thường không mắc những sai lầm không đáng có, và tránh việc tình cảm đè nặng lý trí.
Khác với con người, robot có thể tính toán một lượng lớn dữ liệu, qua đó đưa ra câu trả lời "hoàn hảo", phù hợp với sự phát triển của đất nước mà không làm ảnh hưởng tới toàn cục. Robot cũng có thể lựa chọn ra những con người, những bộ máy đáng tin cậy nhất mà không hề có một rung động hoặc thiên vị dành cho bất cứ ai.
Zoltan Istvan - một nhà nghiên cứu hoạt động với tư cách là một "transhumanist" (tạm dịch là người theo chủ nghĩa "siêu nhân học"), người đang đi tìm kiếm sự bất tử cho loài người bằng cách sử dụng máy tính để thay thế - tin rằng sẽ sớm xuất hiện vị "Tổng thống robot" đầu tiên trên thế giới trong chưa đầy 30 năm nữa.
"Tổng thống sử dụng trí tuệ nhân tạo sẽ không thể bị bất cứ thế lực nào mua chuộc. Nó cũng sẽ không bị ảnh hưởng bởi tiền bạc, lòng tham, hay các ưu đãi dành cho gia đình, cho người thân", Zoltan nói. "Sẽ không và không bao giờ có chủ nghĩa gia đình như xã hội ngày nay. Đấy là thứ mà máy móc sẽ làm tốt hơn con người."
Liệu rằng tới một lúc nào đó, robot sẽ đóng vai trò quyết định cho mọi lĩnh vực của một đất nước?
Trên thực tế, ý tưởng robot lãnh đạo con người đã được đề cập tới nhiều, nhưng chủ yếu xuất hiện trong các bộ phim khoa học viễn tưởng hay các tài liệu liên quan. Nhưng mãi cho tới nay, các nhà khoa học mới thức sự tin tưởng vào chúng do sự tiến bộ vượt bậc và không ngừng của trí tuệ nhân tạo (AI).
Từ thủa sơ khai, ít ai nghĩ rằng con người lại có thể chịu thua trước một phần mềm được lập trình sơ đẳng, như trò chơi cờ vây. Thế nhưng giờ đây, máy tính đã có thể dễ dàng "hạ knock-out" các đại kiện tướng mà không chịu thua một nước cờ nào.
Trí tuệ nhân tạo cũng đang phát triển vượt bậc để ngày một "thông minh" hơn, và xuất hiện nhiều hơn trong cuộc sống con người. Chúng hiện hữu trong mỗi chiếc iPhone, mỗi thiết bị điện tử mà chúng ta sử dụng. Chúng thay thế các nhân viên trong nhà máy, quán ăn bằng năng suất lao động "không biết mệt mỏi", và sẽ sớm tới ngày chúng thay thế bộ não con người trong việc tư duy, tìm ra hướng đi tốt nhất.
Nếu như mọi công việc bao gồm quản lý, phân tích tài chính, định hướng kinh tế đất nước,... đều được cụ thể hóa và nạp cho AI, thì rất có thể các chính trị gia sẽ chỉ cần "ngồi chơi xơi nước" và tận hưởng thành quả của chúng.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng vị trí Tổng thống là vị trí không thể bị thay thế. Lịch sử cũng chứng minh rằng trong thời khắc khó khăn, vai trò của một vị lãnh đạo sẽ không chỉ đơn thuần là đưa ra các quyết định, mà còn là chỗ dựa về tinh thần, mang đến niềm tin cho người dân.
"Tổng thống là một biểu tượng của quốc gia", Lori Cox Han, Giáo sư Khoa học và Chính trị của trường Đại học Chapman cho biết. "Khi đất nước hưng thịnh, hay đối mặt với khủng hoảng, mọi người dân vẫn sẽ hướng ánh mắt về người lãnh đạo của họ."
Tác giả: Nguyễn Nguyễn
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn