Hôm qua, ngày 24/6, Văn phòng Chính phủ đã khai trương hệ thống thông tin e-Cabinet phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ. Thông tin cho biết, e-Cabinet được xây dựng theo yêu cầu bảo đảm an toàn thông tin, bảo mật cao, sử dụng các mã hóa của Ban Cơ yếu Chính phủ trong lưu trữ, truyền dữ liệu đảm bảo an toàn hạ tầng mạng, ứng dụng và dữ liệu trên cả hệ thống web, máy tính bảng.
Mục tiêu cụ thể của e-Cabinet được xác định là giảm thời gian các phiên họp Chính phủ, phấn đấu đến hết năm 2019, giảm 30% thời gian họp so với trung bình các năm trước. Đồng thời cũng giảm tối đa việc sử dụng văn bản giấy trong các phiên họp Chính phủ. Dự kiến đến hết năm 2019 sẽ đạt mục tiêu họp Chính phủ không giấy tờ, sử dụng 100% văn bản điện tử trong các phiên họp Chính phủ, trừ văn bản có độ mật.
Ông Võ Anh Tâm, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel (Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội) - đơn vị cung cấp các dịch vụ trọn gói cho hệ thống này, cho biết, e-Cabinet được được sử dụng cho các thành viên Chính phủ nên tính bảo mật rất cao.
Nói rõ hơn, ông Tâm cho biết, hệ thống e-Cabinet được xây dựng đến 3 lớp an ninh, đảm bảo an toàn. Trong đó, lớp đầu tiên phát hiện tất cả mã độc cũng như làm sạch các hệ thống. Lớp thứ 2 có các công cụ để xây dựng và cảnh báo những hiện tượng tấn công từ bên ngoài. Lớp thứ 3 là các công cụ cho phép phát hiện ra các hành vi bất ngờ cũng như phát hiện các mã độc đối với hệ thống.
Đặc biệt, tập đoàn Viettel còn có hệ thống giám sát từ xa 24/24h để phát hiện các hành vi bất thường, tấn công từ xa để cô lập các ảnh hưởng đến hệ thống. Từ đó, ông Tâm khẳng định: "Đến thời điểm hiện nay, có thể khẳng định tất cả hệ thống Viettel đang triển khai đảm bảo toàn bộ yêu cầu về an toàn, bảo mật ở cấp độ quốc gia".
Nói về an ninh cho các thiết bị đầu cuối do Thủ tướng và các thành viên Chính phủ sử dụng khi kết nối vào hệ thống e-Cabinet, ông Tâm cho biết, những thiết vị đều đã được Ban Cơ yếu kiểm soát các mã độc, cũng như kiểm tra tính an ninh, an toàn trước khi sử dụng.
Chia sẻ thêm, ông cũng cho biết khi là doanh nghiệp được Chính phủ tin tưởng lựa chọn để triển khai hệ thống e-Cabinet, áp lực lớn nhất đó là đảm bảo tính an ninh và an toàn. Ông khẳng định tập đoàn Viettel đã chủ động xây dựng hệ thống bảo mật 2 lớp thông qua các hệ thống mật mã của Ban Cơ yếu Chính phủ trong quá trình triển khai.
Ngoài ra, ông Tâm cũng chia sẻ hệ thống được thiết kế tối ưu về hạ tầng, mạng lưới và với hệ thống băng thông 4G như hiện nay, cơ bản đảm bảo được những yêu cầu liên quan đến kết nối. Đến nay, với số lượng người dùng như Văn phòng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, hệ thống e-Cabinet hoàn toàn không bị tắc nghẽn. Viettel luôn luôn có hệ thống dự phòng, có các hệ thống truyền dẫn, hệ thống không dây để đảm bảo hoàn toàn việc kết nối mạng để hệ thống e-Cabinet hoạt động thông suốt, không bị chập chờn.
Như Quỳnh
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn