Huawei đang lâm nguy đến mức nào?

Thứ hai - 20/05/2019 00:27
(Dân trí) - Việc bị chính phủ Mỹ đưa vào “danh sách đen”, cấm giao dịch và mua linh kiện từ các công ty tại Mỹ đã khiến Huawei lâm nguy thực sự, khi hãng công nghệ Trung Quốc đang phụ thuộc rất nhiêu vào các đối tác tại Mỹ. >> >> >>

Tuần trước, Tổng thống Donald Trump thậm chí còn ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về công nghệ và cấm các công ty Mỹ sử dụng thiết bị do các hãng bị coi là mối đe dọa tới an ninh quốc gia sản xuất, trong đó nhắm mục tiêu tới Huawei.

Sắc lệnh khẩn cấp đã trao quyền cho Bộ trưởng Thương mại Mỹ trong việc ngăn chặn bất kỳ giao dịch nào có nguy cơ gây rủi ro cho các công nghệ và dịch vụ viễn thông hoặc công nghệ thông tin. Bộ Thương mại Mỹ cho biết đã bổ sung Huawei và 70 chi nhánh của công ty này vào “danh sách đen”, một động thái để ngăn Huawei mua các bộ phận và linh kiện từ các công ty của Mỹ mà không được Washington chấp thuận.

Mặc dù là nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, hiện Huawei vẫn phụ thuộc rất nhiều vào các nhà cung cấp linh kiện tại Mỹ, do vậy động thái mới của Bộ Thương mại Mỹ sẽ khiến Huawei gặp rất nhiều khó khăn.

Huawei đang lâm nguy đến mức nào?

Huawei đang thực sự lâm nguy sau hàng loạt “đòn đau” từ phía Mỹ

Để trấn an các nhà đầu tư, nhà sáng lập và CEO Huawei Nhậm Chính Phi khẳng định Huawei sẽ không gặp vấn đề gì khi không thể sử dụng linh kiện từ các công ty của Mỹ như Qualcomm, Intel hay Micron...

Sở dĩ Nhậm Chính Phi tự tin vào công ty của mình vì Huawei hiện tại đang sở hữu hai công ty phát triển chip của riêng mình là Kirin (chuyên phát triển chip cho di động) và Balong (chuyên phát triển chip modem trên các thiết bị cao cấp). Điều này giúp Huawei có thể tự chủ trong việc sản xuất chip mà không cần phụ thuộc vào các đối tác tại Mỹ.

Tuy nhiên trên thực tế, Huawei không thực sự tự chủ và có thể sống thiếu các đối tác cung cấp linh kiện tại Mỹ.

Trong năm 2018, Huawei đã chi ra 11 tỷ USD để mua linh kiện từ các nhà sản xuất chip tại Mỹ như Qualcomm, Intel hay Micron... Một nguồn tin từ nội bộ của Huawei còn tiết lộ rằng những linh kiện mà Huawei mua từ các đối tác tại Mỹ không thể thay thế bởi các nhà cung cấp tại Trung Quốc, ít nhất là trong vài năm tới, và các nhà phân tích thị trường cũng có cùng quan điểm.

“Tôi sẽ ngạc nhiên nếu Huawei có thể hoàn toàn sản xuất chip mà không cần đến các nhà cung cấp linh kiện của Mỹ”, Linda Sui, chuyên gia phân tích của hãng nghiên cứu thị trường Strategy Analytics nhận xét.

Không chỉ linh kiện phần cứng, Huawei cũng đang phụ thuộc rất nhiều vào phần mềm được cung cấp bởi các công ty tại Mỹ.

Mặc dù đang tự thiết kế và sản xuất chip, tuy nhiên HiSilicon (công ty chuyên sản xuất chip cho Huawei) lại đang sử dụng phần mềm thiết kế chip được phát triển bởi Cadence Design Systems Inc và Synopsys Inc, hai công ty của Mỹ. Phần mềm được cung cấp bởi hai công ty này cho phép HiSilicon thử nghiệm thiết kế của chip trên phần mềm trước khi bước vào giai đoạn thử nghiệm thực tế trên sản phẩm hoàn thiện.

Không chỉ dừng lại ở đó, Huawei hiện đang là hãng smartphone lớn thứ 2 thế giới (sau Samsung) về mặt doanh số, tuy nhiên smartphone của Huawei đều đang sử dụng nền tảng Android của Google. Nhiều nguồn tin mới đây đã khẳng định Google sẽ ngừng hợp tác của Huawei, đồng nghĩa với việc sẽ không còn hỗ trợ Huawei trong việc phát triển nền tảng Android cho các sản phẩm của hãng này.

Do Android là một nền tảng mở và được cung cấp miễn phí nên Huawei vẫn có thể tự phát triển nền tảng di động này, nhưng các dịch vụ do Google cung cấp như Youtube, Maps, Gmail hay kho ứng dụng Google Play... sẽ không được tiếp tục hỗ trợ và nâng cấp trên các mẫu smartphone của Huawei.

Đây chắc chắn là một “đòn đau” đánh vào tham vọng trở thành hãng smartphone số một thế giới của Huawei, đặc biệt khi mà Android vẫn đang là nền tảng di động phổ biến nhất hiện nay.

Trước đó Huawei đã từng “úp mở” về việc phát triển hệ điều hành riêng để thay thế Windows và Android trên các sản phẩm của hãng, đề phòng trường hợp Huawei không thể tiếp tục sử dụng hai hệ điều hành này. Có vẻ như thời điểm đó đã đến, nhưng vấn đề đặt ra là liệu Huawei đã sẵn sàng sử dụng hệ điều hành của riêng mình hay chưa và người dùng sẽ đón nhận nền tảng mới này như thế nào?

Rõ ràng Huawei đang thực sự lâm nguy và đến thời điểm này, nhiều người mới nhận ra rằng Huawei không thực sự hoàn toàn tự chủ như những gì công ty đã tuyên bố trước đây.

T.Thủy

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập861
  • Máy chủ tìm kiếm123
  • Khách viếng thăm738
  • Hôm nay121,072
  • Tháng hiện tại3,446,920
  • Tổng lượt truy cập155,482,524
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây