Thuật ngữ Sandbox gần đây đang được nhắc tới nhiều như là “lời giải” cho cuộc cách mạng 4.0 và các bài toán pháp lý đặt ra khi cần quản lý các DN xuyên biên giới, xuyên lãnh thổ, như Google, Facebook, YouTube, Grab, AirBnb…
Thực tế ai cũng có thể nhìn thấy rõ khi các DN xuyên biên giới đang phát triển với tốc độ “vũ bão”, trong khi đó, chính sách và pháp luật chưa theo kịp để quản lý và đưa các hoạt động kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam đi vào quy củ, tránh tạo ra những kẽ hở và khoảng trống cho kẻ xấu cố tình khai thác, dẫn tới phá vỡ quy hoạch kinh tế, thất thu thuế hay nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng tới tình hình an ninh chính trị.
Theo tài liệu của Liên Hợp Quốc, regulatory sandbox mới chính là thuật ngữ đầy đủ, là khung thể chế thí điểm cho phép một số ít doanh nghiệp hoạt động thử nghiệm dưới sự giám sát của các nhà quản lý. Các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới có thể chạy thử theo một bộ nguyên tắc cụ thể, tuân thủ những yêu cầu giám sát cụ thể và có các phương án dự phòng rủi ro phù hợp.
Tuy nhiên, Liên Hợp Quốc cũng cho rằng, do cách tiếp cận thí điểm này cũng rất mới, nên tác dụng và hiệu quả của nó cũng chưa được chứng thực, phụ thuộc nhiều vào môi trường pháp lý và khung thể chế của từng quốc gia. Do đó, Liên Hợp Quốc khuyến nghị các Chính phủ cần cân nhắc thận trọng khi lựa chọn các công nghệ, dịch vụ cho phép Sandbox. Ngoài việc dự đoán trước tiềm năng thành công của dịch vụ đó, các nhà quản lý còn cần xác định rõ mục tiêu cần đạt được và những thách thức sẽ phát sinh trong quá trình thí điểm. Điều quan trọng là các chính phủ cũng phải dành nguồn lực đáng kể cho việc giám sát các doanh nghiệp triển khai thí điểm để đảm bảo không có tình trạng xé rào.
Chia sẻ tại Hội thảo Cách mạng công nghiệp 4.0 và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam, diễn ra ở Hà Nội ngày 24/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh về một điều quan trọng khác là phải tư duy làm chính sách, pháp luật trong CMCN 4.0. Xử lý các vấn đề mới cần những giải pháp vượt ra ngoài tư duy truyền thống. Muốn thúc đẩy đổi mới sáng tạo thì bản thân chính sách, cơ chế cũng phải sáng tạo. Cần ủng hộ về nguyên tắc việc triển khai các mô hình kinh doanh mới nhưng đồng thời phải kịp thời nâng cao năng lực quản lý, theo kịp với những biến chuyển rất nhanh của tình hình.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Tôi đề nghị các Bộ, Ngành cần khẩn trương rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để đánh giá rõ hơn tính tương thích với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và kịp thời có đề xuất hướng tiếp tục bổ sung, hoàn thiện. Trước mắt nên tập trung rà soát, đề xuất khung pháp lý thử nghiệm, và các Nghị định thí điểm của Chính phủ đối với từng ứng dụng cụ thể, vừa tạo điều kiện cho hoạt động đổi mới sáng tạo được diễn ra thuận lợi, nhưng vừa bảo đảm lợi ích chung của cộng đồng và các yêu cầu về quản lý nhà nước nhất là yêu cầu đảm bảo an ninh chính trị, an ninh tài chính và ổn định kinh tế vĩ mô”.
Tham luận tại hội thảo về mô hình kinh tế mới, kinh tế chia sẻ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Trí Dũng đề nghị các bộ, ngành cần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa mô hình kinh doanh mới và kinh tế truyền thống. Đặc biệt, cần sửa đổi, hoàn thiện và bổ sung các quy định về trách nhiệm của các bên trong mô hình kinh doanh mới, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước đối với hoạt động của mô hình này.
Nói về môi trường thử nghiệm Sandbox, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Tienphong, cho rằng Sandbox có ảnh hưởng phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro phá vỡ quy định hiện hành của Nhà nước. Do đó, để đảm bảo yêu cầu quản lý Nhà nước về Sandbox, cơ quan quản lý cần giới hạn phạm vi và thời gian triển khai công nghệ trong Sandbox; áp dụng biện pháp nhằm hạn chế phạm vi ảnh hưởng của ứng dụng công nghệ trong trường hợp xảy ra lỗi; đảm bảo sự an toàn, ổn định của hệ thống tài chính quốc gia. Đặc biệt, theo ông Hưng, để đảm bảo an toàn an ninh tiền tệ, tài chính, cơ quan quản lý cần đề ra các tiêu chí lựa chọn các tổ chức tín dụng, công ty tài chính và ứng dụng công nghệ được phép tham gia Sandbox; đảm bảo tính rõ ràng, minh bạch và công bằng trong quy trình tuyển chọn.
Tiến sĩ Chu Thị Hoa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý - Bộ Tư pháp, cho rằng với kinh nghiệm và trình độ quản lý hiện nay ở Việt Nam, cơ chế thử nghiệm áp dụng trong phạm vi hạn chế Sandbox cũng có thể là một gợi ý đang tham khảo.
Tuy nhiên, theo bà Hoa, việc áp dụng cơ chế này cho lĩnh vực nào, trong điều kiện nào thì chỉ có được câu trả lời chính xác khi phân tích từng tình huống chính sách cụ thể. Nếu hàng loạt câu hỏi về việc khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, đầu tư, kinh doanh, quản lý tiền mã hoá/tiền ảo... vẫn còn bỏ ngỏ ở Việt Nam như hiện nay thì đây chính là mảnh đất màu mỡ để rủi ro len lỏi khắp ngõ ngách trong cuộc sống. Khoảng trống của luật pháp đã tạo ra “đất” cho một số loại tội phạm thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Do đó, trong khi chờ các văn bản chính thức được ban hành mới hoặc sửa ở tầm Luật thì Việt Nam có thể xem xét xây dựng khung pháp lý cho cơ chế sandbox, tập trung quy định rõ “không gian và thời gian” Sandbox, cùng với các biện pháp bảo vệ thích hợp vì thử nghiệm thất bại hoàn toàn có thể xảy ra.
“Chỉ nên áp dụng Sandbox cho từng lĩnh vực và trong điều kiện nhất định, sau khi phân tích kỹ từng tình huống chính sách cụ thể, chẳng hạn như trong lĩnh vực tài chính có thể tiềm ẩn nhiều thách thức cho sự ổn định của hệ thống tài chính quốc gia”, bà Hoa nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đều có chung quan điểm cho rằng Việt Nam cần có chính sách, luật cho đầu tư mạo hiểm, thử nghiệm Sandbox và cần hoạt động công khai, minh bạch, hiệu quả. Không nên cực đoan theo kiểu thả nổi tự do hoặc cấm triệt để mà chỉ nên cho phép hoạt động trong cơ chế “hạn chế có giám sát”.
Chuyên gia Lê Huy Hoà cũng cho rằng, cần quy định rõ không gian và thời gian thí điểm Sandbox, cũng như có một giải pháp công cụ đủ mạnh, hiệu quả để xây dựng và giám sát cơ chế Sandbox. Phải công khai bằng công nghệ danh sách các doanh nghiệp được chọn thí điểm và dịch vụ thí điểm nào có phát sinh doanh thu cũng cần nộp thuế ngay (như ở Singapore là thu thuế luôn 35% doanh thu), đồng thời hệ thống kiểm soát sẽ cảnh báo ngay khi có đột biến. Khi đó, cơ quan quản lý có thể dừng ngay hoạt động Sandbox của doanh nghiệp để tránh hậu quả lan rộng.
Khôi Linh
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn