Dự án Garbage Clinical Insurance là ý tưởng của bác sĩ, doanh nhân Gamal Albinsaid. Mới đầu thì có vẻ như đây là một ý tưởng vớ vẩn và sẽ thất bại về lâu về dài. Thế nhưng phòng khám lạ lùng này đã hoạt động được suốt 7 năm qua và mô hình trả tiền khám bằng rác này đã được nhân rộng ra cả nước.
Thế nhưng Gamal không hề có ý định trục lợi từ việc nhượng quyền. Được truyền cảm hứng từ khao khát muốn giúp người nghèo được khám bệnh cơ bản qua mô hình rác tái chế của nhiều người, Gamal đã đưa ra một quyển hướng dẫn khởi nghiệp 70 trang miễn phí cho các doanh nghiệp muốn đầu tư vào mô hình bảo hiểm ý tế rác này.
Gamal, CEO của hãng bảo hiểm y tế Indonesia Medika, thành lập dự án Garbage Clinical Insurance từ năm 2020 khi ông mới 21 tuổi. Ông có ý tưởng này sau khi suy nghĩ về ngân sách y tế hạn chế của nước mình và muốn tìm giải pháp thay thế giúp người nghèo chi trả cho bảo hiểm y tế.
Có khoảng 60% trong tổng số hơn 200 triệu dân ở Indonesia không có bảo hiểm y tế thế nhưng có một thứ ai cũng có thể có. Đó là rác.
"Có người không dám đến bệnh viện vì không có tiền. Thế nên tôi đã nghĩ, nếu không có tiền, thì họ có gì? Có rác ở khắp mọi nơi. Vậy là chúng tôi rùng rác như một nguồn lực kinh tế", Gamal cho biết.
Theo Gamal, một số thành phố như Malang thải ra hơn 55.000 tấn rác mỗi ngày và chỉ khoảng một nửa là được thu dọn. Vậy nên ý tưởng lấy rác đổi dịch vụ y tế vừa có thể giúp cải thiện tình hình bảo hiểm y tế, vừa giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Để có được dịch vụ y tế cơ bản, thành viên của dự án cần thu thập 3kg rác mỗi tháng bao gồm đồ nhựa, kim loại và cả rác hữu cơ có thể được làm thành phân bón. Đống rác này trị giá khoảng gần 20.000 đồng và có thể trả cho một số dịch vụ y tế cơ bản. Công ty cũng có một đội tình nguyện viên hướng dẫn về những loại rác nào có thể tái chế và thu thập được cũng kiêm luôn vai trò môi giới.
Gần 2.000 người đã tham gia dự án có thể khám tại ba phòng khám đặc biệt bao gồm hai phòng khám ở Malang, quê nhà của ông Gamal và một phòng khám gần thủ đô Jakarta.
"Người ta thường nghĩ rằng rác chẳng có giá trị gì và dịch vụ y tế thì rất đắt đỏ. Thế nhưng giờ họ đã thấy rác cũng có giá trị và dịch vụ y tế thì không cần phải quá đắt", Gamal nói.
Thế nhưng để quản lý, vận hành và giữ cho dự án này luôn bền vững không hề dễ dàng chút nào. Đây luôn là một vấn đề lớn mà Gamal phải giải quyết suốt 7 năm qua. Giá rác luôn dao động gây khó khăn cho việc đánh giá mức thu nhập của dự án. Để tránh thua lỗ, số người dùng rác để trả cho dịch vụ luôn phải ít hơn 20% tổng số thành viên thông thường của công ty mẹ Indonesia Medika.
Người tham gia dự án cũng phải hiểu rằng họ chỉ nhận những dịch vụ cơ bản nhất. Để cải thiện dịch vụ, Gamal và đội ngũ của mình chủ động giúp người nghèo thu thập rác và bán để có giá tốt hơn. Ông cũng giúp họ nhận những khoản trợ cấp của chính phủ.
Tác giả: Ngô Vân Theo OC/TS
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn