Thiết kế tổng thể
Thiết kế có lẽ là điểm nhấn ấn tượng nhất trên chiếc smartphone màn hình gập thế hệ mới của Samsung.
Cảm nhận đầu tiên khi cầm trên tay đó là sản phẩm có thiết kế rất nhỏ gọn, dễ dàng nằm gọn trong lòng bàn tay của người dùng, nhưng khi mở rộng ra sẽ sở hữu màn hình rộng 6,7-inch, với độ phân giải Full HD+ (2636x1080). Kiểu dáng màn hình này phát huy tác dụng khi người dùng xem video trên sản phẩm.
Khác với Galaxy Fold, chiếc smartphone màn hình gập đầu tiên của Samsung, Galaxy Z Flip có thiết kế theo dạng gập theo trục ngang, thay vì trục dọc.
Do thiết kế dạng gập nên Galaxy Z Flip trở nên dày hơn khi gập đôi lại, tuy nhiên, đây không phải là vấn đề quá nghiêm trọng khi sản phẩm vẫn có thể dễ dàng đặt gọn trong túi áo hoặc túi quần.
Phần bản lề của Galaxy Z Flip được thiết kế chắc chắn nên cần phải dùng lực để có thể mở màn hình sản phẩm, điều này khiến cho việc mở máy chỉ bằng một tay sẽ gặp nhiều khó khăn, mà người dùng cần phải dùng cả 2 tay để mở máy nếu không muốn vô tình làm rơi chiếc điện thoại này trong lúc mở màn hình.
Một đặc điểm khá thú vị của Galaxy Z Flip đó là khi người dùng gập đôi máy lại sẽ phát ra một âm thanh khá chắc chắn và vui tai, mà những ai từng sử dụng những chiếc điện thoại nắp gập vỏ sò trước đây hẳn sẽ cảm thấy rất quen thuộc. Có vẻ như Samsung đã cố tình tạo ra âm thanh này trên Galaxy Z Flip như một cách để lôi kéo những người dùng yêu thích những chiếc điện thoại gập vỏ sò.
Giống các mẫu smartphone cao cấp khác của Samsung, Galaxy Z Flip sở hữu mặt ngoài bằng kính cường lực bóng bẩy. Tuy nhiên, kiểu thiết kế này cũng khiến mặt ngoài sản phẩm dễ bị bám dấu vân tay và trầy xước trong quá trình sử dụng. Vấn đề này có thể được khắc phục nhờ vào tấm ốp lưng trong suốt bằng nhựa cứng được đi kèm sản phẩm.
Khác với Galaxy Fold khi được trang bị màn hình phụ cỡ lớn ở bên ngoài để có thể sử dụng mà không cần mở máy, Galaxy Z Flip chỉ được trang bị một màn hình cỡ nhỏ 1,1-inch để hiển thị các thông báo đến, tình trạng pin... trên sản phẩm. Galaxy Z Flip cũng cho phép trả lời cuộc gọi hoặc chụp ảnh mà không cần mở máy thông qua màn hình phụ này.
Sản phẩm không được tích hợp cảm biến vân tay vào bên trong màn hình mà vẫn được tích hợp vào nút nguồn nằm ở cạnh bên giống như Galaxy Fold trước đây.
Một đặc điểm trong thiết kế của Galaxy Z Flip đó là có viền màn hình khá dày, khác với kiểu viền mỏng trên các mẫu smartphone cao cấp gần đây của Samsung. Phần viền dày này góp phần giúp bảo vệ lớp màn hình có phần mỏng mảnh trên Galaxy Z Flip, giúp tăng độ bền cho màn hình của sản phẩm sau một thời gian dài gập vào và mở ra liên tục.
Thay vì chỉ có màu đen như phiên bản màn hình gập Galaxy Fold ra mắt vào năm ngoái, Galaxy Z Flip còn được bổ sung thêm phiên bản màu vàng và tím để nhắm đến đối tượng người dùng là phái nữ.
Màn hình hiển thị
Galaxy Z Flip là smartphone đầu tiên trên thế giới sở hữu màn hình gập bằng kính, với công nghệ Ultra Thin Glass độc quyền do Samsung phát triển, giúp tăng độ bền của màn hình Galaxy Z Flip trong quá trình sử dụng. Samsung cũng đã có sự thay đổi trong cách thiết kế bản lề, giúp Galaxy Z Flip gập, mở được chắc chắn hơn và có thể mở được nhiều kiểu dáng khác nhau, giống như cơ chế lật của laptop. Samsung cũng tích hợp công nghệ quét bụi mới vào phần bản lề, với những sợi nylon được tích hợp vào bên trong để hạn chế bụi lọt vào phần bản lề của máy.
Khi mở rộng, Galaxy Z Flip sở hữu màn hình 6,7-inch công nghệ Dynamic AMOLED, độ phân giải Full HD+ (1080 x 2636), cho mật độ điểm ảnh 425ppi.
Giống như Galaxy Note10 ra mắt năm ngoái hay Galaxy S20 ra mắt gần đây, Galaxy Z Flip cũng sở hữu kiểu thiết kế màn “đục lỗ”, với camera trước được đặt ngay bên trong màn hình.
Qua quá trình sử dụng có thể thấy màn hình của Galaxy Z Flip hiển thị tốt trong tất cả các điều kiện sử dụng, từ điều kiện thiếu sáng hay sử dụng trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời. Màu sắc, chi tiết và độ tương phản được thể hiện tốt trên màn hình chiếc smartphone này.
Ưu điểm của kiểu thiết kế màn hình dài (theo tỷ lệ 22:9) trên Galaxy Z Flip được phát huy hiệu quả khi sử dụng sản phẩm để xem video, mang lại cho người dùng trải nghiệm giống như đang ngồi trước một màn hình trong rạp chiếu.
Khi xem video ở chế độ toàn màn hình, mặc định Galaxy Z Flip sẽ thu nhỏ nội dung video lại nằm gọn trong màn hình để cụm camera trước không làm ảnh hưởng đến nội dung video. Người dùng cũng có thể tùy chọn để phóng lớn giao diện video ra toàn bộ màn hình (sát mép viền màn hình), lúc này cụm camera trước sẽ xuất hiện trong khung video và phần nào làm ảnh hưởng đến trải nghiệm xem video của người dùng, nhưng không thực sự đáng kể.
Camera
Tập trung vào kiểu dáng thiết kế, camera không phải là điểm mạnh để Samsung đầu tư và nhắm đến trên chiếc smartphone màn hình gập của mình. Galaxy Z Flip chỉ được trang bị cụm camera kép, bao gồm camera chính 12 megapixel, khẩu độ f/1.8, hỗ trợ chống rung quang học; và camera góc rộng 12 megapixel, khẩu độ f/2.2. Mặt trước của sản phẩm là camera 10 megapixel.
Sản phẩm cũng được tích hợp trí tuệ nhân tạo vào camera tương tự như các mẫu smartphone cao cấp khác của Samsung, với khả năng tự động nhận diện khung cảnh để có thể tối ưu các thiết lập cho máy ảnh phù hợp với từng khung cảnh để chụp được bức ảnh đẹp mắt nhất.
Qua quá trình thử nghiệm cho thấy camera trên Galaxy Z Flip thực sự ấn tượng khi sử dụng trong điều kiện ánh sáng tốt. Khi đủ sáng, các bức ảnh chụp bởi sản phẩm rất sắc nét, màu sắc phong phú và chi tiết.
Tuy nhiên, chất lượng ảnh chụp bởi camera góc rộng trên Galaxy Z Flip lại thường gặp tình trạng bị biến dạng khá nhiều ở các góc ảnh. Có vẻ như khả năng xử lý ảnh biến dạng khi chụp bằng góc rộng trên Galaxy Z Flip chưa thực sự tối ưu và vấn đề có thể được khắc phục thông qua các bản cập nhật trong thời gian tới.
Chất lượng camera của Galaxy Z Flip không được đánh giá quá cao khi chụp ảnh thiếu sáng. Các hình ảnh chụp bởi sản phẩm vào buổi tối và khi thiếu sáng thường không được quá sắc nét. Sử dụng chế độ ban đêm trên sản phẩm có thể phần nào cải thiện được chất lượng ảnh chụp khi thiếu sáng, nhưng chỉ khi chụp các bức ảnh tĩnh.
Điểm thú vị nhất khi chụp ảnh bằng Galaxy Z Flip đó là nhờ vào kiểu dáng thiết kế gập của sản phẩm, với phần bản lề cứng, cho phép người dùng có thể đặt chiếc smartphone này ở tư thế như một chiếc laptop để có thể dựng đứng phần camera lên, từ đó có thể dễ dàng chụp ảnh hoặc selfie từ sản phẩm mà không cần phải nhờ đến giá đỡ.
Cấu hình, hiệu suất và thời lượng pin
Khác với Galaxy S20, Galaxy Z Flip không được trang bị một cấu hình cao cấp nhất hiện nay khi sản phẩm chỉ được trang bị bộ vi xử lý Snapdragon 855+ của Qualcomm (được ra mắt từ năm 2019), bộ nhớ RAM 8GB, đi kèm bộ nhớ lưu trữ 256GB, hỗ trợ khe cắm thẻ nhớ ngoài.
Có vẻ như việc không trang bị cấu hình cao cấp nhất là động thái để giúp Samsung có thể giảm giá bán của Galaxy Z Flip, thay vì có mức giá cao như Galaxy Fold ra mắt vào năm ngoái cùng với cấu hình cao cấp nhất vào thời điểm đó.
Dù không được trang bị cấu hình cao cấp nhất, nhưng đây vẫn là cấu hình mạnh mẽ giúp sản phẩm hoạt động mượt mà với các tác vụ phổ thông như lướt web, kiểm tra email, xem phim hay truy cập Facebook... Việc chuyển đổi qua lại giữa các ứng dụng khi chạy đa nhiệm nhiều ứng dụng cũng diễn ra rất mượt mà. Với các tác vụ đòi hỏi cấu hình cao hơn như chơi game, Galaxy Z Flip không gặp khó khăn khi chơi những game đòi hỏi cấu hình cao như PUBG, Liên Quân Mobile... với chất lượng hình ảnh và tốc độ khung hình ở mức cao nhất.
Sản phẩm hoạt động trên nền tảng Android 10, trong đó Samsung đã hợp tác với Google để thiết kế giao diện Flex mode, để mang lại trải nghiệm mới cho sản phẩm. Theo đó, khi thiết bị ở trạng thái mở một nửa, màn hình sẽ tự động chia thành hai màn hình 4-inch để người dùng có thể dễ dàng xem hình ảnh, nội dung hoặc video ở nửa trên của màn hình và điều khiển chúng ở nửa dưới, chẳng hạn người dùng có thể dễ dàng xem và điều khiển nội dung video của YouTube ở nửa màn hình trên và song song với đó vẫn có thể tìm kiếm các video khác, đọc mô tả và viết nhận xét ở phía dưới.
Về pin, Galaxy Z Flip được trang bị thỏi pin có dung lượng 3.300mAh, không quá lớn, nhưng vẫn đủ để sản phẩm có thể hoạt động thoải mái trong suốt một ngày cho mỗi lần sạc, với thời gian sáng màn hình trung bình từ 4,5 đến 5 tiếng đồng hồ.
Kết luận
Nhìn chung, Galaxy Z Flip không chỉ là một chiếc smartphone đơn thuần mà có thể được lựa chọn như một món trang sức cho những ai muốn tạo điểm nhấn cho bản thân, nhờ vào kiểu thiết kế gập độc đáo và và vẻ ngoài bóng bẩy. Dĩ nhiên, sản phẩm vẫn đáp ứng được những yêu cầu về liên lạc, giải trí cũng như công việc mà người dùng cần ở một chiếc smartphone cao cấp.
Ưu điểm:
+ Thiết kế đẹp mắt, nhỏ gọn và độc đáo
+ Cấu hình mạnh cho hiệu suất tốt
+ Chất lượng camera tốt khi chụp đủ sáng
+ Giao diện được thiết kế để tối ưu cho kiểu thiết kế màn hình gập
Nhược điểm:
+ Giá thành cao
+ Camera không thực sự tốt khi chụp thiếu sáng
+ Màn hình ngoài quá nhỏ nên không thực sự hữu dụng
Phạm Thế Quang Huy
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn