Tất cả chúng ta, ai cũng biết rằng sử dụng smartphone quá nhiều là không tốt cho sức khỏe. Nó có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, gây giảm thị lực mắt, khiến bạn mệt mỏi. Thế nhưng các nhà khoa học mới đây đã có một phát hiện gây "sốc" rằng nó cũng có thể thay đổi cấu trúc hình dạng hộp sọ của chúng ta.
Như chúng ta đã biết, cơ thể con người vốn tồn tại cơ chế để tự thích nghi với điều kiện xung quanh. Theo cơ sở này, một tấm hình X-quang được giới thiệu bởi các nhà nghiên cứu tại Úc đã cho thấy nếu chúng ta liên tục sử dụng điện thoại, nghĩ về điện thoại của mình, hộp sọ có thể sẽ phát triển một phần xương cụt ở sau gáy, trông giống như một "cái đuôi".
Hiện tượng này có tên khoa học là lồi cầu chẩm ngoài (EOP), ghi nhận sự tăng trưởng của một phần xương lồi nằm ở đáy hộp sọ, đặc biệt là đối với những người trẻ tuổi.
Đây vốn được coi là một hiện tượng hiếm, khi chúng chủ yếu được phát hiện lần đầu tiên vào những năm 1800, nhưng giờ đây đã phát triển phổ biến hơn. Mức độ nhô của "đuôi" có thể được cảm nhận khi chúng ta sờ tay ra sau gáy, và thậm chí bắt gặp cả với những người bị hói.
Tiến sĩ David Shahar tại Đại học ở Queensland, Australia, cho biết: "Là một bác sĩ lâm sàng trong 20 năm qua, tôi ngày càng phát hiện ra nhiều bệnh nhân có sự phát triển bất thường trên hộp sọ trong khoảng một vài năm trở lại đây".
Theo các nhà nghiên cứu, "cái đuôi" sinh ra bởi cách chúng ta nhìn xuống điện thoại và màn hình máy tính xách tay mỗi ngày. "Sự thay đổi cấu trúc não bộ có thể hình thành do sự căng thẳng, ức chế, khiến một vài bộ phận của cơ thể mà chúng ta thường sử dụng đã phát sinh thêm", tiến sĩ Shahar cho biết sau khi chụp X-quang hơn 1.000 hộp sọ của những người trong độ tuổi từ 18 đến 86.
Cũng theo nghiên cứu, hiện tượng này bắt gặp phổ biến nhất ở những người từ 18 đến 30 tuổi. Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng xuất hiện cả ở những trường hợp nhỏ tuổi hơn, khi cấu trúc xương còn chưa được định hình rõ ràng, nếu như thường xuyên có những tư thế ngồi sai.
Tiến sĩ Shahar cho biết mặc dù các khối xương có thể sẽ không gây ra bất kỳ tác động gây hại nào, nhưng chúng có thể không bao giờ biến mất. Vì vậy bạn có thể bị mắc kẹt với chúng "mãi mãi".
Nguyễn Nguyễn
Theo Ladbible
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn