'Không có chính sách phù hợp, con đường gia công sẽ lặp lại'

Thứ tư - 11/10/2023 22:10

Đại biểu Trần Chí Cường cho rằng ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam đóng vai trò quan trọng, nhưng cần cụ thể hóa bằng chính sách mang tính đột phá.

Tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội trước Quốc hội chiều 31/10, ông Trần Chí Cường, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, nhận định tiềm năng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam rất lớn.

Giữa tháng 9, Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ ngoại giao lên đối tác chiến lược toàn diện, đẩy mạnh hợp tác về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Mỹ ghi nhận tiềm năng của Việt Nam trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn. Theo đại biểu Cường, Việt Nam có nhiều lợi thế khi được Mỹ ủng hộ phát triển hệ sinh thái bán dẫn, là cơ hội nâng cao vị thế Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, ông cho rằng để có thể thực thi, cần cụ thể hóa bằng cơ chế, chính sách mang tính đột phá nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý. Ông đề xuất Chính phủ xây dựng cơ chế cho phép sử dụng ngân sách đầu tư trụ sở, cơ sở giúp doanh nghiệp giàu kinh nghiệm có thể thuê để đào tạo nhân lực bán dẫn, hỗ trợ nguồn lực cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho ngành bán dẫn.

"Nếu không có chính sách phù hợp để phát triển nội lực, tác động lan tỏa sẽ không lớn, mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa không đạt được, con đường công nghiệp gia công, đóng gói sẽ lặp lại", đại biểu Cường lo ngại.

 
Đại biểu Trần Chí Cường phát biểu chiều 31/10. Ảnh: Media Quốc hội

Đại biểu Trần Chí Cường phát biểu chiều 31/10. Ảnh: Media Quốc hội

Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết Chính phủ đã đề ra 12 nhóm giải pháp trong vấn đề này, trong đó chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao cho những ngành, lĩnh vực mới nổi, trong đó tập trung 50.000-100.000 nhân lực cho ngành sản xuất chip.

Trong khi đó, đại biểu Trần Văn Khải, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, cho rằng với việc thiếu 50.000-100.000 nhân lực ngành bán dẫn thể hiện thực trạng "khát" nhân lực chất lượng cao của Việt Nam. Theo ông, dù Chính phủ có thiện chí đầu tư hạ tầng, nhà xưởng sẵn sàng, tình trạng chưa có lao động chất lượng cao, chuyên sâu sẽ khiến các tập đoàn công nghệ lớn khó chọn Việt Nam để đầu tư. Ông kiến nghị Chính phủ phân tích khó khăn, nguyên nhân và đề xuất giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trả lời báo chí trước đó, ông Nguyễn Phú Hùng, Vụ trưởng Khoa học Công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ đã ban hành chiến lược hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực chip bán dẫn và đây là cơ hội tốt cho Việt Nam.

Thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ưu tiên triển khai các chương trình khoa học công nghệ quốc gia liên quan đến lĩnh vực bán dẫn, tạo hệ sinh thái liên kết giữa các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp. Từ 2010, sản phẩm chip bán dẫn đã được đưa vào là một trong các sản phẩm quốc gia.

Bộ Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng chính sách chung về đầu tư hỗ trợ trang thiết bị cho đo lường, kiểm định sản phẩm chip bán dẫn theo tiêu chuẩn. "Những chính sách, giải pháp được kỳ vọng giúp Việt Nam nắm được cơ hội đang có của ngành bán dẫn trong thời gian tới", ông Hùng nói.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây