Thông tin về kết quả kiểm tra toàn diện TikTok, ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, cho biết, đối tượng của đợt kiểm tra là hai pháp nhân của TikTok tại Việt Nam gồm Văn phòng TikTok và Công ty TikTok Việt Nam.
Tuy nhiên, từ thực tế kiểm tra cho thấy, Văn phòng TikTok và Công ty TikTok Việt Nam không trực tiếp tham gia hoạt động quản lý, cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam thông qua trang web TikTok.com và ứng dụng TikTok.
Việc cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam do TikTok Pte.Ltd (TikTok Singapore) trực tiếp quản lý, vận hành.
Chỉ riêng đối với dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử, do Văn phòng TikTok thực hiện thủ tục đăng ký thiết lập “Sàn giao dịch thương mại” thông qua ứng dụng TikTok theo ủy quyền của TikTok Singapore, nên theo quy định về thương mại điện tử, Văn phòng TikTok phải liên đới chịu trách nhiệm đối với các hành vi vi phạm trong việc cung cấp dịch vụ này theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Ông Lê Quang Tự Do thông tin về sai phạm của TikTok sau khi kiểm tra toàn diện.
Đoàn kiểm tra cho biết, TikTok Pte. Ltd (TikTok Singapore) không phải là đối tượng kiểm tra nhưng lại là đơn vị trực tiếp quản lý, vận hành, cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam thông qua trang web TikTok.com và ứng dụng TikTok.
Vì vậy, TikTok Singapore là đơn vị chịu trách nhiệm về việc chấp hành các quy định của pháp luật Việt Nam trong việc cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam.
Sau đợt kiểm tra toàn diện của đoàn kiểm tra liên ngành gồm sáu bộ, ngành, nhiều hành vi vi phạm của TikTok đã được nêu ra. Trong đó có việc lưu trữ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam, gồm các thông tin giả mạo, xuyên tạc, kích động bạo lực, kích động tệ nạn xã hội, thông tin gây hại cho trẻ em.
Quy trình kiểm duyệt nội dung của TikTok chưa hiệu quả, để lọt nhiều nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam. Cách thức phân phối, đề xuất nội dung dựa trên sự tương tác, sở thích, sự quan tâm của người dùng dễ dẫn đến việc nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam được lan truyền với tốc độ nhanh chóng nếu được nhiều người dùng tương tác, quan tâm.
Đặc biệt, TikTok không có biện pháp, công cụ bảo đảm an toàn về thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em, không gửi các thông điệp cảnh báo nguy cơ khi trẻ em cung cấp, thay đổi thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em.
TikTok cũng không thực hiện việc phát hiện, loại bỏ các hình ảnh, tài liệu, thông tin không phù hợp với trẻ em, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em, không tổ chức tiếp nhận thông tin, đánh giá phân loại theo mức độ an toàn cho trẻ em, vẫn cho phép trẻ em dưới 13 tuổi mở tài khoản dù là nền tảng mạng xã hội chỉ dành cho người từ 13 tuổi trở lên.
TikTok Singapore sẽ có cam kết với Việt Nam
Trước các sai phạm của TikTok, Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu Văn phòng TikTok Việt Nam chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật Việt Nam đối với hoạt động cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới vào Việt Nam thông qua ứng dụng TikTok, đồng thời phải được TikTok Singapore ủy quyền trực tiếp tham gia hoạt động quản lý, cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam.
Đoàn kiểm tra yêu cầu Công ty TNHH Công nghệ TikTok Việt Nam phải được TikTok Singapore ủy quyền trực tiếp tham gia hoạt động quản lý, cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam.
Đoàn kiểm tra cũng yêu cầu TikTok phải triển khai hàng loạt các biện pháp khắc phục sai phạm, đặc biệt là các các biện pháp bảo vệ trẻ em theo quy định tại Điều 33, 34, 35, 36, 37 chương IV về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng của Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 9/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em.
Trong đó, phải xác thực thông tin tài khoản để phát hiện trường hợp trẻ em khai không đúng độ tuổi sử dụng TikTok, xóa các tài khoản trẻ em dưới 13 tuổi.
TikTok phải triển khai nhiều giải pháp bảo vệ quyền trẻ em trong thời gian tới.
Giới hạn thời gian truy cập, sử dụng TikTok với người dưới 18 tuổi, không cho phép trẻ em kiếm tiền qua TikTok. Bảo vệ thông tin cá nhân của trẻ em, khi đăng lên cần có sự đồng ý của trẻ em và cha mẹ, người chăm sóc, người giám hộ trẻ em hoặc video cần phải che mặt, làm mờ hình ảnh trẻ em trước khi đăng lên.
Cảnh báo về độ tuổi cho các video trên TikTok, kiểm soát chặt chẽ video có nội dung nhảm nhí, độc hại, không phù hợp với lứa tuổi. Ngoài ra, nghiên cứu xây dựng ứng dụng dành riêng cho trẻ em (app for kid) tại Việt Nam.
Đoàn kiểm tra cũng đề nghị TikTok phải cải thiện hệ thống kiểm duyệt nội dung (đặc biệt là với hình thức Livestream) để chủ động ngăn chặn nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam trên nền tảng TikTok (bao gồm cả công nghệ, phần mềm, nhân sự, quy trình và các tiêu chí kiểm duyệt); có giải pháp cụ thể, hiệu quả làm trong sạch nền tảng của mình, hạn chế tin giả, tin xấu độc.
Trả lời tại họp báo, ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok tại Việt Nam cho biết, cam kết tuân thủ các quy định Việt Nam. TikTok sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan để thực hiện tốt kết luận điều tra.
Theo ông Lê Quang Tự Do, sau khi có kết luận kiểm tra, đại diện TikTok Singapore đã làm việc trực tiếp với cơ quan chức năng và cho biết sẽ có cam kết bằng văn bản sau 30 ngày làm việc. “Trong trường hợp các nền tảng xuyên biên giới hoạt động tại Việt Nam nếu không tuân thủ pháp luật Việt Nam thì sẽ không được chào đón, không được tạo điều kiện hoạt động ở Việt Nam", ông Lê Quang Tự Do nói.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn