Thiết kế bắt mắt với màn hình tràn viền Infinity U
Một trong những điểm nổi bật nhất của Galaxy A50, người dùng chỉ cần bật máy lên là có thể nhìn thấy là màn hình Infinity-U hoàn toàn mới. Những năm trước đây, các smartphone của Samsung, nhất là các dòng máy tầm trung A-Series thường được đánh giá còn khá an toàn, thiết kế mặt trước khuôn mẫu nhàm chán.
Năm 2019 này, Samsung đã bất ngờ cho ra mắt một loạt thiết kế màn hình mới gồm Infinity V, Infinity O, Infinity Flex và Infinity U như Galaxy A50. Thiết kế này cắt một phần nhỏ của màn hình, theo hình vòng cung giống với chữ U để đặt vừa camera trước. Với Galaxy A50, phần cắt này chiếm diện tích rất nhỏ, tạo nên một thiết kế đủ liền mạch để người dùng có thể quen trong chỉ thời gian ngắn. Đặc biệt, viền chữ U này còn có thể phát sáng khi kích hoạt chế hoạt mở khóa nhận diện bằng gương mặt.
Ngoài ra, Samsung cũng hào phóng trang bị cho Galaxy A50 tấm nền Super AMOLED - một ‘đặc sản độc quyền’ đã trở nên quen thuộc với mọi smartphone của hãng công nghệ này. Với độ phân giải Full HD+ sẽ mang đến trải nghiệm hình ảnh sắc nét, rực rỡ độ sáng tuyệt vời dù ở bất kì điều kiện ánh sáng nào. So với màn hình LCD hay TFT, loại tấm nền này sử dụng ít điện năng hơn, nhờ đó mà tiết kiệm pin hơn và chất lượng hiển thị hình ảnh tốt hơn rất nhiều lần.
Có một chi tiết đáng chú ý khi Samsung đã tích hợp công nghệ cảm biến vân tay dưới màn hình vào Galaxy A50. Đây là tính năng mới tưởng như chỉ xuất hiện ở những mẫu điện thoại cao cấp. Tốc độ nhận diện và mở khóa bằng vân tay còn chưa nhanh nhạy vì đây là loại cảm biến quang học, không cao cấp và “sịn sò” bằng cảm biến vân tay siêu âm trên Galaxy S10.
Trải nghiệm tực tế thì người dùng sẽ phải mất khoảng 2-3 giây để cảm biến nhận ra dấu vân tay. Vì thế, tốc độc mở khóa này chỉ bằng phân nửa so với cảm biến vân tay truyền thống. Nhưng đối với một smartphone tầm trung thì với công nghệ hiện đại này thì tạm chấp nhận được, đồng thời khiến mặt lưng máy trở nên đẹp hơn khi không còn cảm biến như trước kia.
Bên cạnh cảm biến vân tay dưới màn hình, Galaxy A50 cũng được trang bị tính năng mở khóa bằng khuôn mặt. Do cả 2 cách mở khóa này đều có ưu và nhược điểm nhất định, việc sử dụng kết hợp hai phương pháp sẽ đem đến sự tiện lợi hơn.
Giao diện OneUI - Tối giản mà thuận tiện
Các smartphone trước đây của Samsung luôn nổi tiếng trong việc tùy biến giao diện quá nhiều, khiến người dùng luôn phải chờ đợi những bản cập nhật hệ điều hành mới lâu hơn so với các hãng khác. Nhưng với One UI được xây dựng trên nền Android 9 Pie, mọi thứ đã được cải thiện đáng kể. Đây là bản cập nhật phần mềm lớn của Samsung với giao diện được đổi mới theo chiều hướng phẳng hơn, các ứng dụng như Cài đặt nhìn đơn giản và trực quan hơn, biểu tượng (icon) của các ứng dụng đều bo tròn.
Thay đổi lớn nhất ở One UI là các điểm tương tác được kéo xuống phía dưới màn hình để người dùng dễ thao tác hơn, trong khi các phần phía trên chỉ để hiển thị. Một điểm mới nữa đó là OneUI của Samsung đã có chế độ tối (Night Mode) toàn hệ thống, biến các giao diện từ màu trắng chuyển sang màu đen, giúp sử dụng điện thoại ban đêm dễ dàng. Với tấm nền AMOLED có thể tắt điểm ảnh và tạo ra màu đen chân thực như đã đề cập, Galaxy A50 đem tới người dùng một giao diện vừa dịu mắt, vừa hiện đại lại tiết kiệm pin.
Bộ ba camera sau có camera góc siêu rộng và camera selfie 25 MP
Tương tự như người anh Galaxy A7 năm 2018, Galaxy A50 là mẫu điện thoại được trang bị tới 3 camera với độ phân giải lần lượt là 25 MP F/1.7 + 8 MP F/2.2 + 5 MP F/2.2. Mỗi camera này lại dùng để phục vụ những tính năng khác nhau cho người sử dụng. Cụ thể, camera 25Mpx dùng cho việc chụp ảnh thông thường, camera 8Mpx đóng vai trò chụp ảnh góc rộng trong khi camera 5Mpx giúp tạo độ sâu trường ảnh ở chế độ chụp chân dung.
Với camera góc rộng 8MP, Galaxy A50 có thêm một góc chụp linh hoạt, phù hợp cả với ảnh chân dung khi muốn lấy trọn cả khung cảnh và chủ thể. Công trình kiến trúc hay những không gian nhỏ hẹp cũng là nơi mà camera góc rộng có thể tỏa sáng. So với phân khúc giá 7 triệu, Galaxy A50 sẽ nhỉnh hơn một chút khi sở hữu camera độc đáo này.
Về khả năng chụp xóa phông, camera đo độ sâu trường ảnh hoàn thành công việc ở mức khá ổn. Chủ thể trong ảnh được tách bạch tốt và ít bị lẹm. Ở chế độ xóa phông, Samsung cũng cho phép điều chỉnh mức độ xóa phông nền cả trước và sau khi chụp.
Một số hình ảnh chụp bằng Galaxy A50:
Chip xử lý và pin
Bên trong, Galaxy A50 được cung cấp sức mạnh bởi chip xử lý Exynos 9610. Con chip này tích hợp 4 lõi Cortex-A73 tốc độ 2.3 GHz và 4 lõi Cortex-A53 tốc độ 1.7 GHz. Đồng thời, máy còn được tích hợp chip xử lý đồ họa Mali-G72MP3, sản xuất trên dây chuyền công nghệ 10nm. Hiệu năng này cho phép máy chạy đa tác vụ mượt mà, và chơi những game đòi hỏi cấu hình cao vẫn khá thoải mái.
Ngoài ra, sở hữu thiết kế máy lớn nên Galaxy A50 cũng có thể sử dụng được một viên pin dung lượng cao tới 4000mAh. Hiện nay pin 4000mAh vẫn lớn hơn so với rất nhiều các smartphone trên thị trường, thường chỉ dao động ở mức 2800mAh - 3600mAh.
Tổng kết:
Dù không phải là mẫu smartphone sở hữu cấu hình cao nhất, Galaxy A50 là mẫu điện thoại được đánh giá rất cao ở phân khúc 7 triệu đồng. Với chiến binh trung cấp mới này, Samsung đã mạnh tay trang bị những tính năng cao cấp thường chỉ xuất hiện ở dòng flagship vào Galaxy A50 cũng là một điểm cộng lớn đối với người tiêu dùng khi cân nhắc lựa chọn mua.
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn