Trên thế giới có nhiều bộ lạc và nhóm người có những tập tục và nghi thức khác lạ. Đặc biệt về hôn nhân và tình dục, một số bộ lạc khiến người bình thường phải ngỡ ngàng với những quan điểm rất thoáng và độc đáo.
Trong nhiều thế kỷ qua, bộ lạc du mục Tuareg đã đi khắp sa mạc Sahara, sống rải rác từ Libya cho đến Algeria, Niger và Mali của châu Phi, theo trang Every Culture.
Đàn ông của bộ lạc được gọi là “người da xanh của Sahara” bởi thuốc nhuộm từ chiếc khăn đặc biệt của họ thấm vào da mặt, tạo nên thần thái bí ẩn. Nhìn chung, bộ lạc du mục Tuareg gợi hình ảnh hoài cổ và lãng mạn, theo Daily Mail.
Nhưng đằng sau lối sống cổ xưa là nền văn hóa rất “tiến bộ”, thậm chí có thể khiến một số người phương Tây đỏ mặt.
Phụ nữ Tuareg, nơi có dân số khoảng 1 triệu người, được phép có nhiều bạn tình, giữ tất cả tài sản sau ly hôn và được tôn kính bởi con rể của họ.
Điều đáng ngạc nhiên hơn là: mặc dù bộ lạc theo đạo Hồi, họ có một số phong tục mà phần lớn người Hồi giáo không chấp nhận. Ví dụ như phụ nữ không phải đội khăn che mặt, đàn ông mới phải làm vậy.
Nhiếp ảnh gia Henrietta Butler, người đã bị cuốn hút bởi bộ lạc Tuareg kể từ khi đi theo họ qua sa mạc vào năm 2001, từng hỏi tại sao phụ nữ không che mặt ở Tuareg. Lời giải thích rất đơn giản:
“Phụ nữ rất xinh đẹp. Chúng tôi muốn nhìn thấy khuôn mặt của họ”, một người Tuareg trả lời Butler.
Phụ nữ quan hệ tình dục thoải mái
Việc phụ nữ để hở mặt chắc chắn không phải điều duy nhất khiến Tuareg khác biệt với cộng đồng Hồi giáo ở Trung Đông hay các nền văn hóa khác trên thế giới.
Trước khi kết hôn, phụ nữ được tự do có bao nhiêu người tình cùng được.
"Họ (gia đình) nhắm mắt giả vờ không biết", Butler giải thích. “Các cô gái trẻ có quyền tự do giống y như các chàng trai”.
Đàn ông Tuareg có thể đi đến lều của cô gái trẻ, lẻn vào trong khi con lạc đà của anh ta đứng lặng lẽ chờ bên ngoài.
Trước khi kết hôn, phụ nữ được tự do có bao nhiêu người tình cùng được.
Trong lều, họ sẽ qua đêm với nhau trong khi gia đình của cô gái (cũng sống trong chiếc lều lớn có nhiều không gian riêng) giả vờ không để ý.
Nếu cô gái muốn chào đón người đàn ông khác vào lều trong ngày hôm sau, cô ấy hoàn toàn có thể làm vậy mà không bị phán xét.
Tuy nhiên, Tuareg cũng có một số quy định mà không ai dám phá vỡ. Sự riêng tư là điều quan trọng đối với bộ lạc cổ xưa này. Đàn ông luôn phải rời lều của người phụ nữ trước khi mặt trời mọc.
“Người Tuareg rất kín đáo. Tất cả mọi thứ được thực hiện với sự kín đáo và tôn trọng tối đa”, Butler nói.
Nhờ có phong tục thoáng về tình dục, các cô gái thường kết hôn muộn hơn so với những người ở bộ lạc có phong tục khắt khe. Ít có cô gái nào ở Tuareg kết hôn ở tuổi 20.
Để thể hiện tình cảm với cô gái, đàn ông Tuareg, nơi có ngôn ngữ riêng, thường làm thơ. Đổi lại, các cô gái cũng viết thơ để gửi cho người mình yêu.
“Phụ nữ cũng làm thơ để ca ngợi người đàn ông”, Butler nói. “Có sự lãng mạn và thần tượng ở đây”.
Phụ nữ nắm quyền
Khác với nhiều nền văn hóa khác, phụ nữ không mất đi quyền lực sau khi kết hôn.
Du khách đến trại du mục của Tuarag thường sẽ đánh giá thấp sức mạnh của phụ nữ trong lều, nghĩ rằng nhiệm vụ duy nhất của họ là nấu nướng và chăm sóc con cái.
Nhưng thực tế, phụ nữ sở hữu toàn bộ lều và động vật - nguồn tài nguyên vô giá cho người Tuareg ở giữa sa mạc Sahara.
Nhà báo Peter Gwin cho biết một người du mục từng nói với ông: “Vật nuôi là tất cả mọi thứ của người Tuareg. Chúng tôi uống sữa, ăn thịt, sử dụng da của chúng và bán chúng. Khi con vật chết, người Tuareg chết”.
Ở Tuareg, nhiều cuộc hôn nhân kết thúc trong ly dị. Và khi điều đó xảy ra, người vợ được giữ cả vật nuôi và lều. Hơn nữa, vợ cũng thường là người quyết định ly dị.
Các cặp đôi Tuareg có thỏa thuận rõ ràng trước hôn nhân. Trong thực tế, đàn ông buộc phải về nhà mẹ đẻ sau ly hôn, chỉ mang lạc đà về. Trong khi đó, người vợ sở hữu mọi thứ cô ta mang đến cuộc hôn nhân này, bao gồm con cái.
Lều của người mẹ “là gốc rễ của cộng đồng”, là nơi mọi người trở về khi gặp chuyện, Bulter giải thích.
Ly hôn không bao giờ là chuyện đáng xấu hổ ở Tuareg. Các gia đình thường tổ chức cho con gái bữa tiệc để mọi người biết rằng cô đã trở về trạng thái độc thân.
Tuy nhiên, đây không phải là xã hội mẫu hệ, nơi phụ nữ chịu trách nhiệm cho mọi việc.
Butler giải thích đàn ông vẫn là người “ngồi xuống và nói chuyện chính trị”. Phụ nữ có thể là chuyên gia tư vấn. Họ thường được con trai hoặc chồng hỏi ý kiến và lặng lẽ “giật dây đằng sau”.
Có một truyền thống chắc chắn còn lạ hơn nhiều: Đàn ông không được phép ăn trước mặt phụ nữ lớn tuổi trong gia đình hoặc người mà anh ta không quan hệ tình dục, đặc biệt là mẹ vợ.
"Tôi không nhận ra điều này cho đến khi ăn tối với một phụ nữ Tuareg và con rể của bà ấy", Butler nhớ lại. “Chúng tôi đều ngồi xuống ăn tối và người đàn ông quay lưng lại. Bà ấy nói người đàn ông tội nghiệp đang rất sợ hãi vì phải ăn cùng mẹ vợ”.
Gìn giữ bản sắc
Ngày nay đang có một số sự thay đổi văn hóa ở bộ lạc Tuareg. Nữ nhiếp ảnh Butler nhận thấy ngày càng nhiều phụ nữ đội khăn che mặt. Họ nói họ đeo khăn vì thời trang, không phải vì tôn giáo. Tuy nhiên, Butler không hoàn toàn tin.
Andy Morgan, quản lý nhóm nhạc người Tuareg có tên Tinariwen, từng nói vào năm 2013 rằng một số người Tuareg coi “văn hóa của họ lạc hậu và không liên quan với thế giới hiện đại”.
“Họ muốn người Tuareg học tiếng Ả Rập hay ngôn ngữ của cộng đồng Hồi giáo rộng lớn hơn... Họ cho rằng một số khía cạnh của văn hóa Tuareg, đặc biệt là âm nhạc và khiêu vũ, là thô tục và phản tôn giáo. Họ phản đối sự tự do và quyền lực xã hội của phụ nữ Tuareg”, Morgan nói.
Nhưng vẫn có hy vọng rằng Tuareg, bộ lạc đã tồn tại trong hơn 1.000 năm qua, sẽ gìn giữ truyền thống khác biệt của họ.
Nhìn chung, người Tuareg vẫn tin rằng văn hóa của họ thích hợp hơn cả.
"Họ nghĩ rằng họ vượt trội hơn các chủng tộc khác", Butler nói. “Họ rất tự hào. Họ chắc chắn coi bản thân vượt trội hơn chúng ta. Có lẽ họ thấy những nền văn hóa khác hơi ngu ngốc và nguyên thủy”.
Tác giả: Theo Trà My Dân Việt
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn