Phát biểu tại hội thảo Nguồn nhân lực công nghệ và thương mại hóa sản phẩm công nghệ vừa được tổ chức tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (Học viện CNBCVT), bà Trương Lý Hoàng Phi - TGĐ VinTech City cho biết một báo cáo cho thấy hiện nay Việt Nam đang thiếu 58% nguồn lực nhân lực CNTT. Điều này có nghĩa là chúng ta chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ trong số nhu cầu về nguồn lực ngành công nghệ cao.
“Việc thiếu về số lượng và yếu về chất lượng là điều chúng ta sẽ cần bàn trong giai đoạn hiện nay”, bà Phi nhấn mạnh bởi vì chúng ta còn đang có một khoảng cách rất lớn với mục tiêu này.
Chia sẻ quan điểm về mục tiêu 1 triệu nhân lực CNTT, ông Đặng Hoài Bắc - Phó Giám đốc Học viện Công nghệ - Bưu Chính Viễn thông, cho rằng đây là một thách thức thực sự đối với Việt Nam. Và đây cũng là vấn đề mà Nhật Bản đang gặp phải khi còn đang thiếu khoảng 3 triệu lao động công nghệ từ nay cho đến năm 2025.
Theo ông Bắc, ở Việt Nam, so với các trường kinh tế thì các trường đào tạo về công nghệ gặp nhiều khó khăn vì giới trẻ dường như thích thú với các trường đại học thuộc khối tài chính, ngân hàng hơn. “Nếu chúng ta cứ đào tạo ra những người đếm tiền mà không tạo ra những người làm ra tiền thì xã hội sẽ trở nên mất cân bằng và thiếu ổn định”, ông Bắc nhìn nhận.
Theo thầy Bắc, để giải quyết thách thức về sự thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ, thầy Bắc cho rằng điều này nếu chỉ một mình các trường đại học thì không thể làm được. Thay vào đó, cần phải có sự chung tay giúp sức từ phía các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Nam, Phó chủ tịch Đại học FPT cho rằng, 1 triệu nhân lực về CNTT chỉ là một con số tượng trưng. Bởi theo ông Nam, với sự phát triển của ngành công nghệ, càng có nhiều nhân lực về CNTT sẽ càng tốt.
Các trường đại học sẽ bị giới hạn về số lượng đào tạo, tuy nhiên nhu cầu của thị trường đối với nhân lực ngành CNTT là vô hạn, do đó sẽ chẳng có lời giải nào thỏa đáng để phát triển nhân lực ngành CNTT ngoài việc thúc đẩy tinh thần tự học của các bạn sinh viên. Đây sẽ là nguồn bổ sung quan trọng nhất về lực lượng nhân sự CNTT mà Việt Nam đang còn thiếu.
Đứng ở góc độ DN, bà Trương Lý Hoàng Phi cho rằng, với bài toán này, VinTech City hay VinGroup không thể giải quyết trọn vẹn bài toán này được mà cần có sự chung tay của các startup công nghệ, các thầy cô, những nhà quản lý giáo dục, những cơ quan hoạch định chính sách, những chuyên gia công nghệ.
Tham vọng của VinTech City là tham gia hỗ trợ toàn diện hệ sinh thái cho giới công nghệ giống như mô hình của Silicon Valley ở Mỹ. Bước đầu VinTech City sẽ tham gia giải các bài toán về nhân lực công nghệ và sản phẩm công nghệ.
Bà Phi cũng cho hay tập đoàn đã ký kết với 54 trường đại học mạnh trong lĩnh vực công nghệ. Bà cũng cho biết danh sách này sẽ tiếp tục được mở rộng trong thời gian tới.
Tuy nhiên, bà Phi nhìn nhận các DN ký kết với các trường đại học hiện nay nhưng lại thiếu các mối quan hệ hợp tác giữa DN với các nhà nghiên cứu, sáng chế trong nhà trường. Nhà trường chính là môi trường quan trọng để thúc đẩy sinh viên khởi nghiệp phát triển một công ty công nghệ, nhưng đây vẫn là một khoảng trống.
Điều quan trọng là ở Việt Nam chưa có một hệ sinh thái để giúp các sản phẩm ra thị trường có cơ hội phát triển. Bài toán cả các nhà công nghệ, các startup, các chuyên gia nghiên cứu luôn là làm thế nào để tiếp cận thị trường, để tiếp cận với giai đoạn thương mại hoá sớm hơn.
VinTech cho hay định hướng của công ty là sẽ giúp các startup hiểu được thị trường, hiểu được các xu hướng công nghệ.
Ngoài ra, VinTech cũng sẽ lấp đầy khoảng trống trong các công tác nghiên cứu bằng việc tài trợ cho phòng lab của các trường đại học. Với các sản phẩm khoa học công nghệ có tính ứng dụng cao của thày cô giáo và các bạn sinh viên, VinTech Fund cũng có thể cấp vốn để giúp thương mại hóa các sản phẩm ra thị trường.
Khôi Linh
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn