Chiếc laptop mang thương hiệu của Samsung và chạy hệ điều hành Windows XP, bị lây nhiễm 6 loại mã độc được đánh giá là nguy hiểm nhất trên lịch sử, bao gồm WannaCry, BlackEnergy, ILOVEYOU, MyDoom, SoBig và Dark Tequila. Đây là 6 loại mã độc đã đã từng phát tán trên toàn cầu và gây nên thiệt hại ước tính gần 100 tỷ USD, trong đó WannaCry là loại mã độc nguy hiểm nhất, đã phát tán với tốc độ chóng mặt, gây nên một mối lo ngại trên toàn cầu trong năm 2017.
Chiếc laptop này là một dự án nghệ thuật, với tên gọi “Hỗn loạn dai dẳng”, là tác phẩm hợp tác giữa nghệ sĩ Internet người Trung Quốc Guo O Dong và Deep Instinct, một công ty bảo mật có trụ sở tại New York (Mỹ).
Gou O Dong giải thích rằng với dự án này, anh muốn tìm hiểu xem mối đe dọa của các phần mềm độc hại sẽ được cảm nhận như thế nào. Anh xem “Hỗn loạn dai dẳng” là một tác phẩm nghệ thuật, chứ không còn là một chiếc laptop bị nhiễm mã độc.
“Những phần mềm độc hại này nghe có vẻ trừu tượng và gần như là một trò giả mạo với những cái tên ngộ nghĩnh, ma quái. Nhưng tôi nghĩ chúng nhấn mạnh rằng giữa Internet và thế giới thực không có sự khác biệt”, Guo chia sẻ. “Mã độc là một trong những ví dụ điển hình nhất về việc Internet có thể nhảy ra khỏi màn hình và cắn bạn”.
Chiếc laptop được mang bán đấu giá đã bị chặn kết nối Internet, để đảm bảo các loại mã độc bị lây nhiễm trên đó không bị phát tán ra bên ngoài. Hãng bảo mật Deep Instinct hợp tác với Gou O Dong để kiểm soát các loại mã độc có trên chiếc laptop, nhằm đảm bảo chúng sẽ không bị phát tán và gây hại. Sau khi chiếc laptop được bán đấu giá, toàn bộ các cổng trên chiếc laptop, từ cổng kết nối Internet đến USB sẽ đều bị vô hiệu hóa.
“Chúng tôi xem dự án này như một danh mục chứa các mối đe dọa lớn nhất trong lịch sử”, Gou chia sẻ thêm về dự án của mình. “Là người mua, bạn cần hiểu rằng sản phẩm ẩn chứa nguy hiểm tiềm tàng. Bạn cần phải hiêu rằng mua sản phẩm này như một tác phẩm nghệ thuật hoặc vì lý do học thuật, chứ không được phát tán mã độc ra bên ngoài”.
Hiện tại phiên đấu giá chiếc laptop đặc biệt này vẫn đang diễn ra và mức giá cao nhất được đưa ra đến thời điểm này là hơn 1,2 triệu USD. Phiên đấu giá sẽ kéo dài đến ngày 28/5 tới đây.
Nhiều cư dân mạng đã hài hước so sánh chiếc laptop “Hỗn mang dai dẳng” như một phòng thí nghiệm chứa loại virus nguy hiểm chết người trong các bộ phim khoa học viễn tưởng, mà cuối cùng vì một lý do nào đó các loại “dịch bệnh” bên trong chiếc laptop này bị phát tán ra ngoài sẽ gây nên những hậu quả kinh hoàng.
Thông tin về 6 loại mã độc bị lây nhiễm trên chiếc laptop đang được bán đấu giá
- ILOVEYOU: là loại virus được phát tán qua email và các hình thức chia sẻ tập tin, đã ảnh hưởng đến hơn 10 triệu máy tính chạy Windows trên toàn cầu và gây ra thiệt hại 15 tỷ USD. Trong tuần đầu tiên kể từ khi loại virus này xuất hiện vào tháng 5/2000 đã gây ra thiệt hại hơn 5,5 tỷ USD.
- MyDoom: là một trong những sâu máy tính có tốc độ lan truyền nhanh nhất trong lịch sử thông qua email, được cho là bắt nguồn từ những tin tặc người Nga, được phát tán thông qua các email spam. Loại sâu máy tính này phát tán từ tháng 1/2004 và gây ra thiệt hại ước tính 38 tỷ USD.
- SoBig: là loại sâu máy tính được phát tán thông qua email từ tháng 8/2003 và nhanh chóng lây nhiễm trên hàng triệu máy tính chạy Windows. Loại sâu máy tính này có thể gây hư hỏng cho cả phần mềm lẫn phần cứng trên máy tính, với thiệt hại ước tính lên đến 37 tỷ USD trên toàn cầu.
- WannaCry: là loại mã độc tống tiền được đánh giá là nguy hiểm nhất trong lịch sử, có khả năng mã hóa dữ liệu và yêu cầu người dùng phải trả tiền chuộc để giải mã. WannaCry phát tán trên toàn cầu vào năm 2017 và gây thiệt hại ước tính 4 tỷ USD.
- Dark Tequila: loại mã độc nhắm đến người dùng tại khu vực châu Mỹ Latin, đánh cắp thông tin ngân hàng và dữ liệu của các công ty, tập đoàn, ngay cả khi máy tính không có kết nối Internet. Loại mã độc này đã gây thiệt hại hàng chục triệu USD cho người dùng.
- BlackEnergy: là loại mã độc với cách thức tấn công rất tinh vi, nhắm vào các công ty và tập đoàn lớn, thay vì người dùng cá nhân. Loại mã độc này đã được sử dụng để tấn công và gây nên tình trạng mất điện trên quy mô lớn tại Ukraine vào tháng 12/2015.
T.Thủy
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn