Dịch viêm phổi do virus corona đã và đang gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trên toàn thế giới, và khu vực ASEAN - trong đó Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Mới đây, tờ Vietnam-Briefing đã chỉ ra một vài vấn đề mà các nhà máy sản xuất tại Việt Nam có thể phải đối mặt do thiếu hụt nguồn cung tới từ các hãng sản xuất Trung Quốc.
Khi nào nhà cung cấp Trung Quốc mới quay trở lại sản xuất?
Trích lời SCMP, Vietnam-Briefing cho biết hàng chục triệu người lao động Trung Quốc hiện đã bắt đầu trở lại các thành phố để làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán kéo dài vì dịch virus corona từ ngày 10/2.
Tuy nhiên với việc dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, đa số nhà máy cho tới nay vẫn chưa đảm bảo được năng suất, khi chỉ đạt khoảng 20-30% so với mức thông thường. Lý do là bởi có nhiều nhân viên trở về từ vùng dịch vẫn bị cách li theo dõi. Có nơi thì chưa đủ các biện pháp bảo hộ an toàn cho toàn bộ nhân viên.
Ngoài các nhà máy sản xuất, thì các công ty hậu cần và vận chuyển cũng sẽ không trở lại hoạt động hết công suất trong khoảng một tháng nữa, tính từ thời điểm hiện nay. Sự chậm trễ sẽ là không thể tránh khỏi.
Việt Nam cần tìm các nhà cung cấp và sản xuất để thay thế Trung Quốc
Mới đây, theo chia sẻ của chuyên gia tài chính, ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực, dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona gây ra đã ảnh hưởng đến ít nhất 8 ngành, lĩnh vực của Việt Nam, có nhiều ngành ảnh hưởng tiêu cực.
Trong đó, những lĩnh vực có tác động nhiều nhất là dịch vụ y tế, du lịch - lữ hành - khách sạn, dịch vụ giao thông - vận tải, bán lẻ (tiêu dùng giảm), ngoại thương, đầu tư, chuỗi sản xuất - cung ứng, và dịch vụ tài chính - ngân hàng.
"Việt Nam cần làm chủ một số yếu tố đầu vào vừa là hạn chế nhập khẩu, vừa tăng tính chủ động trong nhiều tình huống khác nhau, vừa tạo việc làm và tăng khả năng kết nối giữa các khối doanh nghiệp", vị chuyên gia này cho biết.
Chiến lược dài hạn mà Việt Nam có thể cân nhắc, là giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc, xem xét việc thay thế một phần hoặc thậm chí là toàn bộ sản phẩm Trung Quốc bằng một lựa chọn khác.
Điều tương tự từng được nhiều nhà đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc thực hiện, đó là chuyển một phần cơ sở sản xuất của họ sang Việt Nam. Lợi thế của chúng ta đó là nằm trong khối ASEAN, tất nhiên, bao gồm Hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc, cũng như với Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand. Điều này cũng bao gồm cả việc mở rộng cơ sở sản xuất tại Việt Nam, hoặc đi tìm một sự thay thế phù hợp, thí dụ như Ấn Độ đang được xem là một điểm đến hấp dẫn trong việc trở thành một cơ sở sản xuất chi phí thấp, cũng như sở hữu sẵn một thị trường tiêu dùng nội địa đầy tiềm năng.
Một lựa chọn khác cũng rất đáng cân nhắc và có thể sớm được thông qua, đó là mua lại một cơ sở hiện có ở Việt Nam, đặt tại một vài khu vực giàu tiềm năng, điển hình như TP. Đà Nẵng - nơi đang chứng kiến sự lan tỏa của các đặc khu khu kinh tế và thương mại tự do từ TP. Hồ Chí Minh và các khu vực Nam Bộ.
Về dài hạn, một số chuyên gia về kinh tế cũng cho rằng đã đến lúc Việt Nam cần quan tâm xác định và giải quyết những vấn đề then chốt, căn cơ và tầm nhìn chiến lược hơn, thay vì đợi tới khi xảy ra sự cố mới "rốt ráo" tìm phương án ứng phó.
Nguyễn Nguyễn
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn