Theo Cổng thông tin quận 2, TPHCM, Công an quận 2 đang tiếp nhận một số vụ việc của người dân trình báo về việc bị nhiều đối tượng giả mạo công an đe dọa nhằm chiếm đoạt tài sản.
Điển hình là vụ việc của bà bà N.T.T.M, ngụ phường T.M.L, Quận 2. Khoảng 9 giờ ngày 13/7/2018, bà N.T.T.M đang ở nhà thì nhận được điện thoại gọi vào số điện thoại bàn báo có bưu kiện chưa lãnh và đề nghị bấm số theo chỉ dẫn để nhận được thông báo. Theo hướng dẫn trên điện thoại, bà N.T.T.M được thông báo có 01 thẻ tín dụng của Ngân hàng VCB Hà Nội ghi nợ 36.866.000 đồng và đề nghị liên hệ công an TP.Hà Nội để được giải quyết, nếu sau 02 tiếng đồng hồ không liên hệ sẽ bị khóa tài khoản. Sau đó, điện thoại viên chuyển máy cho bà N.T.T.M gặp một người đàn ông tự xưng là trung úy Trần Quốc Hùng công tác ở Phòng PC45 và nói bà N.T.T.M gọi điện thoại vào số 1080 để chuyển máy vào số 0692196XXX của Công an TP.Hà Nội nhưng không được và trả lời là số nội bộ. Tiếp sau đó, Hùng nói bà N.T.T.M gọi vào số điện thoại 1068 để chuyển máy vào số 0692196XXX và Hùng nói đang nghi ngờ bà N.T.T.M để lộ thông tin cá nhân bị lợi dụng có liên quan đến đường dây rửa tiền của người tên Nguyễn Thành Phúc và bà N.T.T.M có bán tài khoản cho Phúc tại Ngân hàng Nam Á để nhận 10% của số tiền rửa 20.168.000.000 đồng, Công an TP. Hà Nội có lệnh bắt bà N.T.T.M và phong tỏa tài khoản.
Đối tượng Hùng yêu cầu bà N.T.T.M liên hệ với cấp trên của Hùng là đại tá Tài để được xin cứu xét. Bà N.T.T.M gọi điện thì được người đàn ông tự xưng là Tài yêu cầu bà N.T.T.M mở tài khoản 02 tỷ đồng (tương đương 10% của số tiền phi pháp) tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn giao cho Tài để khi điều tra nếu không liên quan sẽ giao trả lại. Sau đó bà N.T.T.M đến Ngân hàng TMCP Sài Gòn để mở tài khoản theo chỉ dẫn của Tài và chuyển 1,9 tỷ đồng từ tài khoản khác cũng của bà N.T.T.M mở tại Ngân hàng Bảo Việt và đăng ký dịch vu Mobile Banking rồi ghi theo hướng dẫn là nhập mã pin theo số điện thoại do Tài cung cấp, sau đó chuyển mật khẩu mã pin cho Tài. Đến khoảng 16 giờ 45 phút cùng ngày, bà N.T.T.M thấy nghi ngờ nên đến Ngân hàng TMCP Sài Gòn để kiểm tra tài khoản thì phát hiện tài khoản đã bị thực hiện giao dịch chuyển tiền 06 lần qua dịch vụ Mobile banking với tổng số tiền 505.665.901 đồng nên bà N.T.T.M đã yêu cầu Ngân hàng khóa tài khoản, sau đó đối tượng liên tục gọi điện thoại hăm dọa yêu cầu bà N.T.T.M mở lại tài khoản nhưng bà N.T.T.M không mở lại. Đến 08 giờ sáng hôm sau ngày 14/7/2018 bà N.T.T.M mới đến Công an trình báo sự việc.
Theo Công an quận 2, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng công nghệ cao (thông qua điện thoại mạo danh một số cán bộ, cơ quan nhà nước) sau một thời gian tạm lắng xuống gần đây có dấu hiệu phức tạp trở lại. Hiện nay, các đối tượng lừa đảo đang dùng thủ đoạn sử dụng các số điện thoại bàn hoặc di động để gọi vào điện thoại bàn của bị hại để thông báo nợ cước điện thoại hoặc thông báo bị hại đang có bưu phẩm tại một ngân hàng nào đó và yêu cầu phải đóng phí gửi bưu phẩm nếu không sẽ bị trừ tiền tại bất cứ tài khoản ngân hàng nào của bị hại. Khi bị hại phản ứng bọn chúng sẽ chuyển máy kết nối cho bị hại đến các đối tượng xưng danh là điều tra viên, cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án… để hù dọa nạn nhân có liên quan đến vụ án ma túy, buôn lậu, rửa tiền… để uy hiếp tinh thần nạn nhân.
Nạn nhân mà các đối tượng lừa đảo thường nhắm đến là những người lớn tuổi, về hưu hoặc phụ nữ. Trong quá trình uy hiếp tinh thần nạn nhân, các đối tượng lừa đảo yêu cầu bị hại ra một ngân hàng khác để mở một tài khoản đứng tên của chính người bị hại, đồng thời đăng ký dịch vụ Internet Banking cho tài khoản mà mình đã mở bằng số điện thoại do các đối tượng lừa đảo cung cấp. Sau đó, đối tượng lừa đảo yêu cầu bị hại nộp hoặc chuyển tiền vào tài khoản mới mở với lý do cần kiểm tra, xác minh xem số tiền này có liên quan đến đường dây tội phạm hay không và giám sát tài khoản này của bị hại, từ đó yêu cầu bị hại cung cấp toàn bộ tên đăng nhập (username) và mã kích hoạt (mã OTP của tài khoản Internet Banking được ngân hàng nhắn tự động vào số điện thoại dùng để đăng ký dịch vụ Internet Banking). Các đối tượng sẽ sử dụng thông tin này để đăng nhập chuyển tiền sang tài khoản khác bằng Internet Banking. Với thủ đoạn như trên, các đối tượng làm cho nạn nhân nghĩ rằng tiền vẫn còn trong tài khoản đứng tên mình nên không mất từ đó dẫn đến chủ quan, mất cảnh giác. Ngoài ra, đối với các nhân viên của các ngân hàng khi khách hàng đến giao dịch vào tài khoản của chính khách hàng nên nghĩ rằng không phát sinh vấn đề lừa đảo gì, từ đó không biết để cảnh báo cho khách hàng về nguy cơ bị lừa đảo. Hiện nay, các đối tượng lừa đảo thường mở tài khoản và rút tiền tại khu vực các tỉnh biên giới để có thể nhanh chóng tẩu thoát sang kia biên giới khi bị phát hiện.
Ngoài ra, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các trang mạng xã hội cũng tiếp tục có chiều hướng gia tăng. Bọn chúng thông qua các xã hội như Facebook, Zalo, Viber, Wechat… giả danh người nước ngoài để nhắn tin làm quen, giao lưu, kết bạn, đặt vấn đề tình cảm nam nữ, sau đó vờ chuyển tiền, quà có giá trị lớn về Việt Nam rồi liên lạc qua email, điện thoại để đánh vào lòng tham, dẫn dụ người bị hại thực hiện việc thanh toán cước phí vận chuyển, tiền thuế, phí hải quan vào các tài khoản do chúng tạo ra, sau đó chiếm đoạt. Hầu hết các vụ lừa đảo với phương thức, thủ đoạn này đều do các đối tượng người gốc Phi cầm đầu và có sự móc nối, tham gia với các đối tượng người Việt Nam để đóng giả nhân viên giao nhận, nhân viên Hải quan và thuê các đối tượng người Việt Nam đứng tên mở tài khoản ngân hàng.
Từ thực tế trên, Công an quận 2, TPHCM khuyến cáo người dân cần phải tự trang bị cho mình một số kiến thức nhất định về luật pháp cũng như hiểu rõ các phương thức thủ đoạn mà các đối tượng lừa đảo thường hay sử dụng để có sự phòng ngừa tránh bị lợi dụng, lừa đảo tài sản của mình.
Tác giả: Gia Linh
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn