Tiền sao HH 211 đang phát triển giống như mặt trời bắn ra một cặp tia khí và bụi phát sáng tạo thành sóng xung kích mạnh khi chúng va chạm với khí xung quanh ngôi sao bé. (Ảnh: ESA/Webb, NASA, CSA, T. Ray, Viện nghiên cứu nâng cao Dublin)
Kính thiên văn James Webb (JWST) đã quan sát thấy một ngôi sao nhỏ giống như mặt trời đang phun ra những dòng khí và bụi siêu âm vào không gian, gây ra những sóng xung kích gây kinh ngạc về mặt thị giác mà các nhà nghiên cứu cho rằng “trông giống như những thanh kiếm ánh sáng”.
Ngôi sao mới hình thành, hay tiền sao, thực sự không được nhìn thấy trong bức ảnh JWST mới nhất. Nhưng các nhà khoa học biết rằng, nó nằm ở giữa vùng tối giữa hai dòng sông khí và bụi phát sáng, được gọi là tia lưỡng cực, phát ra từ khối sao đang phát triển, có tên Herbig-Haro 211 (HH 211). Vật thể Herbig-Haro là một vùng tinh vân được chiếu sáng bởi một ngôi sao mới sinh.
HH 211 nằm cách Trái đất khoảng 1.000 năm ánh sáng trong chòm sao Perseus và được phát hiện vào năm 1994. Dựa trên kích thước của các dòng phản lực, tiền sao có thể chỉ có vài nghìn năm tuổi và nặng khoảng 8% so với mặt trời, theo NASA. Tuy nhiên, ngôi sao nhỏ sẽ phát triển tới kích thước tương đương mặt trời trong vài triệu năm tới. Điều này gợi ý rằng, ngôi sao của chúng ta có thể đã từng trông rất giống HH 211.
Tác giả chính của nghiên cứu Tom Ray, nhà vật lý thiên văn tại Viện nghiên cứu nâng cao Dublin, Ireland cho biết: Các chùm vật chất có thể “tỏa sáng với ánh sáng từ nhiều nguyên tử và phân tử khác nhau” và bị kích thích khi chúng va chạm với các đám mây khí xung quanh. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng camera cận hồng ngoại của JWST giúp việc phân biệt giữa các thành phần dễ dàng hơn nhiều.
Các hình ảnh hồng ngoại cho thấy các tia này hầu hết được tạo thành từ các phân tử – hai hoặc nhiều nguyên tử được kết nối bằng liên kết hóa học – bao gồm carbon monoxide, silicon monoxide và hydro phân tử.
Điều này khiến các nhà nghiên cứu ngạc nhiên, họ kỳ vọng rằng, giống như các tia lưỡng cực khác, HH 211 chủ yếu được tạo ra từ các nguyên tử hoặc ion riêng lẻ.
Họ tin rằng, các tia này truyền các phân tử, thay vì nguyên tử và ion, vì vật liệu chảy ra tương đối chậm. Tốc độ nhanh hơn có khả năng phá vỡ các phân tử thành các nguyên tử và ion riêng lẻ. Ray cho biết, hiện tại vẫn là một bí ẩn tại sao các tia phản lực của HH 211 lại chậm hơn các phản lực lưỡng cực khác.
Mức độ chi tiết mà JWST thu được là chưa từng có. NASA lưu ý rằng, bức ảnh mới có độ phân giải cao hơn từ 5 đến 10 lần so với bất kỳ hình ảnh nào khác về HH 211. Đây là một ví dụ khác về cách JWST có thể mở khóa những bí mật về cấu trúc vũ trụ đã được nghiên cứu kỹ lưỡng.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn