Gần đây, mạng xã hội Facebook đã rộ lên trào lưu thách thức 10 năm với hashtag "#10yearschallenge" nhằm xem sự thay đổi của mỗi người là như thế nào. Rất nhiều người dùng đã tham gia trào lưu này, và nó thậm chí được mở rộng sang các lĩnh vực khác như điện ảnh, giải trí, âm nhạc,...
Nhân xu hướng này, cùng nhìn lại 10 năm để thấy sự đổi thay của Apple, cũng như diện mạo của họ "ngày này năm xưa".
iPhone
Chữ "S" lần đầu tiên đc Apple sử dụng trên các mẫu iPhone của mình vào năm 2009, nhằm nhấn mạnh vào sự nâng cấp về cấu hình và các tính năng trên phiên bản trước.
Thời bấy giờ, iPhone 3GS là thế hệ iPhone đầu tiên cho phép quay video bằng camera, đồng thời hỗ trợ định dạng tin nhắn MMS. Nó là chiếc điện thoại nhỏ nhắn, có thể đặt gọn trong lòng bàn tay hoặc đút trong túi quần.
Tới nay, kích thước iPhone phát triển ngày một lớn - đạt tới "đỉnh" là iPhone XS Max với màn hình lên tới 6,5-inch, độ phân giải, độ chi tiết màu sắc, tầm nền,... đều được nâng cấp so với các thế hệ trước đó. Chưa kể viền màn hình được thu lại còn rất hẹp trên dòng sản phẩm này. Các tính năng của iPhone XS Max cũng rất đa dạng, từ quay phim, chụp ảnh chất lượng cao, nhận dạng khuôn mặt FaceID, cho tới cấu hình vượt trội.
Điểm trừ của iPhone XS Max so với iPhone 3GS có lẽ chỉ đến từ việc nó khó lòng nhét vừa túi quần và gây cảm giác vướng víu mỗi khi di chuyển.
iPad
Năm 2009, iPad chỉ tồn tại dưới dạng ý tưởng, cho tới khi nó lần đầu tiên được Steve Jobs giới thiệu vào tháng 1/2010. Mặc dù có thiết kế khá cồng kềnh, nặng đến 700g, viền màn hình dày, độ phân giải thấp (132 điểm ảnh mỗi inch), không có camera, nó không thể chụp ảnh, hay chat video,... song iPad khi đó vẫn là thiết bị có tính cách mạng, biểu tượng ở phân khúc tablet.
Sau gần 10 năm thống trị, iPad cho đến thời điểm hiện nay không chỉ duy trì là tablet tốt nhất trên thị trường, góp mặt tại hầu hết các gia đình như một thiết bị giải trí đa năng, mà còn hỗ trợ hiệu quả cho nhiều công việc đặc thù, từ lập trình viên, thiết kế, các công việc viết lách,...
Về mặt thiết kế, iPad ngày càng có kích thước lớn hơn, viền mỏng, cấu hình được nâng cấp, pin duy trì lâu hơn.
MacBook
Năm 2009 đánh dấu giai đoạn "cực thịnh" của MacBook cùng các dòng Mac nói chung. Mặc dù chạy đua cấu hình phần cứng chưa bao giờ là điểm mạnh của Apple; song lợi thế cạnh tranh của hãng chủ yếu đến từ sự khác biệt hóa sản phẩm.
Macbook cũng không phải là một ngoại lệ, và các phiên bản 2008, 2009 với thiết kế nhôm nguyên khối đã mang đến sự khác biệt đó. Nói về thế hệ Macbook Pro lần đầu tiên được ra mắt năm 2008, Steve Jobs từng nhận định: "Mẫu máy này đẹp cả ở bên trong lẫn bên ngoài, một phần nhờ vào thiết kế vỏ nguyên khối, một phần nhờ vào sự chắc chắn của cấu trúc máy."
Từ đó tới nay, các mẫu MacBook không có quá nhiều sự thay đổi ngoài việc ngày một trở nên mỏng hơn, nhẹ hơn, trackpad lớn hơn,... Ngay cả các phím bấm trên cả MacBook Air lẫn MacBook Pro đều đã được chuyển sang dạng Butterfly, với độ mỏng ấn tượng, tạo cảm giác như khi chúng ta gõ trên một mặt phẳng.
CEO
10 năm trước, khi Apple bắt đầu cho kỷ nguyên "vàng" của mình, thì người ngồi trên chiếc ghế "thuyền trưởng" của họ vẫn là CEO Steve Jobs.
"Think Different", dám nghĩ khác và làm khác, Steve Jobs là người đại diện cho tư duy và cách suy nghĩ luôn làm mọi người cảm thấy bị bất ngờ và cảm thấy lạ lẫm, nhưng chính điều này đã mang đến sự thành công cho "triều đại" của Apple ngày hôm nay.
Ông từng nổi tiếng với những quyết định táo báo như bắt tay với đối thủ, thay đổi tầm nhìn và kế hoạch kinh doanh ban đầu, và thậm chí mang "sex" vào trong sản phẩm của mình để tạo kiểu dáng đẹp mắt và lôi cuốn.
So với Jobs, CEO Tim Cook có vẻ người hướng đến lợi nhuận nhiều hơn là những sản phẩm đột phá, mang tính cách mạng. Dưới thời Tim Cook, đã có không ít lần sản phẩm của Apple bị chê là có thiết kế dở, kém sáng tạo, và có tính thẩm mỹ thấp. Tuy nhiên, ông chưa từng khiến các nhà đầu tư cảm thấy thất vọng về doanh thu mà Apple đạt được.
Ngay cả khi thị trường di động bão hòa, Cook cũng cho thấy được sự tháo vát của mình khi chuyển sang kiếm lời tại các mảng dịch vụ như iCloud, Apple Music,...
Bộ não thiên tài của Steve Jobs là yếu tố không thể thiếu trong việc định hình một Apple duy nhất. Tuy nhiên để Apple cạnh tranh và xếp trên mọi đối thủ, thì tầm quan trọng trong tư duy "thực dụng" của Tim Cook mới là yếu tố sống còn.
Nguyễn Nguyễn
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn