Năm 1997, Việt Nam đã chính thức kết nối với mạng Internet và từ đó đến nay, theo thống kê nhanh cho thấy, người dùng Internet tại Việt Nam đã đạt gần 50 triệu, chiếm tỷ lệ 53% trên tổng số dân. Mức tăng trường này cao hơn mức trung bình của thế giới (46,64%) và cao hơn mức trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương (48,2%).
Internet thay đổi đến mức tôi không ngờ đến
Là người tiên phong và có công lớn trong việc đưa Internet băng rộng ADSL vào Việt Nam từ năm 2003, giúp cho tốc độ người sử dụng dịch vụ này tăng lên với cấp số nhân. Nhìn lại 20 năm internet về Việt Nam, ông Vũ Hoàng Liên, chủ tịch Hội Internet VN, Nguyên giám đốc Công ty Điện toán và truyền số liệu (VDC) cho biết dù đã dự báo sự thay đổi sẽ lớn sau khi đưa Internet băng thông rộng vào Việt Nam nhưng ông thật sự không thể dự báo được tốc độ phát triển và phổ cập như hiện nay. Nó nằm ngoài những dự đoán của ông. Việc đưa Internet vào VN giúp giải quyết rất nhiều khó khăn, nhất là trong việc trao đổi dữ liệu (data) thời kỳ đó.
Những khó khăn khi thuyết phục đưa Internet băng rộng về Việt Nam
Nhớ lại khoảng thời gian khi đưa băng thông rộng ADSL về Việt Nam, ông Vũ Hoàng Liên chia sẻ, giai đoạn đầu bao giờ cũng khó khăn và phải mất cả quá trình. Phải thuyết phục và giải thích để mọi người biết được internet là gì, lợi ích của internet đem lại ra sao, làm sao để quản lý được để đảm bảo lợi ích quốc gia, các vấn đề an ninh, kể cả về chính trị và văn hóa. Rất vui trong quá trình thuyết phục ban đầu, VDC, cộng đồng cộng nghệ nói chung và giới truyền thông thời kỳ đó đã truyền tải rất nhiều thông tin cho cộng đồng và cho xã hội, và các đồng chí lãnh đạo Đảng và nhà nước… để yên tâm cho việc phát triển Internet ở Việt Nam. Đồng thời, thuyết phục nhà nước yên tâm về tính khả thi, đầu tư, năng lực và con người. Đó là giai đoạn rất thú vị và cả xã hội đều rất quan tâm.
“Một trong những thuyết phục quan trọng nhất để nhà nước yên tâm về công tác quản lý, an ninh, an toàn và một trong những công tác chuẩn bị anh em VDC phải lo, chính là tường lửa (FireWall). Thời kỳ đó, FireWall được coi là một thuật ngữ mới, luôn luôn phải giải thích, khả năng công nghệ để phần nào nhà nước yên tâm cho việc triển khai cho Internet băng thông rộng về Việt Nam”. Ông Hoàng Liên chia sẻ.
Ông Vũ Hoàng Liên cảm động với những lời khuyên của bác Võ Nguyên Giáp
Vào thời kỳ đó, ông Liên cũng cho biết rất cảm động khi rất nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến thăm trung tâm kỹ thuật của VDC. “Trong đó, kỷ niệm cảm động và đáng quý nhất là bác Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp đến thăm và ủng hộ. Bác cũng rất sáng suốt, rất ủng hộ nhưng đồng thời có ngay những ý kiến chỉ đạo cho anh em. Một kỉ niệm đáng quý và đầy cảm động. Thực sự, sự ủng hộ từ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đặc biệt là bác Võ Nguyên Giáp là sự động viên rất lớn và là quyết định rất quan trọng cho Internet phát triển tại Việt Nam”. Ông Hoàng Liên chia sẻ.
Quan hệ cung - cầu kích thích tăng trưởng Internet Việt Nam
Một vấn đề khác mà ông Hoàng Liên cũng cho rằng tốc độ phát triển Internet nhanh như vậy bởi đáp ứng đúng nhu cầu đang lên tại Việt Nam. Chính nhu cầu lên là yếu tố quyết định đến việc chúng ta phải đáp ứng. “Quan hệ cung cầu tạo ra động lực thúc đẩy cho chúng ta quan tâm và phát triển. Có thể nói, trong lĩnh vực Internet ở Việt Nam, quan hệ cung cầu rất tốt, nó là vòng xoáy tạo ra sự phát triển Internet tại Việt Nam”, ông nói thêm.
Internet bắt đầu từ “cung - cầu"!
“Chúng tôi bắt đầu làm internet như thế nào? Đó là câu chuyện xuất phát từ bài toán đặt hàng của ngân hàng về việc dùng protocol để truyền tin”. Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT cho biết.
Ông Bình cho biết, hồi đó, sau khi đọc cuốn sách giao thức IXP/SPX của Novell, Trương Đình Anh và cộng sự đã viết những đoạn mã lệnh truyền tin, công dụng đầu tiên là kiểm tra vị trí đứt của dây mạng netware. Sau đó, chương trình truyền tin này (được đặt tên Business Communication Service) được nhiều ngân hàng sử dụng để truyền tải thông tin giữa các chi nhánh. Đây là tiền thân của mạng Trí tuệ Việt Nam.
Từ tháng 4/1997, FPT đã lập ra mạng Intranet đầu tiên tại Việt Nam, tiền thân của mạng internet bây giờ, mang tên gọi mạng Trí tuệ Việt Nam. Có khoảng 5.500 người trên toàn quốc đã tham gia sử dụng mạng này, với các dịch vụ được cung cấp như thư điện báo, báo điện tử, hội thoại trực tiếp, thảo luận, đào tạo và tư vấn về tin học. Mạng TTVN có thể được coi là 1 trong những mạng xã hội sớm nhất của thế giới.
“Thời điểm đó, Internet mở ra không gian sống mới, không gian số cho mỗi người, trong đó có không gian giao tiếp, làm việc, học tập, giải trí. Internet đã đưa Việt Nam thoát ra khỏi cảnh ốc đảo, cảnh cô lập CNTT với thế giới. Ngày nay, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, internet là nền tảng hạ tầng của cuộc cách mạng này”, ông Trương Gia Bình cho biết.
Nói thêm về các khó khăn khi tiếp cận Internet thuở ban đầu, ông Bình cho biết, vào khoảng những năng 1999, tình trạng độc quyền đầu vào là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến giá cước, tốc độ kết nối internet và chất lượng đường truyền. Việc 1 doanh nghiệp tư nhân như FPT được cấp phép cung cấp dịch vụ kết nối Internet (ISP) cả trong nước và quốc tế sẽ phá bỏ thế độc quyền, tạo ra sự cạnh tranh trong thị trường viễn thông, internet.
Tuy nhiên, sau khi có được giấy phép, trở thành 1 nhà ISP, người đứng đầu tập đoàn FPT cũng trải lòng về việc đã phải trải qua những thời điểm kinh doanh bị lỗ, không có hạ tầng, phải đi thuê, phải đi thương lượng để xin phép được thuê lại sợi cáp đầu cuối.
“Tháng 7/2003, khi thị trường ra gói ADSL Mega VNN. Gói cước mới này chinh phục hàng ngàn khách hàng Dial up của chúng tôi với tốc độ cao và giá rẻ. Chúng tôi được phép cung cấp internet và internet băng rộng nhưng lại không có quyền được sở hữu sợi cáp. Chúng tôi phải thương lượng hàng tháng trời để thuê lại sợi cáp đầu cuối để kết nối ADSL từ đối thủ. Đối thủ nắm bắt được tình hình và muốn dồn chúng tôi đến chân tường.
Sau rất nhiều nỗ lực, tháng 10/2003, FPT Internet bắt đầu cung cấp dịch vụ ADSL, đến hết năm đã có 2000 khách hàng ADSL và đạt doanh thu 7 triệu USD”. Ông Trương Bình trải lòng.
Tưởng chừng mọi chuyện sẽ tốt đẹp thì đến tháng 6/ 2005, khi đang trên đà phát triển, FPT lại rơi vào những ngày mất ngủ khi đứng trước nguy cơ chi nhánh FPT Internet tại TPHCM phải ngừng cung cấp dịch vụ vì chưa được cấp phép triển khai tại TPHCM.
Sau đó chúng tôi đổi tên công ty thành Công ty viễn thông FPT ( FPT Telecom) với 51,5% vốn cổ phần thuộc về nhà nước, đảm bảo đủ điều kiện cung cấp hạ tầng cho dịch vụ ADSL.
Internet là sự nghiệp của đời tôi!
Nhìn lại khoảng thời gian phát triển, ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần VNG thì nghĩ rằng khi Internet vào Việt Nam, đó là một cơ hội lớn và xem đó là sự nghiệp của đời ông.
Ông Hồng Minh kể: “Năm 1997, khi Internet chính thức có mặt thì thế hệ của Minh đang khoảng 18 - 20 tuổi. Sau khi Minh và bạn bè tốt nghiệp Đại học, Internet tại Việt Nam đã bắt đầu có được một lượng người dùng nhất định. Mọi người mới nói với nhau rằng đây chính là cơ hội. Thế hệ Minh lớn lên cùng với Internet, đam mê nó, lại thấy được cơ hội lớn thì không có lý do gì mà không xem đó là sự nghiệp của mình cả”.
Khi được hỏi về những khó khăn cho giai đoạn đầu thời kỳ Internet vào Việt Nam, ông Minh chia sẻ, khó thì phải nói là lúc nào cũng khó. “Thời điểm ban đầu, mình không có gì cả, không có nguồn lực, không có kinh nghiệm còn cái khó của bây giờ là thị trường thay đổi rất nhanh, bạn phải bỏ thành công cũ của mình đi để mà học những cái mới, tham gia vào thị trường mới. Nói ngắn gọn thì mỗi một giai đoạn đều có cái khó khác nhau.
"Thách thức lớn nhất của Internet nói riêng và công nghệ nói chung là sự thay đổi rất nhanh chóng. Với những người làm việc trong ngành Internet này thì đều phải sẵn sàng chấp nhận thực tế là công việc sẽ luôn luôn khó, thậm chí càng ngày càng khó hơn. Đặc thù này của Internet rất khác một số ngành, lĩnh vực khác”, ông Minh nhấn mạnh.
Một điểm nữa mà ông Minh cho là khó đó là suy nghĩ của mọi người. Hiện tại, từ người dùng, doanh nghiệp cho đến nhiều cơ quan quản lý vẫn nghĩ Internet là một ngành độc lập, không liên quan gì đến mình, chỉ những doanh nghiệp nào kinh doanh dịch vụ Internet mới cần phải quan tâm.
Nhưng xu thế của toàn thế giới hiện nay là Internet nói riêng, công nghệ nói chung đã trở thành cuộc sống rồi. Ông Minh lấy ví dụ, gần đây có câu chuyện nóng giữa taxi truyền thống với Uber/Grab. Nói nôm na thì trước đây, không ai nghĩ taxi thì sẽ liên quan gì đến Internet, nhưng rõ ràng là 3 năm qua, các hãng taxi Việt Nam đã bị Grab, Uber cạnh tranh rất mạnh, mất thị phần, thậm chí có hãng đối mặt nguy cơ phá sản. Đó sẽ không phải là câu chuyện duy nhất mà còn có thể lặp lại ở rất nhiều ngành khác nữa.
"Đó là cái thách thức lớn nhất mà những người ở trong thời đại Công nghệ này sẽ phải hướng tới. Bây giờ bạn đang là tài xế taxi, bạn đang là một nhân viên văn phòng. Mười năm nữa, Công nghệ thay đổi hết, bạn mất việc, bạn thất nghiệp, bản thân mỗi cá nhân sẽ đối mặt với chuyện đó”, ông Minh nhìn nhận.
Chia sẻ thêm, ông Minh nói, sứ mệnh của VNG là dùng Internet để thay đổi cuộc sống của người Việt Nam. Sau hơn 10 năm theo đuổi sứ mệnh đó, bây giờ thì mỗi ngày có hàng chục triệu người Việt Nam sử dụng Zalo để nhắn tin, trao đổi thông tin với nhau, nghe nhạc trên Zing Mp3, đọc Zing News, chơi game di động… Sắp tới, VNG có rất nhiều kế hoạch để đầu tư rộng ra các ngành khác cũng như đầu tư rộng ra các thị trường khác. Nhưng Minh nghĩ điều cơ bản là VNG vẫn là nơi của những người Việt Nam làm về Công nghệ, làm về Internet, rất là tâm huyết và sẽ vẫn sẵn sàng đi tiếp chặng đường này nhiều năm nữa.
Tác giả: Gia Hưng
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn