Nhiều tài khoản bị đánh cắp
Trong tuần qua, liên tục nhận được nhiều phản ánh của người dùng về việc bị đánh cắp tài khoản Facebook dù không đăng nhập trên bất cứ thiết bị nào khác ngoài chiếc điện thoại đang sử dụng.
Tài khoản có tên T.T.K cho biết, hôm qua tài khoản Facebook cá nhân của anh bỗng dưng đăng xuất và không thể truy cập được. Dù làm bằng mọi cách nhưng vẫn không thể lấy lại được tài khoản.
Anh T.T.K cho biết, anh không đăng nhập trên bất cứ thiết bị khác và chỉ sử dụng từ trước đến nay ở chiếc điện thoại của anh.
Chị L.T, ngụ quận 12, TPHCM cũng cho biết, tài khoản của chị mấy ngày nay cũng bị ai đó đăng nhập vào một thiết bị khác. Rất may vì hay sử dụng di động bên mình nên nhận được cảnh báo từ phía Facebook, chị đã vào đăng xuất các thiết bị, đổi mật khẩu kịp thời để bảo vệ tài khoản.
Tuy vậy, nhiều người khác bị tấn công không kịp “trở tay” và mất đi tài khoản với những thông tin nhạy cảm, hình ảnh riêng tư. Thậm chí nhiều đối tượng đánh cắp tài khoản và quay trở ngược lại đi lừa đảo bạn bè trong danh sách bạn bè mượn tiền, nạp card hộ.
Khi được hỏi, nhiều tài khoản cho biết, hầu như đều đặt mật khẩu cực đơn giản, có người đặt mật khẩu dạng 12345 và tên tài khoản, thậm chí có người còn đặt mật khẩu tên của vợ mình. Đây thực sự là một điều đáng báo động bởi việc đặt mật khẩu quá đơn giản, khiến việc bị tấn công dễ dàng.
Mật khẩu phải đủ mạnh
Theo ông Ngô Trần Vũ, giám đốc điều hành NTS Security, đơn vị phân phối Kaspersky tại Việt Nam nhận định, việc đặt mật khẩu quá đơn giản sẽ khiến người dùng dễ bị tấn công đánh cắp tài khoản. Đồng thời, việc đăng nhập các tài khoản vào những ứng dụng không rõ nguồn gốc luôn tiềm tàng những nguy cơ về bảo mật rất cao.
Vì vậy, người dùng nên đặt mật khẩu Facebook và email an toàn thì người dùng nên chọn có đầy đủ chữ thường, chữ hoa, số, ký tự đặt biệt với số lượng ít nhất 8 ký tự. Thông thường hacker sẽ đoán một số thông tin trên mật khẩu người dùng như tên, tên vợ con, ngày tháng năm sinh. Vì vậy mật khẩu tốt nhất là không có bất kỳ thông tin nào của cá nhân.
Người dùng có thể gõ ngẫu nhiên mật khẩu và lưu lại để sử dụng. Một số hãng bảo mật có sản phẩm password manager giúp cho người dùng quản ký mật khẩu gốc và tự tạo ra mật khẩu từng mục đích khác nhau.
Ngoài ra, các thành viên trên các cộng đồng an ninh mạng Việt Nam khuyến cáo, người dùng không sử dụng chung mật khẩu cho các tài khoản. Đồng thời, báo cho người thân bạn bè khi tài khoản bị tấn công.
Đối với việc bị tấn công, lộ tài khoản ngân hàng, người dùng cũng chú ý không đăng nhập tài khoản ngân hàng vào các trang web lạ. Không nhập OTP linh tinh, không gửi OTP cho người khác. Đổi mật khẩu tài khoản, báo cho ngân hàng sớm nhất có thể khi có những hành vi không an toàn.
Gia Hưng
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn