Không nhiều trong số hơn 50 triệu người dùng Internet tại Việt Nam theo con số thống kê từ đầu năm 2017 biết tới câu chuyện làm sao Internet "bùng nổ" và phổ biến đến vậy. Tuy nhiên có thể thấy một bức tranh hiện tại rất rõ, đó là sau 20 năm kể từ 19/11/1997, Internet đã làm thay đổi mọi lĩnh vực trong đời sống, đến mức trẻ lên 3 cũng có thể dùng iPad và tìm clip chúng thích trên Youtube như hiện nay
Thế nhưng, đối với những người trong cuộc - những giáo sư, tiến sĩ đầu ngành, những chuyên gia trong lĩnh vực CNTT, thì cột mốc 20 năm này quả thật ý nghĩa và đáng nhớ. Nó không chỉ đánh dấu cho bước chuyển đổi nền kinh tế số, bước hội nhập và phát triển vượt bậc của Việt Nam trong việc ứng dụng, khai thác tài nguyên số, mà còn gợi lại những kỷ niệm "không thể nào quên" từ những ngày đặt bước chân đầu tiên lên bậc thang của tri thức.
Ai cũng lo lắng Internet về Việt Nam thế nào, sẽ triển khai ra sao
Một trong những "lão làng" trong lĩnh vực CNTT tại Việt Nam, TS. Nguyễn Long, Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam là người chứng kiến toàn bộ sự đổi thay của đất nước từ khi chưa có Internet, cho tới khi nó trở thành một phần không thể thiếu của xã hội. Nhìn lại 20 năm Internet về Việt Nam, TS. Nguyễn Long cho rằng ngày đấy Internet vào Việt Nam có thể xét trên 2 khía cạnh. Một là khía cạnh từ những người nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực máy tính, hay còn gọi là kỹ sư CNTT như ngày nay và hai là về khía cạnh người quản lý. Nhưng dù là từ khía cạnh nào, thì hầu như ai cũng đều trong tình thế rất lo lắng rằng sẽ triển khai thế nào, phát triển ra sao.
"Ngày xưa khi có Internet, ai cũng chia sẻ một nỗi lo rằng trẻ em thì chỉ chơi game, hoặc truy cập vào những thông tin độc hại", TS. Nguyễn Long nói. "Tuy nhiên trên thực tế thì phần đông người dùng Internet chỉ phục vụ cho cuộc sống và mục đích phát triển của mình. Còn những thứ khác, nếu chúng ta cứ coi đấy là lo, thì không bao giờ làm được".
"Lúc bấy giờ, giới CNTT đã đứng trước nhiều câu hỏi từ dư luận rằng có chặn được không, có đảm bảo thông tin Internet trong sạch không. Và tôi rất cảm ơn những vị là tiền bối đã mạnh dạn, đã thẳng thắn để tiếp tục phát triển Internet được đến như ngày hôm nay". Ông Nguyễn Long chia sẻ.
Chúng ta đã phải chờ đợi rất lâu để Internet vào Việt Nam tháng 11/1997
TS. cũng cho rằng đối với những người làm CNTT, thì Internet là một bước quan trọng trong quá trình toàn cầu hóa để được như ngày nay. Tuy nhiên đi đôi với Internet đó là thông tin, mà thông tin thì bên gặp khó khăn nhiều chính là quản lý. Thực tế Internet có thể vào sớm hơn, nhưng do những vướng mắc nêu trên, nên chúng ta đã phải đợi rất lâu mới được đến tháng 11/1997 là cột mốc đáng nhớ, khi Internet chính thức được hội nhập. Chính nhờ cột mốc quan trọng ấy, mà chúng ta mới đạt được những thành quả như ngày hôm nay, khi được hội nhập và tiếp cận đầy đủ những giá trị mang lại từ Internet.
Vào thời kỳ đó, ông Nguyễn Long cũng cho biết rất cảm giác rất lạ và xúc động khi lần đầu được gửi những email (thư điện tử) đầu tiên. " Tôi còn nhớ kỷ niệm với GS. Bạch Hưng Khang và anh Trần Bá Thái, khi chúng tôi kết nối được Internet và chuyển những email đầu tiên giữa trường Đại học ở bên Úc với Việt Nam. Ngày đấy có được những trải nghiệm như thế quả là điều đáng mừng."
Những kỷ niệm không thể quên khi Internet lần đầu tiên vào Việt Nam.
TS. Nguyễn Long không quên nhắc tới kỷ niệm "không thể nào quên" khi được làm việc cùng VDC - cũng là một trong những đơn vị đầu tiên được thành lập để triển khai sử dụng Internet tại Việt Nam. "Hồi ấy, từ một tổ nghiên cứu rất nhỏ ở trên tầng nóc của Bưu điện Hà Nội, chúng tôi phát triển để trở thành công ty đi tiên phong trong lĩnh vực. Đây cũng là dấu ấn đánh dấu sự bùng nổ của Internet tại Việt Nam", ông chia sẻ.
Nhận định về tương lai phát triển Internet tại Việt Nam, TS. Nguyễn Long đặt niềm tin lớn rằng chúng ta sẽ trở thành một trong những quốc gia hàng đầu trên thế giới về lĩnh vực CNTT, cũng như ứng dụng Internet trong đời sống nhờ nhanh chóng hội nhập với những xu thế mới.
"Giờ đây như chúng ta thấy đã có cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 cùng xu thế dữ liệu lớn đã mang đến cho Việt Nam rất nhiều làn sóng mới. Chúng tôi nghĩ rằng thế hệ tương lai sẽ được sử dụng Internet tại Việt Nam như là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới. Và chúng tôi cũng hy vọng rằng các nhà mạng sẽ mang lại chất lượng Internet để đảm bảo cho một nền kinh tế số, một xã hội thông tin hoàn hảo ở Việt Nam", ông Nguyễn Long cho biết.
Internet từ chỗ chỉ là công cụ, nay đã chuyển thành một phương tiện để phát triển nền kinh tế hiệu quả
Cùng nhận định cho rằng Internet là một bước quan trọng trong quá trình toàn cầu hóa để được như ngày nay, TS. Hoàng Lê Minh, nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ Phần mềm và Nội dung số Việt Nam - người từng đoạt huy chương vàng toán quốc tế đầu tiên của Việt Nam, nhưng đã không nuối tiếc khi từ bỏ con đường toán lý thuyết, để theo đuổi nghiên cứu khoa học & CNTT đã chia sẻ những tiềm năng to lớn mà ông thấy được trong lĩnh vực này.
"Có thể nói rằng Việt Nam chúng ta từ trước tới nay chỉ là một quốc gia ứng dụng và khai thác các nền tảng công nghệ, cũng như sử dụng các công cụ để phát triển hạ tầng, hay nói cách khác những hoạt động như xây dựng, mua sắm là chúng ta chuyển giao công nghệ", ông Lê Minh cho biết. "Tuy nhiên cho đến thời gian gần đây thì tôi thấy Việt Nam thực sự trở thành một thị trường mà tại đấy có các doanh nghiệp làm về nội dung số, về TMĐT,hay nói chung các tiềm năng phát triển hiện nay đang rất tốt nhờ có kết nối Internet."
20 năm Internet vào Việt Nam: "Những người làm khoa học rất khó khăn khi tìm kiếm nguồn thông tin "
"Như vậy, Internet từ chỗ chỉ là công cụ ở Việt Nam, nay đã chuyển thành một phương tiện, một cách thức để phục vụ kinh doanh hiệu quả, qua đó phát triển nền kinh tế", ông khẳng định.
Chia sẻ về những thay đổi từ trước và sau khi Internet hội nhập vào Việt Nam, TS. Hoàng Lê Minh nhận định VIệt Nam đã có những thay đổi vượt bậc không chỉ về mặt CNTT mà cả lĩnh vực kinh tế, thị trường. "Tôi nhớ là trước khi Việt Nam chúng ta kết nối với Internet, thì chúng tôi là những người làm khoa học, làm công nghệ, đã rất vất vả để tìm kiếm các nguồn thông tin và có thể nói rằng nền kinh tế Việt Nam cũng chưa có kết nối gì với quốc tế. Nhưng mà chỉ sau 20 năm thì các bạn có thể thấy những thay đổi rất vượt bậc về mặt CNTT và cả về mặt kinh tế."
"Có thể nói là sự thay đổi đó có một phần rất quan trọng là nhờ chúng ta được kết nối với thế giới thông qua Internet và các phương thức giao lưu khác. Đây cũng là những hạ tầng rất quan trọng cho sự phát triển chung của Việt Nam", TS.Lê Minh cho biết.
Như đã biết thì mỗi qua mỗi cuộc Cách mạng Công nghiệp, thế giới lại cần một loại "nhiên liệu" cụ thể. Đó chính là than đá trong cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ nhất; là năng lượng điện, khai thác điện trong cuộc Cách mạng Công nghiệp thứ 2, và linh kiện điện tử, chất bán dẫn trong cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 3. Giờ đây trong cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, ông Hoàng Lê Minh đồng quan điểm rằng "dữ liệu" chính là yếu tố quan trọng nhất để các quốc gia chiếm lấy ưu thế.
Internet từ một công cụ đã chuyển thành phương tiện, cách thức để kinh doanh phát triển
"Việt Nam đang theo đúng xu thế của thế giới, khi mà dữ liệu đóng vai trò rất quan trọng, để rồi nội dung sẽ là yếu tố phát triển của nền kinh tế tri thức cùng với các công nghệ và các xu hướng mới trong phát triển CNTT nói riêng và Khoa học công nghệ nói chung", ông cho biết.
Việt Nam đã bị chậm chân khá nhiều trong 3 cuộc Cách mạng Công nghiệp trước, khiến nền kinh tế bị tụt hậu so với các cường quốc trên thế giới không chỉ vài năm, mà hàng chục năm. Tuy nhiên chúng ta đang đứng trước cơ hội lớn khi bắt nhịp cùng xu thế Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 mạnh mẽ và nhanh chóng hơn bao giờ hết.
Phát triển Internet là xu hướng của cả thế giới
Với vai trò là "bậc tiền bối" trong lĩnh vực CNTT và nội dung số tại Việt Nam, TS. Hoàng Lê Minh tin tưởng rằng tương lai giờ đây là do người Việt "tự quyết". "Theo tôi trong tương lai, nền tảng dữ liệu nội dung số, cũng như công nghệ trí thông minh nhân tạo, cũng như các ứng dụng mà ngành nội dung mang lại sẽ là yếu tố quyết định", ông nhận định.
Tác giả: Nhóm Phóng viên
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn