Hãng tin Reuters, dẫn lời các nguồn tin thân cận cho biết nhiều hãng công nghệ Mỹ đang tìm cách “vận động hành lang” để chính phủ Mỹ xem xét lại lệnh cấm đối với Huawei.
Nguồn tin cho biết các giám đốc cao cấp của ba hãng sản xuất chip của Mỹ là Intel, Qualcomm và Xilinx đã có cuộc họp với Bộ Thương mại Mỹ để thảo luận về việc đưa Huawei ra khỏi “danh sách đen” của chính phủ Mỹ.
Các hãng sản xuất chip này cho rằng việc đưa Huawei vào “danh sách đen”, cấm các công ty của Mỹ thực hiện giao dịch và buôn bán với Huawei khi chưa có sự cho phép của chính phủ Mỹ sẽ gây thiệt hại lớn cho các công ty tại Mỹ.
“Điều này không phải là giúp đỡ Huawei, mà là để ngăn chặn các tác hại của lệnh cấm đối với các công ty của Mỹ”, đại diện một trong 3 hãng sản xuất chip giải thích cho việc muốn chính phủ Mỹ cân nhắc lại lệnh cấm Huawei.
Rõ ràng việc cấm công ty Mỹ giao dịch với Huawei gây thiệt hại lớn về tài chính cho các công ty tại Mỹ, khi mà trong năm 2018, Huawei đã chi ra đến 70 tỷ USD để mua các thành phần, linh kiện từ các đối tác của mình, trong đó 11 tỷ USD được chi cho các công ty sản xuất chip của Mỹ như Intel, Qualcomm, Micro Technology...
Trước đó, Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn (SIA), một nhóm thương mại, cho biết đã thay mặt các công ty trong ngành công nghiệp bán dẫn để sắp xếp các cuộc họp với chính phủ Mỹ nhằm thảo luận lại phạm vi lệnh cấm với Huawei.
“Với những công nghệ không liên quan đến an ninh quốc gia, chúng tôi cho rằng chúng không nên nằm trong phạm vi của lệnh cấm đặt hàng và chúng tôi sẽ truyền đạt quan điểm này đến với chính phủ”, Keith Goodrich, Phó chủ tịch chính sách toàn cầu của SIA cho biết.
Google, hãng công nghệ đang bán cả phần cứng, phần mềm và dịch vụ kỹ thuật cho Huawei, cũng đã có những động thái để vận động chính phủ Mỹ cho phép công ty tiếp tục cung cấp các dịch vụ cho Huawei, dù vậy Google vẫn khẳng định hãng luôn tuân thủ theo yêu cầu của chính phủ Mỹ để đảm bảo rằng không vi phạm lệnh cấm.
Trước việc nhiều hãng công nghệ Mỹ đang muốn tiếp tục làm ăn với Huawei, Phó chủ tịch phụ trách các vấn đề công cộng của Huawei Andrew Williamson khẳng định Huawei đã không yêu cầu bất kỳ công ty của Mỹ nào “vận động hành lang” để hủy bỏ lệnh cấm với Huawei.
“Các công ty Mỹ đang thực hiện điều này vì những mong muốn của riêng họ, bởi lẽ Huawei là một trong những khách hàng lớn của các công ty này và cắt đứt quan hệ hợp tác với Huawei có thể gây nên nhiều thiệt hại cho các công ty”, Andrew Williamson cho biết.
Nhiều chuyên gia phân tích thị trường cho biết các hãng công nghệ Mỹ đang ở tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, khi không muốn bị chính phủ Mỹ coi là trợ giúp cho Huawei, một công ty đang bị áp đặt lệnh trừng phạt vì các cáo buộc gián điệp và thu thập thông tin trái phép nhưng cũng không muốn mất đi một khách hàng giàu có.
Một đại diện của Bộ Thương mại Mỹ cho biết cơ quan này vẫn thường xuyên trả lời các câu hỏi của các công ty về vi phạm lệnh cấm với Huawei và cho biết những cuộc họp hay gặp mặt đại diện của các công ty không làm ảnh hưởng đến lệnh cấm hiện tại của chính phủ Mỹ với Huawei.
Microsoft bất ngờ bán trở lại laptop của Huawei trên gian hàng trực tuyến của mình
Cuối tháng 5 vừa qua, Microsoft đã bất ngờ loại khỏi gian hàng trực tuyến Microsoft Store Online sản phẩm MateBook X Pro, một trong những laptop chạy Windows cao cấp nhất của Huawei tại thị trường Mỹ, mà không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào.
Sau gần một tháng, giờ đây chiếc laptop của Huawei đã bất ngờ được quay trở lại gian hàng trực tuyến của Microsoft và tiếp tục được bán ra cho người dùng. Ngoài MateBook X Pro, một số mẫu laptop mang thương hiệu MateBook khác của Huawei như MateBook 13, MateBook... cũng được bán xuất hiện trở lại trên Microsoft Store Online.
“Chúng tôi đã đánh giá và xem xét nhiều vấn đề phức tạp về kinh doanh, kỹ thuật và quy định bắt nguồn từ việc bổ sung Huawei vào “danh sách đen” của Bộ Thương mại Mỹ, kết quả là chúng tôi đã nối lại việc bán hàng tồn kho các thiết bị của Huawei trên gian hàng trực tuyến của mình”, một đại diện của Microsoft giải thích về sự xuất hiện trở lại của các mẫu laptop Huawei.
Tuy nhiên có vẻ như Microsoft chỉ đang “bán hàng tồn kho”, nghĩa là bán ra những sản phẩm mà hãng đã nhập về từ Huawei và nhiều khả năng sau khi lượng hàng tồn kho này được bán hết, Microsoft sẽ không tiếp tục bán ra các mẫu laptop của Huawei trên gian hàng trực tuyến của mình.
Trước đó Huawei cho biết đã phải tạm hoãn phát triển và bán ra các mẫu laptop mới của hãng trong thời gian tới vì Microsoft và Intel ngưng hợp tác với Huawei, khiến hãng không tìm được giải pháp thay thế cho hệ điều hành Windows và chip Intel được sử dụng trên các mẫu laptop của hãng.
T.Thủy
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn